Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 41)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.   

Kỳ 41.

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, các cường quốc đế quốc đã thiết lập nên trật tự thế giới mới: Trật tự Versailles-Washington với công cụ là Hội quốc liên để duy trì trật tự có lợi cho các cường quốc như Anh, Pháp, Mỹ. Anh được Hội quốc liên giao quyền uỷ trị tại Paléstine. Những nhà lãnh đạo Do Thái đã dựa vào Anh để thực hiện Chủ nghĩa phục quốc Do Thái. Anh cũng lợi dụng Chủ nghĩa phục quốc Do Thái để giành bá quyền ở Trung Đông. Ngày 2-11-1917 Ngoại trưởng Anh Banpho đã gửi thư cho Chủ tịch Liên minh những người theo Chủ nghĩa phục quốc Do Thái, nhà tài phiệt Losetơ Ban pho nói rằng Chính phủ Anh ủng hộ việc thành lập một gia đình dân tộc người Do Thái và sẽ đốc thúc thực hiện. Chính phủ Anh không nói suông, đã ra sức giúp đỡ người Do Thái ở các nơi trên thế giới trở về Palestine định cư. Năm 1917 cư dân Do Thái ở Palestine chỉ có 5 vạn, năm 1939 tăng lên gần 45 vạn. Người do Thái về Palestine được sự giúp đỡ tài chính của những nhà tài phiệt Do Thái thế giới đã cưỡng chế mua đất, chiếm đoạt đất đai, một số nơi đã dùng vũ lực tàn bạo tàn sát và giết hại người Palestine để chiếm đất, xây dựng các khu định cư Do Thái. Lần thứ ba những yếu tố bên trong và bên ngoài lại gieo hận thù cho hai dân tộc Palestine và Do Thái.

          Thế giới Ả Rập và người Palestine đã chống lại thái độ thiên vị của Anh, tẩy chay Anh. Trước tình hình đó Anh phải công bố “Sách trắng” vào 17-5-1939 điều chỉnh chính sách của đế quốc Anh ở Trung Đông, hạn chế người Do Thái nhập cư về Palestine. Trước tình hình đó, những người lãnh đạo Do Thải tìm sang sự giúp đỡ của Mỹ. Chủ tịch tổ chức Do Thái là Benculian đã triệu tập Đại hội ở khách sanh Bilmo (Niuooc) tháng 5-1942, thông qua “Cương lĩnh Bilmo” trong đó công kích “Sách trắng” của chính phủ Anh, chuyển lập trường sang tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ.

          Sau chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945), Mỹ vươn lên thay thế Anh ở Trung Đông. Để cạnh tranh với Liên Xô, để đàn áp phong trào giải phóng trong khu vực đang bùng lên mạnh mẽ, cũng như Anh trước đây, Mỹ đã tìm thấy công cụ đắc lực thực hiện các mục đích chiến lược trên là Chủ nghĩa phục quốc Do Thái. Chủ nghĩa phục quốc Do Thái cũng phải dựa vào Mỹ để thực hiện mục đích chính trị: Thành lập một nhà nước Do Thái trên đất Palestine. Mỹ ra sức gây mâu thuẫn giữa  người Do Thái và người Palestine vốn đã có từ nghìn xưa để có lợi cho chính sách của Mỹ ở Trung Đông.

          Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ do những điều kiện thuận lợi mà bị thiệt hại ít, chiến tranh không lan sang châu Mỹ, lại đứng ngoài bán vũ khí cho cả hai bên trước khi tham chiến chống phát xít, tận dụng được thành quả của cách mạng khoa học công nghệ hiện đại. Tất cả những nguyên nhân trên làm cho từ 1945 đến những năm 60 Mỹ thành cường quốc số 1 về kinh tế thế giới tư bản, trung tâm tài chính duy nhất của thế giới. Đó là thời kỳ Mỹ chi phối cả Liên hợp quốc, tổ chức lớn nhất thế giới. Ngày 29-11-1947 do sự thao túng của Mỹ, Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết phân trị Palestine. Nghị quyết này buộc Anh phải chấm dứt quyền uỷ trị và rút quân khỏi Palestine trước ngày 1-8-1948. Sau hai tháng kể từ khi Anh rút quân, Palestine chia thành hai khu vực và thành lập hai nhà nước: Nhà nước của người Ả Rập Palestine và nhà nước của người Do Thái. Thành lập chính quyền quốc tế đặc biệt ở Jerusalem do Liên hợp quốc quản lý.

          Nghị quyết của Liên hợp quốc hoàn toàn có lợi và thiên vị người Do Thái, nó là pháp lý quốc tế làm cho Chủ nghĩa phục quốc Do Thái trở thành hiện thực và hợp pháp. Về phương diện lãnh thổ đất đai, khi đó người Ả Rập khoảng 1,2 triệu, chiếm 2/3 dân số chỉ được 43% diện tích, hầu hết là những đất đai cằn cỗi, gò đồi. Người Do Thái khi đó chỉ khoảng 60 vạn, chỉ khoảng 1/3 dân số được chiếm 57 % lãnh thổ với đất đai giàu có ven biển màu mỡ.

          Ngày 14-5-1948 nhà nước Israel của người Do Thái tuyên bố thành lập. 10 phút sau khi thành lập nhà nước này được Chính phủ Mỹ công nhận. Nhà nước Do Thái đã mất 2000 năm nay sống lại hiện hữu và được sự giúp đỡ của một cường quốc lớn nhất là Mỹ. Trong khi đó nhà nước Ả Rập Palestine chưa thể thành lập ngay được, nhà cửa, quê hương, ruộng vườn bị mất. Một lần nữa hận thù giữa người Do Thái và người Ả Rập Palestine đã được các thế lực đế quốc bên ngoài đẩy đến cùng cực và dẫn tớí chiến tranh.

          Ngay từ tháng 12 năm 1947 để chống lại âm mưu của Mỹ và Israel, Liên minh Ả Rập được thành lập bao gồm 7 nước thành viên gồm: Ai Cập, Syria, Transjordan, Iraq, Libăng, Ả Rập xêut và Yêmen. Liên minh đã ra tuyên bố “ Kiên quyết chiến đấu chống lại Nghị quyết của Liên hợp quốc phân chia Palestine và tuân theo lệnh Giáo chủ chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng”[1].

2. Chiến tranh Trung Đông.

2.1. Chiến tranh Trung Đông lần thứ nhất (15-5-1948 đến 8-7-1949).

          Ngay sau khi nhà nước Israel vừa thành lập được hai ngày, Liên minh Ả Rập đã tuyên chiến với Israel. Lịch sử gọi đây là cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ nhất. Phía Ả Rập bao gồm quân đội chính qui 5 nước tham gia: Ai Cập, Jordan, Li băng , Syria và Iraq. Tổng số quân Liên minh khoảng 4 vạn. Phương tiện chiến tranh vũ khí bao gồm máy bay, xe tăng, pháo. Toàn bộ lực lượng đặt dưới quyền chỉ huy của tướng Abutula, Tổng chỉ huy quân đội của Vương quốc Jordan. Phía Israel khoảng 3 vạn quân với nhiều vũ khí phương tiện chiến tranh do Mỹ viện trợ.

          Chiến sự từ 15-5-1948 đến 11-6-1948: Chiến tranh diễn ra trên đất Do Thái. Quân đội Liên minh Ả Rập tấn công quân đội Israel. Tại mặt trận phía Bắc quân đội Iraen chặn đứng cuộc tấn công của quân đội Syria và Libăng. Tại mặt trận phía Đông và Nam quân đội Israel phải lùi bước trước sức tấn công của quân đội Liên minh Ảrập. Phía Đông quân đội Gioóc đa ni đánh tới Jerusalem, quân đội Irắc đánh chiếm Luzơbunu, cách Địa Trung Hải 10 dặm Anh, cắt đôi quân đội Israel. Mặt trận phía Nam quân đội Ai Cập đánh tới thủ đô Ten a víp của Israel. Ixraen bị bao vây bốn bề, tình hình vô cùng nguy ngập. Để cứu vãn tình thế Mỹ ra sức viện trợ quân sự cho Israel, đồng thời vận động Liên hợp quốc ra nghị quyết buộc hai bên ngừng bắn để Israel có thời gian củng cố lại lực luợng. Ngày 29-5-1948 Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua đề án 4 tuần ngừng bắn giữa Liên minh các nước Ả rập và Israel từ 11-6 đến 8-7 năm 1948. Lợi dụng 4 tuần đó xe tăng, vũ khí của Mỹ và các nước đồng minh tràn vào viện trợ cho Israel, quân đội từ 3 vạn tăng lên 10 vạn. Khẳ năng chiến đấu của quân đội Israel được tăng cường mạnh mẽ. Trong khi đó quân đội Liên minh Ả rập không được tăng cường, trang bị lại kém Israel, mâu thuẫn nội bộ  xuất hiện, nhất là mâu thuẫn giữa Ai Cập và Jordan.

          Chiến sự từ 8-7-1948 đến 15-7-1948: Hết thời hạn ngừng bắn, quân đội Israel tấn công quân đội Ai Cập ở khắp nơi. Do những nhược điểm trên, quân đội các nước Ả Rập lui về thế phòng ngự và mất hai thành phố  ở miền Trung là Lu sơ và La mu la. Trong 10 ngày chiến sự quân đội Israel đã chiếm 1000 kilômét vuông đất đai. Ngày 15-7-1948 Mỹ hối thúc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua đề án ngừng bắn vô thời hạn. Ngày 19-7-1948 hai bên ngừng bắn. Mỹ lại lợi dụng thời gian hoà bình để tăng cường viện trợ quân sự cho Israel. Ngoài ra, Israel còn tăng cường bổ sung lực lượng quân đội. Trong khi đó nội bộ các nước Ả Rập mâu thuẫn và không tăng cường lực lượng cũng như về trang thiết bị chiến đấu.

          Chiến sự từ 15-10-1948 đến 24-2-1949: Sau khi được Mỹ tăng cường lực lượng, ngày 15-10-1948 Israel phá hoại lệnh  ngừng bắn, tấn công chiếm giải Gaza, cắt đứt đường rút lui của quân đội Ai Cập. Chiến tranh đã làm cho Chính phủ Ai Cập không ổn định. Ngày 24-2-1949 chính phủ Ai Cập ký hiệp định đình chiến riêng rẽ tay đôi với Israel. Tiếp đó các Chính phủ Iraq, Libăng, Syria, Jordan lần lượt trong các tháng 3, tháng 4 và tháng 7-1949 đã ký hiệp định đình chiến với Israel.

(Còn nữa)

CVL

--------------------

[1] . Thông tấn xã Việt Nam. Cuộc xung đột Ixraen và Ả Rập. NXB Thông tấn. H.2002. Tr. 33.