Niềm vui từ một bài báo

Đặng Sỹ Ngọc

19/06/2022 21:52

Theo dõi trên

Cách đây đã 20 năm, khi chuẩn bị kỉ niệm 50 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944- 22/12/1994), các đồng chí Phường đội đã tìm gặp tôi nói: bác Ngọc viết giúp một bài kỉ niệm Truyền thống quân dân đánh giặc cho Tập san của Thành đội nhé.

tthaanh-co-1655650128.jpg
O Diệp Thành cổ. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Tôi nhận lời nhưng trong lòng đầy băn khoăn vì tôi chưa từng viết bài.

Kỉ niệm tình quân dân thì có vô vàn trong những năm tôi tham gia Kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Bộ đội ta đi đến đâu hễ có dân là được dân bảo vệ chăm sóc giúp đỡ. Đã có bao bài báo, bài văn, ca khúc viết về tình quân dân cá nước. Bộ đội là của dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân sẵn sàng chiến đấu hi sinh. Hiếu với dân, trung với Đảng... Tôi suy nghĩ mãi rồi chọn O Diệp, đội du kích xã Gio An- Gio Linh- Quảng Trị, một cô du kích rất trẻ đã có một thời kì sát cánh cùng đơn vị tôi trong những ngày "ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam", vượt qua bao gian khổ giúp chúng tôi đánh giặc thắng lợi, giải phóng quê hương.

Nỗi nhớ đồng đội và nhân dân nơi chiến trận không nguôi trong máu thịt người lính chúng tôi. Không biết đội du kích Gio An trong đó có O Diệp giờ sống ra sao? Tôi nghĩ cần phải viết về O và đội du kích, mong sao có thể tri ân và biết đâu biết tin, sẽ được thăm hỏi và nói lời cảm ơn họ.

Bài kí của tôi chưa đến hai ngàn chữ. Được sửa đi sửa lại, đọc cho đồng đội nghe và khi có ý kiến "được đấy", tôi mới gửi đến Thành đội thì đã hết hạn. Tôi cất vào ngăn kéo, thỉnh thoảng lấy ra đọc kỉ niệm dung dị mắt thấy, tai nghe của mình mà rưng rưng xúc động.

Tôi mạnh dạn gửi bài cho Tạp chí Cửa Việt, mong ngóng hồi hộp và thật hạnh phúc khi tạp chí Cửa Việt đã đăng bài Cô du kích Gio An trang trọng trong số báo 123. Tôi vui mừng khôn xiết chia vui với đồng đội, gia đình. Hi vọng o Diệp nay đã làm mẹ làm bà, sẽ đọc và liên hệ với tôi.

Chừng một tháng sau tôi nhận được một bức thư, người gửi là cô Trần Thị Ngọc Diệp công tác tại Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị. Khỏi nói tôi vui mừng thế nào. Thư cô Diệp viết: "Em cũng tên Diệp nhưng là Diệp ở Triệu Phong, đã từng làm Xã đội phó của Thành cổ Quảng Trị ttong 81 ngày đêm. Chứ không phải Diệp anh tìm. Đọc bài anh em xúc động lắm, có nhiều người hỏi có phải là em không.

Em tự hỏi sao các bà mẹ Quảng Trị lại hay đặt tên con là Diệp thế, và anh như viết về em. Lứa con gái chúng em không được mặc áo trắng, trước mũi súng bom đạn không bao giờ biết sợ mà đọc những dòng dung dị của anh em đã khóc, sao mà xúc động vậy? Em đã photo ra nhiều bản tặng những chị tên Diệp, em quen nhiều vì em đang làm ở Ban chấp hành Phụ nữ tỉnh Quảng Trị. Nhân chuyến đi công tác tại Huyện Gio Linh, em đã đến Gio An để tìm chị Diệp giúp anh và được các đồng chí trong Ban cán sự xã kể cho nghe về chị Đinh Thị Ngọc Diệp trong bài viết của anh, chị đã anh dũng hi sinh, tô thắm truyền thống Cách mạng quê hương"...

Mắt tôi cay xè.

Tôi bấm số điện thoại o Diệp Thành Cổ cho trong thư, gọi cho đồng chí hội trưởng CCB Quảng Trị. Anh kể tôi nghe về gia đình, thân thế o Diệp và gương hi sinh anh dũng của o. Thiết tha mời tôi thăm lại nơi đất Gio An anh hùng. Giọng anh xúc động: "tưởng như sông sâu cá lội biệt tăm rồi"...

Tôi nói với anh sao tôi quên được, mảnh đất nơi tôi bị thương nhiều lần, bao đồng đội tôi nằm xuống, tôi đọc cho anh nghe câu thơ tôi viết về Quảng Trị:

Đất Quảng Trị như thân tôi thương tật

Bom cắm vào chân, đạn xuyên cánh tay

Có những mảnh cắm ngay trong gan ruột

Nơi ấy bây giờ Quảng Trị nở đầy hoa...

Do tôi chưa viết bài bao giờ nên không hiểu luật báo chí. Mong lan toả gương o Diệp cùng đội du kích Gio An anh hùng, tôi lại gửi bài "O Diệp Gio An" đến một tờ báo địa phướng và một tờ báo Trung ương, cả hai báo đều sử dụng in ấn. Đặc biệt báo QĐND ngày 26/6/2009 đã đăng trong chuyên mục "Tiếp lửa truyền thống". Và không rõ duyên nào mà có một số báo cũng đăng lại. Tôi thấy vui và niềm vui không dừng lại ở đó, một ngày đầu xuân 2012, khi tỉnh Quảng Trị chuẩn bị kỉ niệm 40 năm ngày Giải phóng, tôi nhận được lá thư dày dặn của anh Trần Bình hội văn học Quảng Trị, phụ trách văn hoá xã Gio An. Anh cảm ơn tôi bài viết ý nghĩa kể về gương anh dũng của cô du kích xã nhà. Anh còn kể việc anh đi tìm giúp tôi cô du kích Gio An tên Diệp ấy bằng thơ văn và báo chí. Nhân dịp Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (đã có một thời Quảng Trị) đang cùng một số doanh nghiệp đến thăm và giúp đỡ tỉnh Quảng Trị xây dựng đền ơn đáp nghĩa, anh Bình đưa bài viết của tôi lên mạng intenet, và nhận được rất nhiều sự cổ vũ ủng hộ.

Qua thư anh Bình, tôi mới biết cả gia đình o Diệp đã hi sinh. Mẹ o Diệp được nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập, o Diệp hoạt động Cách mạng từ 15 tuổi và khi được kết nạp Đảng, o là Đảng viên trẻ tuổi nhất trong lịch sử Đảng bộ xã. Nhận nhiệm vụ là cán bộ Huyện đoàn Gio Linh, o hi sinh trong một trận chiến. Gương hi sinh dũng cảm của o sống mãi nơi vĩ tuyến 17, là tấm gương, là niềm tự hào không chỉ của đất Gio An- Gio Linh, o xúng đáng là Anh hùng của đất Việt Nam.

Tôi đã được vào thăm Quảng Trị vài lần, nhưng do sức khoẻ là thương binh nặng nên chỉ đi cùng đoàn đến được Đông Hà, Thành Cổ, Đường Chín, Lao Bảo... chứ không đến được từng làng bản, khe suối nơi sát cánh cùng du kích địa phương những trận chiến năm nào

Nhớ câu trách yêu: "sông sâu cá lội"... Nhớ lắm Gio An.

Trái Tim Người Lính

Bạn đang đọc bài viết "Niềm vui từ một bài báo" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn