Kỳ 45.
2.Lịch sử Mali.
2.1.Thời kỳ tiền sử (xã hội nguyên thủy).
Châu Phi là một trong bốn châu lục (châu Âu, châu Á, châu Đại Dương) các nhà khảo cổ học đã tìm thấy dấu vết của một loài vượn tối cổ đặc biệt tiến hóa thành người. Sự tiến hóa này kéo dài hàng triệu năm và theo một quy trình từ thấp lên cao. Bước đầu tiên là vượn tiến hóa thành vượn- người, vài chục vạn năm sau vượn- người tiến hóa thành người-vượn, người –vượn tiến hóa thành người tinh khôn (Nêăngđéctan) và cuối cùng thành người hiện đại-Hômôsapiêng. Với người hiện đại, quá trình vượn tiến hóa thành người đã hoàn thành. Như vậy bốn châu lục cách đây hàng triệu năm đã xuất hiện những cặp Hômôsapiêng là ông tổ của 4 đại chủng (chủng tộc) Ơrôpôits (Đại chủng da trắng ở châu Âu), Môngôlôit (Đại chủng da vàng ở châu Á), Ôtxtralôit (Đại chủng châu Đại Dương) và Nêgrôit (Đại chủng da đen ở châu lục đen Nam sa mạc Sahara). Nguyên nhân vượn tiến hóa thanh người theo nhà sinh vật học vĩ đại người Anh thế kỷ XIX, tác giả của học thuyết tiến hóa nổi tiếng là do sự thay đổi của môi trường, do cạnh tranh sinh tồn. Nhưng theo Engels, nguyên nhân chính là do lao động. Lao động đã biến cơ thể con vượn thành cơ thể con người, lao động đã biến bộ não động vật của con vượn thành bộ não con người với 10 tỉ nơ ron thần kinh làm cho con người có thể nói, có thể tư duy, có thể nhận biết khám phá thế giới.
Như vậy Tây Phi trong đó có vùng đất của Mali là một trong những quê hương của loài người, nói cách khác là một trong những cái nôi của nhân loại.
Sau khi thành người hiện đại những cư dân đầu tiên trên đất cổ xưa của Tây Phi sống thành từng bầy. Một thời gian dài bầy người tiến hóa lên thành một cộng đồng cao hơn là thị tộc. Cơ sở của thị tộc là cùng huyết thống anh em với nhau. Thị tộc đầu tiên là thị tộc mẫu quyền, người phụ nữ nắm quyền điều hành thị tộc. Thị tộc mẫu quyền còn gọi là thị tộc mẫu hệ vì con lấy họ của thị tộc mẹ. Trong thời kỳ thị tộc, các quan hệ xã hội đã được hình thành, cũng đã hình thành văn hóa nguyên thủy, phong tục tập quán, tôn giáo sơ khai, sau này thành tôn giáo tín ngưỡng dân gian như tô tem giáo, bái vật giáo, thờ cúng tổ tiên v.v…Đã hình thành cộng đồng bộ lạc bên cạnh thị tộc. Bộ lạc là sự liên minh giữa hai hay nhiều thị tộc với nhau, gần gủi nhau về huyết thống, về địa bàn cư trú, về hôn nhân để mở rộng tầm giao du kinh tế, văn hóa, đặc biệt để đối phó với kẻ thù.
Lịch sử thị tộc mẫu quyền đi qua nhường chỗ cho thị tộc phụ quyền do công cụ sản xuất phát triển, đồ đồng xuất hiện bên cạnh đồ đá mới tạo nên những cuộc cách mạng trong phân công lao động và trong các ngành nghề. Đàn ông đóng vai trò chính trong sản xuất không phải là kinh tế hái lượm như thời mẫu hệ mà bây giờ là săn bắn vì có cung tên, đánh cá, phát triển những ngành nghề thủ công nghiệp và nông nghiệp mà đàn bà không thể gánh vác được. Chế độ thị tộc phụ quyền còn gọi là thị tộc phụ hệ vì con phải mang họ của cha. Cùng với thị tộc phụ quyền vẫn tồn tại cộng đồng bộ lạc nhưng thêm một cộng đồng nữa là Liên minh bộ lạc. Liên minh bộ lạc là sự kết hợp nhiều bộ lạc với nhau gần gũi về địa vực cư trú, huyết thống, hôn nhân. Liên minh bộ lạc là liên minh rộng lớn do Hội đồng Liên minh bộ lạc cầm đầu. Thành phần của Hội đồng liên minh bộ lạc thường là tù trưởng các bộ lạc. Bộ lạc nào mạnh nhất thủ lĩnh của họ sẽ là thủ lĩnh tối cao của Hội đồng liên minh bộ lạc. Liên minh bộ lạc là cộng đồng cuối cùng của xã hội nguyên thủy, một xã hội không có tư hữu, không có giai cấp, không có nhà nước và pháp luật. Quản lý xã hội là những cơ quan quyền lực xã hội như tộc trưởng của thị tộc, Tù trưởng của bộ lạc, Thủ lĩnh và Hội đồng liên minh bộ lạc, điều chỉnh những quan hệ xã hội là phong tục tập quán của những cộng đồng đó quy định. Nhưng Liên minh bộ lạc đã chuẩn bị cho sự ra đời chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, từ đó xuất hiện giai cấp và công xã nguyên thủy tan rã. Nhà nước, cơ quan quyền lực công cộng ra đời, pháp luật ra đời. Xã hội Tây Phi thực hiện một bước nhảy vọt to lớn đầu tiên của mình, xã hội bước sang thời kỳ văn minh theo cách nói của Engels, sang thời kỳ có tư hữu, có giai cấp,có nhà nước, có pháp luật. Cũng như các tộc người khác trên thế giới, xã hội nguyên thủy là điều tất yếu phải trải qua của các tộc người trên đất Mali. Sau này trong xã hội có giai cấp có thể có dân tộc bỏ qua hình thái kinh tế xã hội này đi thẳng lên hình thái kinh tế xã hội khác tùy những nhân tố khách quan của thế giới và chủ quan của dân tộc đó. Nhưng xã hội nguyên thủy thì dân tộc nào cũng bắt buộc phải trải qua. Các dân tộc trên đất Mali cũng không nằm ngoài qui luật đó. Trong xã hội nguyên thủy lâu dài, các tộc người trên đất Mali đã tạo nên những phong tục tập quán, những tôn giáo tín ngưỡng nguyên thủy và những giá trị văn hóa tinh thần vật chất ban đầu, đặt nền tảng vững chắc cho toàn bộ nền văn hóa sau này của các dân tộc trên đất Mali.[1]
2.2. Thời kỳ cổ đại: Vương quốc Ghana.
Theo qui luật chung, khi công xã nguyên thủy tan rã, sự hình thành nhà nước và quốc gia ở một khu vực bao giờ cũng hình thành các tiểu vương quốc, các quốc gia nhỏ bé. Trải qua quá trình đấu tranh lâu dài để thống nhất đất nước, các tiểu vương quốc bị xóa bỏ, bị sáp nhập và hình thành một quốc gia thống nhất rộng lớn. Đấu tranh giữa thống nhất và chia cắt là một trong số các qui luật hình thành của các quốc gia mà La Quán Trung, tác giả bộ “Tam quốc diễn nghĩa” nổi tiếng của Trung Quốc đã gọi đó là qui luật “tan và hợp”. Nhưng với Mali sự hình thành nhà nước, quốc gia theo qui luật đặc thù. Vào thế kỷ III SCN, tại vùng đất Tây Phi này đã hình thành một quốc gia rộng lớn: Quốc gia Uagađu còn gọi là vương quốc Ghana. Lãnh thổ của vương quốc Ghana bao trùm Mali, Moorritani, Senegal ngày nay. kinh đô của vương quốc rộng lớn này là Cumbi nằm trên bờ sông Nioro. Quốc gia cổ đại Tây Phi này có nền kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp phát triển. Nhà nước Ghana là nhà nước chiếm hữu nô lệ không điển hình.
(Còn nữa)
CVL
------------------
[1] . Cao Văn Liên.Lịch sử 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nxb Thời Đại.Tái bản.Hà Nội.2011.Tr.592