Nhà nó chuyển về xóm tôi khi chúng tôi chuẩn bị vào học vỡ lòng. Gianh giới giữa hai nhà là hàng chè bố tôi trồng. Gần nhà mà xa ngõ nên mỗi khi muốn sang nhà nhau chơi, chúng tôi thường chạy ra vườn và chui qua hàng rào nhiều đến nỗi đã thành một lối mòn. Bố mẹ nó làm ở bệnh viện tỉnh. Bố nó người dong dỏng, da trắng trẻo nhìn rất thư sinh. Mẹ nó thì đô con, nhìn phúc hậu lắm. Cô ấy vốn là giáo viên cắm bản ở Sa pa, sau đó chuyển ngành về làm hành chính ở bệnh viện. Hẳn trong chúng ta nhiều người biết bài hát "Cô giáo về bản" của nhạc sỹ Trương Hùng Cường ? Mẹ nó chính là nguyên mẫu trong bài hát đó. Nhạc sỹ là anh trai mẹ nó, nhân chuyến lên thăm em gái đã có cảm hứng sáng tác bài hát đi vào lòng người.
Ngày ấy, thời kỳ đói kém nhưng yên bình. Nó và tôi hòa cùng lũ trẻ hàng xóm chơi những trò chơi liên tu bất tận. Tuy ham chơi nhưng vẫn đảm đương việc nhà lắm. Cả hai đứa đều bế em cho vẹo xương sườn hoặc địu em trên lưng để làm việc nhà. Nhiều lúc hai đứa thả em vào trong cũi hoặc để cho chúng lê la khắp nhà, mũi dãi thò lò rồi hai con chị xoạc cẳng ngồi chơi chắt chuyền, chơi ô ăn quan.... Hai đứa chúng tôi có nhiều điểm tương đồng. Đều có bố mẹ là viên chức nhà nước, đều là chị của hai thằng em trai và một đứa em gái. Hai đứa cùng tên, cùng tuổi, đi học cùng đường, cùng lớp. Chính vì vậy mà luôn như hình với bóng.
Nhớ lần đang học lớp một, hai đứa đi tắt từ lớp học sơ tán ở đồi ông Bái qua giếng Đùn về nhà. Tự dưng mưa xối xả, nước các nơi dồn về như lũ cuốn. Hai con vịt giời bé nhỏ bị trượt chân ngã xuống dòng lũ. Ngày thường đó là lối mòn mà hôm nay bỗng trở thành dòng lũ hung hãn. Hai con vịt giời vật lộn mãi, bám được vào hàng rào nhà bác Nhẫm mới thoát nạn. Người ngợm, sách vở, quần áo bê bết bùn đất mà hai nàng vẫn cười hớn hở tự phong cho mình là bộ đội vượt Trường sơn. Ha ha ! Oai chưa ! Đấy là các nàng xem phim thì tự ví mình như vậy đấy !
Mấy năm học cùng nhau, tuy không nói ra nhưng nó và tôi đều ngầm thi đua về thành tích học tập và phong trào văn nghệ. Thứ hạng nhất, nhì trong lớp được hai đứa giành giật sát nút. Nhưng tôi chịu thua nó về văn nghệ. Nó hát hay lắm. Giọng của nó cao vút, khỏe khoắn vô cùng. Bé tý nhưng chuyên hát bài người lớn. Nào là " Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người " nào là " Bóng cây kơ nia "... toàn là những bài đỉnh. Đúng là không hổ danh cháu gái của nhạc sỹ, con nhà nòi thật nhỉ ! Tôi chỉ mon men hát theo nó thôi.
Năm lớp bốn, nó và tôi được chọn đi dự trại hè học sinh giỏi tại Sa pa hẳn một tuần. Khỏi phải nói hai con vịt giời sung sướng đến nhường nào. Háo hức chuẩn bị, rồi bàn tán lên kế hoạch làm gì, đi chơi ở điểm nào... vì nó có người nhà ở Sa pa mà.
Một tuần ăn ngủ, sinh hoạt, chơi đùa cùng nhau ở trại hè là kỷ niệm không thể nào quên. Hai đứa được bố trí chung giường nên cứ rủ rỉ suốt. Ngoài giờ sinh hoạt đội ra thì tất cả được tự do đi chơi dưới sự giám sát của các anh chị phụ trách. Nó và tôi xin phép được tới thăm nhà bà trẻ nó. Lần đầu tiên tôi biết cây mắc coọc nhờ nó chỉ cho tôi. Nó dẫn tôi tới những đồi hoa thóc bạt ngàn một màu vàng cam, dẫn tôi đến những tòa biệt thự bằng đá cổ xưa nay để hoang không có người ở. Chúng tôi len lỏi giữa những tảng đá rêu phong hái những bông thược dược, lay ơn, bách hợp, hồng cổ... mọc hoang dại. Rồi nó dẫn tôi vào nương hướng dương của nhà bà trẻ nó để lấy hạt. Trời ơi ! Thật là như mơ ! Trước đây tôi chỉ được thấy hoa hướng dương trên phim nước ngoài chứ không biết ở trong nước cũng có loài hoa này. Tôi đi dưới những cây hướng dương, thích thú nhìn ngắm. Lá nó to bằng tờ giấy phê đúp, hình dáng giống lá cúc và mùi cũng hăng hăng như vậy. Lần đầu tôi thấy có loài hoa lá to như thế đấy. Những bông hoa nhìn như ông mặt trời vàng rực, to như cái nón treo lơ lửng trên đầu. Mải mê ngắm cảnh đến tận lúc mưa, hai đứa mới chạy về.
Sa pa thoắt mưa, thoắt nắng. Chiều hôm đó hửng nắng nên chúng tôi lên viếng Nghĩa trang liệt sỹ. Nó xinh gái, đô con và tác phong nhanh nhẹn nên được đứng vào đội danh dự, cầm cờ Đội hướng vào nghĩa trang.
Những ngày ở cùng nhau, nó đã cho tôi biết một Sa pa hoang sơ nhưng tuyệt đẹp.
Rồi bố mẹ nó bán nhà chuyển về khu tập thể. Chúng tôi không được gần nhau nhưng trên đường đi học tôi vẫn ghé vào rủ nó đi cùng. Cuối năm đó, nhà nó chuyển về quê. Tôi vẫn nhớ như in địa chỉ nó gửi cho tôi : đội 9, Nam lý, Lý nhân, Hà nam ninh.
Thời gian thoăn thoắt thoi đưa. Nó và tôi đứt liên lạc do chiến tranh. Trong những năm đó, chị em chúng tôi vẫn hay nhắc tới gia đình nó.
May thay, nhờ mạng xã hội, nó và tôi đã nối lại liên lạc với nhau sau 43 năm xa cách. Và hôm nay đây, nó và tôi đã cùng nhau tay bắt, mặt mừng cùng với các bạn đồng học ngày trẻ trâu hội ngộ. Nó vẫn xinh đẹp như xưa và vẫn đằm thắm, dịu dàng như vậy. Rất mến nó và vui thật là vui khi hai đứa bạn thân thời "truổng cời" tắm suối vẫn cùng chung một đam mê là viết lách. Khoe nhỏ với cả nhà nhé: nó có nhiều bài được in thành sách và đăng báo đấy nhé!