Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 50)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.      

Kỳ 50

XVII.  TUY NI DI - NHỮNG TRANG LỊCH SỬ.

!. Đất nước con người

Cộng hòa Tunisia nằm ở Đông Bắc châu Phi, phía Tây giáp Algeria, Đông Nam giáp Libya, phía Bắc và phía Đông giáp biển Địa Trung Hải. Diện tích Tunisia 165.000km2, dân số khoảng 10,3 triệu người, trong đó 98% là người Arab, còn lại là người châu Âu, người Do Thái và một số cư dân tộc người khác. Ngôn ngữ chính là tiếng Arab. 98% cư dân theo đạo Hồi, 1% theo Thiên Chúa giáo, đạo Do Thái khoảng 1.500 người. 53% cư dân sống ở đô thị, 47% sống ở nông thôn. Thủ đô Tunis khoảng 1.600.000 người. Miền Nam Tunisia là một phần sa mạc Sahara. Còn lại từ đó lên phía Bắc đất đai phì nhiêu màu mỡ. Bờ biển kéo dài 1.300 km. Đất đai Tunisia thích hợp trồng nho, lúa mì, chà là và nhiều loại cây nông nghiệp khác. Thời cổ đại, cư dân đầu tiên của quốc gia này là người Phoenicia. Họ có những nhà hàng hải và thủy thủ tài giỏi, gan dạ. Do đó nghề đánh cá và thương mại đường biển khá phát triển. Tuy nhiên, thời kỳ hiện đại, nông nghiệp, khai thác phốt phát, dầu mỏ là những ngành kinh tế trụ cột của Tunisia. Tổng sản phẩm quốc dân GDP năm 2007 là 97,74 tỉ USD (xếp thứ 60 trên thế giới), Tổng sản phẩm quốc dân tính theo đầu người 9.630 USD (xếp thứ 73). Đơn vị tiền tệ là đồng Dinar Tunisia.

2. Thời kỳ cổ đại (thiên niên kỷ III TCN-698 SCN): Cư dân đầu tiên có mặt trên đất Tunisia là người Phoenicia, sử dụng ngữ hệ Xemis. Tên gọi này do người Hi Lạp cổ đại đặt cho. Thiên niên kỷ III TCN, người Phoenicia  từ vùng Tây và Nam Palestine  di cư lên phía Bắc, dọc theo bờ Địa Trung Hải lập nên nhiều trung tâm cư trú mới. Sau này những trung tâm này biến thành những thành phố lớn như Ugarit, Biblos, Seidon và Tear. Do điều kiện tự nhiên thuận lợi cùng với tài năng kinh tế của người Phoenicia mà kinh tế phát triển phồn vinh. Kinh tế phát triển đã tác động đến xã hội, chế độ tư hữu xuất hiện, xuất hiện kẻ giàu người nghèo, công xã thị tộc tan rã, xã hội xuất hiện giai cấp, nhà nước chiếm hữu nô lệ của giai cấp chủ nô hình thành. Các sự kiện này diễn ra vào cuối thiên niên kỷ III TCN. Giai cấp bị áp bức bóc lột nặng nề nhất là nô lệ. Nguồn cuả nô lệ là từ những dân nghèo bị phá sản, nhưng nguồn đông đảo nhất là từ nước ngoài được đưa về. Khác với những nước phương Đông cổ đại khác, nô lệ ít so với nông dân và chỉ phục dịch trong các gia đình  thì ở Tunisia nô lệ được sử dụng đông đảo trong sản xuất. Họ làm việc trong các xưởng thủ công, lao động trong các trang trại nông nghiệp. Họ bị buộc đá vào người lặn xuống biển sâu  để mò lấy vỏ các loài nhuyễn thể để chế ra thuốc nhuộm. Nô lệ bị xích chân vào thuyền bên cạnh mái chèo để chèo thuyền cho chủ nô đi buôn bán. Nô lệ cũng hầu hạ là việc phục dịch trong các gia đình quan lại quý tộc chủ nô. Đời sống nô lệ vô cùng cực khổ, họ bị coi như súc vật và là tài sản của chủ nô, họ không được thừa nhận là con người, họ không được hưởng thành quả lao động và phải làm việc khổ sai, không giờ giấc.

   Các tầng lớp cư dân lao động khác như thợ thủ công, người buôn bán nhỏ, nông dân đều đóng vai trò quan trọng trong sản xuất. Họ bị nhà nước bóc lột thông qua hệ thống thuế, lao dịch và binh dịch. Nghề thủ công của người Phoenicia phát triển ở trình độ tinh xảo. Họ sản xuất vải vóc, đồ dùng kim loại mỹ nghệ…tiêu dùng trong nước và để xuât khẩu.

   Chủ nô là giai cấp thống trị áp bức bóc lột vì chúng chiếm đoạt nhiều tư liệu sản xuất, nhiều của cải và nô lệ. Chúng nắm những chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước. Quyền lực này càng giúp cho chúng cướp đoạt được nhiều của cải hơn nữa vì như F.Engels đã nói: quyền lực bản thân nó không sản sinh ra kinh tế nhưng quyền lực có thể giúp kẻ nắm quyền cướp đoạt được kinh tế và nhiều thứ khác. Chủ nô Phoenicia phần lớn tập trung ở thành thị có nhiều công trình phòng ngự. Trong các văn kiện đương thời chúng được gọi là “những nhà hoạt động” hay “những kẻ thống trị”[1].

  Cùng ở phương Đông nhưng Phoenicia khác với các nước khu vực này là chế độ tư hữu ruộng đất của họ rất phát triển. Các khế ước mua bán ruộng đất, khế ước truyền lại ruộng đất đã minh chứng cho nhận định trên. Ruộng đất công của công xã nông thôn bị bị chế độ tư hữu phá tan. Sự áp bức bóc lột của chủ nô, của bọn giàu có càng thêm tàn bạo đối với nô lệ và nông dân. Nông dân bị cướp đoạt ruộng đất, phá sản phải rời bỏ quê hương đi kiếm sống. Thế kỷ IX TCN đã bùng nổ cuộc khởi nghĩa của nô lệ và dân nghèo ở thành bang Tear. Quân khởi nghĩa đã tiêu diệt hết nhà cầm quyền, vợ con của chúng bị bắt và bị quân nổi dậy chia cho nhau. Những nhà sử học Hi Lạp cổ đại đã coi điều đó là “sự đau khổ của Phoennicia”. Thế kỷ V và IV TCN tiếp tục  bùng nổ nhiều cuộc khởi nghĩa của dân nghèo chống lại nhà nước chủ nô.

 Sau khi hình thành đầy đủ tiền đề kinh tế xã hội và do nhu cầu bức thiết của lịch sử,  vào cuối thiên niên kỷ IV đầu thiên kỷ III TCN, nhà nước của người Phoenicia ra đời. Trên đất Tunisia ra đời nhiều nhà nước nhỏ được gọi là thành bang. Những thành bang này nằm trên vị trí thuận tiện giao thông trên biển và đường bộ. Cho nên kinh tế hàng hóa thương mại của các thành bang vô cùng phát triển. Mỗi giai đoạn lịch sử nổi bật lên những thành bang mạnh như Ugarit. Biblos, Seidon, Tear. Lịch sử nhà nước của người Phoenicia là lịch sử những thành bang riêng rẽ, độc lập với nhau. Mỗi thành bang có chính quyền riêng, tuy nhiên giữa họ vẫn có mối liên hệ về kinh tế và văn hóa. Nguyên nhân tồn tại những thành bang độc lập vì trong quá trình phát triển không một thành bang nào đủ sức mạnh thống nhất đất nước, đặt các thành bang dưới quyền thống trị của mình.

  Nhà nước là công cụ của giai cấp chủ nô để bảo vệ quyền lợi của chúng, để bóc lột và đàn áp dân nghèo và nô lệ. Theo qui định những kẻ có tài sản mới được tham gia vào Đại hội nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước. Những quyết định của Đại hội nhân dân phải phù hợp với quyền lợi của chủ nô và bọn giàu có. Theo Arixtos, học giả cổ đại Hi Lạp thì bọn chủ nô thành bang Carthage ngang nhiên cho rằng chủ nô tước đoạt quyền lợi chính trị của những người nghèo không có tài sản là chính đáng và “Những người nghèo khổ không thể nào quản lý công việc được và không có thời gian nhàn rỗi để làm công việc đó” [1]. Thiết chế nhà nước của các thành bang là nhà nước cộng hòa quý tộc chủ nô. Quyền lực chính trị nằm trong tay vua và hội đồng quý tộc.

   Như vậy về địa lý, các thành bang Phoennicia nằm ở phương Đông nhưng lịch sử cổ đại của họ từ kinh tế, xã hội, chính trị phát triển có những nét tương đồng với chế độ nô lệ phương Tây, của Hi Lạp và La Mã cổ đại. Kinh tế hàng hóa thương mại phát triển, chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, về ruộng đất đặc biệt phát triển, nó phá tan tất cả những cái gì gọi là công hữu mà tiêu biểu là đập tan chế độ ruộng đất công của công xã nông thôn, của sở hữu nhà nước về ruộng đất. Từ cơ sở kinh tế tư hữu và thương mại, giai cấp chủ nô là chủ nô công thương, đã sử dụng nô lệ triệt để trong phát triển kinh tế, đó là chế độ mà Marx gọi là chế độ nô lệ điển hình như ở Hi Lạp và La Mã cổ đại. Từ cơ sở kinh tế xã hội đó, chế độ chính trị được xây dựng nên cũng là các thành bang với thiết chế nhà nước cộng hòa như kiểu nhà nước Hi-La mà nổi bật là thành bang Carthage phát triển hùng mạnh, sau này đã đương đầu với đế quốc La Mã rộng lớn nhất thời cổ đại trong ba cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài 118 năm mới chịu khuất phục.

 Những thành bang của người Phoenicia dù là phát triển nhưng nhỏ bé nằm bên cạnh các quốc gia chiếm hữu nô lệ chuyên chế lớn như Ai Cập, Lưỡng Hà và sau này là đế quốc Ba Tư nên luôn bị nước ngoài tấn công xâm lược. Từ đầu thiên niên kỷ II TCN đến cuối thiên niên kỷ II TCN, các thành bang Phoennicia bị Ai Cập, sau đó là Hittis thống trị. Cuối thế kỷ XIII TCN, Ai Cập và Hitis suy yếu, Phoennicia mới giành được độc lập.

(Còn nữa)

CVL