Ninh Bình: Cần sớm trùng tu nhiều di tích xuống cấp nghiêm trọng

Tỉnh Ninh Bình là địa phương có nhiều di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh, Quốc gia.

Chú thích ảnh Đình Yên Phú, xã Khánh An, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình có niên đại gần 400 năm tuổi bị xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN

Hàng năm, nhà nước đã quan tâm đầu tư kinh phí để trùng tu và tôn tạo nhưng nguồn lực này chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Hiện nay, nhiều di tích đang xuống cấp nghiêm trọng cần sớm được trùng tu. 
 
Đình Yên Phú, xã Khánh An, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình là ngôi đình có niên đại gần 400 năm tuổi được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đình Yên Phú thờ ông Đinh Điền, là một trong số những công thần theo Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp 12 sứ quân, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt và là người tận trung với nhà Đinh. Trải qua hàng trăm năm, đến nay, công trình đang dần bị xuống cấp, nhiều cây cột trong đình đã bị mục nát, mái ngói bị vỡ nhiều chỗ, tường bị rạn nứt thấy cả phần gạch đỏ và đá... Tại 5 gian bái đường và gian chính tẩm, nhiều cột trụ bằng gỗ đã bị sụt lún, mái ngói bị thủng và có xu hướng cong vênh ở giữa, các cột, kèo bị mục ruỗng, có thể sập đổ vào bất cứ lúc nào. 

Chú thích ảnh Đình Yên Phú, xã Khánh An, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình có niên đại gần 400 năm tuổi bị xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN

Ông Đinh Văn Vinh, thành viên Ban quản lý kiêm Chủ từ đình Yên Phú cho biết: Phần xuống cấp nghiêm trọng nhất là hậu cung của đình, phần mái ngói bị thủng. Nếu cứ để tình trạng xuống cấp kéo dài lâu ngày không chỉ gây khó khăn cho việc tổ chức các lễ hội của đình mà còn gây nguy hiểm cho nhân dân khi đến đây chiêm bái. Chúng tôi đã kiến nghị với các cấp có thẩm quyền, mong sớm được phê duyệt trùng tu lại đình Yên Phú, góp phần bảo tồn giá trị di tích. 

Trên địa bàn huyện Yên Khánh hiện có 194 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 12 di tích cấp Quốc gia và 44 di tích cấp tỉnh. Theo khảo sát của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Khánh, một số di tích đã xuống cấp, gây khó khăn cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích. Các di tích lịch sử văn hóa như đình, đền, chùa, miếu thường có một số hạng mục cấu tạo từ gỗ, hệ thống cột cái, vì kèo, giàn mái qua thời gian sử dụng và mối mọt xâm hại nên xuống cấp, mục ruỗng, thấm dột, ảnh hưởng đến nội thất bên trong các di tích. Trong khi việc duy tu, sửa chữa đối với di tích không được thường xuyên do hạn chế về kinh phí, dẫn đến nhiều công trình xuống cấp nghiêm trọng. 

Chú thích ảnh Đình làng Cam Giá, phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN

 
 

Ông Bùi Quang Bưởng, Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện Yên Khánh cho biết, hiện nay ước tính trên địa bàn huyện có khoảng 30 khu di tích xuống cấp nghiêm trọng. Hàng năm, Trung ương và tỉnh, huyện đều có kế hoạch đầu tư, trích ngân sách để trùng tu, tôn tạo các di tích xuống cấp. Tuy nhiên, do số lượng di tích cần sửa chữa nhiều, nguồn ngân sách duy tu phải chia nhỏ, trong khi việc huy động nguồn lực xã hội hóa và đóng góp của người dân cho công tác này còn có mức độ, vì vậy rất cần có sự hỗ trợ từ các nguồn xã hội hóa góp phần bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích. Việc phát huy vai trò của cộng đồng, xã hội hóa trong công tác bảo tồn di tích góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng, tri ân đối với những người có công với nước, nâng cao ý thức bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa trong mỗi người dân qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị các di tích một cách bền vững, làm giàu cho di sản văn hóa Việt Nam, tạo nguồn lực quan trọng cho sự phát triển du lịch, kinh tế-xã hội tại địa phương.

Tại thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, hiện có 195 cơ sở thờ tự, trong đó có 41 di tích được xếp hạng gồm 4 di tích cấp quốc gia và 36 di tích cấp tỉnh. Mặc dù hàng năm, Nhà nước đã quan tâm đầu tư kinh phí để trùng tu và tôn tạo nhưng nguồn lực này chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên hiện nay phần lớn di tích tại địa phương đang xuống cấp chờ được sửa chữa. 

Theo ông Nguyễn Việt Hoa, Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin thành phố Ninh Bình, nguyên nhân chủ yếu khiến các di tích bị xuống cấp là do ảnh hưởng của thiên tai và thời gian. Các di tích lịch sử - văn hóa như đình, đền, chùa, miếu... thường có một số hạng mục cấu tạo từ gỗ, hệ thống cột cái, vì kèo, giàn mái... qua thời gian sử dụng và mối mọt xâm hại nên bị xuống cấp, mục ruỗng, thấm dột, ảnh hưởng đến nội thất bên trong các di tích. Trong khi, việc duy tu, sửa chữa đối với di tích không được thường xuyên do hạn chế về kinh phí, dẫn đến nhiều công trình xuống cấp nghiêm trọng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố có văn bản chỉ đạo đến các Ban quản lý di tích và nhân dân về công tác bảo quản, trùng tu, tôn tạo. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân cùng nhau bảo tồn các di tích trên địa bàn. 

Theo thống kê, hiện tỉnh Ninh Bình có trên 1.800 di tích, trong đó có 379 di tích đã được xếp hạng gồm 298 di tích cấp tỉnh; 81 di tích cấp Quốc gia, trong đó có 3 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 1 Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. 

Bà Vũ Thanh Lịch, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cho biết, hầu hết các di tích đều trên 100 năm tuổi, do vậy đều đã xuống cấp. Từ năm 2015, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành quy chế quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tất cả các di tích đều được thành lập Ban quản lý, có trách nhiệm quản lý, tổ chức các hoạt động liên quan đến di tích để bảo vệ giá trị di tích.

Hàng năm, trên cơ sở đề nghị hỗ trợ tu bổ chống xuống cấp của Ban quản lý các di tích, tỉnh đã hỗ trợ từ 50 - 350 triệu đồng cho các địa phương thực hiện tu bổ di tích bị xuống cấp nghiêm trọng. Từ khi thực hiện Luật Di sản văn hoá đến nay có trên 300 lượt di tích được tu bổ, tôn tạo từ nguồn vốn hỗ trợ tu bổ chống xuống cấp của tỉnh, với tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn của tỉnh, việc trùng tu, tôn tạo di tích còn có các nguồn đầu tư khác như: kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia; vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp; vốn do Chính phủ đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác. 

Tính riêng năm 2021, tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ kinh phí tu bổ cho 22 di tích, dự kiến trong năm 2022 sẽ hỗ trợ cho 22 di tích. Tuy nhiên với mức hỗ trợ từ 50 triệu đồng và nhiều nhất là 350 triệu đồng đối với các di tích xuống cấp nghiêm trọng thì cũng chưa đủ để thực hiện các cuộc trùng tu, tôn tạo lớn. Vì vậy, việc huy động thêm kinh phí từ các nguồn lực xã hội hóa là một giải pháp thiết thực, hiệu quả để thực hiện trùng tu, tôn tạo di tích cho "ra tấm, ra món". 

Để bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình tiếp tục tham mưu cho tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong thực hiện các chế độ chính sách, công tác quản lý, tu bổ tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn; đẩy mạnh tuyên truyền Luật Di sản văn hóa đến người dân; tích cực kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng, giao thông, khuyến khích hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích từ nguồn kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước; tạo sự gắn kết giữa bảo tồn phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch của tỉnh.