Nỗi buồn ai tỏ

Bà Mộc năm nay bảy mươi tuổi. Ông nhà bà đã mất cách đây vừa tròn chục năm. Khi xưa, ông bà sinh được ba người con. Hai người con gái lớn và cậu con trai út.
moc-lan-1661144488.jpg
Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

 

Cô con gái đầu lấy chồng khác tỉnh. Cô thứ hai thì lập gia đình với người cùng xã. Cậu con trai út cũng lấy vợ trong xã nhưng khác thôn. Bà Mộc đang sống trong ngôi nhà ba gian mái bằng do ông bà làm năm hai nghìn cùng vợ chồng anh con trai nhưng bà lại ăn riêng bởi vì mấy năm nay bà thường ăn chay.

Mỗi buổi sáng thức dậy, sau khi làm vệ sinh cá nhân xong. Việc đầu tiên là bà cầm cái chổi quét từ nhà ra sân. Nơi đầu cổng bước vào mảnh sân rộng là cây hoa giấy do anh con trai trồng, ngày nào cũng rụng rất nhiều hoa. Quét chừng nửa cái sân bà phải ngồi nghỉ một lúc để lấy lại sức rồi mới quét tiếp. Ba năm trước bà phải mổ tim nên giờ đây sức khỏe không còn như trước.

Sáng nay cũng giống như mọi ngày. Khi quét xong sân nhà, bước chân vào gian nhà tắm để rửa tay, bà nhìn thấy một chậu quần áo tú ụ bèn lẳng lặng mang ra phơi. Trong khi đó, bộ quần áo mỏng tanh của bà thì vẫn nằm im trong chậu. Dâu con lỡ làm ngơ không cho vào máy để giặt một thể. Cảm giác vừa buồn vừa bực nhưng chẳng thể nói ra. Mà giờ bà có tức, có nói thì chỉ một mình nghe chứ còn ai ở nhà nữa. Quay ra, bà định bụng lấy cái làn để đi chợ. Chợt đập vào mắt bà là đống bát đĩa còn trong chậu chưa rửa. Bà lắc đầu ngao ngán tự hỏi lòng: vẫn cái kiểu như thế này. Đã nói rất nhiều lần rồi mà con tôi nó không chịu sửa thì đến khi nào mới thay đổi được đây?

Kim Ngọc về làm dâu bà Mộc được một năm thì ông Mộc mất. Mười một năm, vợ chồng Ngọc sinh liền ba đứa con. Lần lượt mấy đứa con, cô đều mang đến nhờ bố mẹ đẻ trông nom giúp. Đứa lớn thì đưa đón tới trường, đứa bé thì chăm tại nhà. Hằng ngày, cô cứ đi về nhà bố mẹ đẻ ăn ngủ tại đó rồi sáng mai lại đi làm. Thi thoảng độ một tuần hoặc chục ngày nếu như cần thứ gì đó thì cô mới về qua nhà để lấy. Trên đường về, bà cháu, mẹ con có gặp nhau theo hướng ngược chiều cô cũng chỉ giục con chào bà chứ chẳng bao giờ cô cất lời chào mẹ chồng. Lấy xong đồ, cô lại mải móng chở con trở về ngoại, chẳng hề động chân động tay vào việc gì. Cô chẳng cần quan tâm xem ngôi nhà ấy sạch bẩn hay đổi thay ra sao.

Chồng Ngọc là người hiền lành ít nói. Anh làm công nhân cách nhà hơn chục cây số. Vợ hầu như ở bên ngoại nên anh phải tự lo bữa sáng. Tối về lại mua thức ăn dọc đường mang về còn cơm thì đã có mẹ cắm giúp. Ăn tối xong anh lại phóng xe xuống nhà ngoại chơi với con một lúc rồi về đi ngủ. Đã nhiều lần anh khuyên nhủ vợ đưa con về nhà sống nhưng chỉ một hai ngày Ngọc lại lấy cớ rằng: “ở đây nóng các con không chịu được”. Cô đưa con về nhà bố mẹ đẻ ở sẽ mát hơn vì nhà mới xây và đầy đủ tiện nghi.

Thấy con trai mình có vợ mà cũng như không, bà Mộc thương con lắm. Bà nhớ lại ngày xưa. Cách đây đã hơn hai chục năm bà gả chồng cho hai cô con gái trong hai năm liền. Được một thời gian hai cô cũng về sụt sịt với bà. Cô lớn thì kể rằng chồng vô tâm. Cô bé thì nói chồng có tính trẻ con xong lại được mẹ chồng chiều và còn nhiều vấn đề khác nữa. Sau hai lần nghe con gái than phiền bà đều nhỏ nhẹ khuyên con:

-Con ơi! Phận làm gái đi lấy chồng thì phải theo chồng. Trên đời chẳng mấy đôi vợ chồng hợp nhau đâu. Phụ nữ thường hay thiệt thòi nên các con phải lựa nhau mà sống. Vợ chồng gặp được nhau bởi chữ duyên, sống và yêu nhau bởi chữ nợ. Tu bao nhiêu kiếp mới thành vợ chồng của nhau, tất cả đều là duyên nghiệp. Chắc rằng kiếp trước các con còn nợ chồng nhiều lắm nên kiếp này con phải trả, âu cũng là cái số. Con phải coi gia đình chồng là gia đình của mình vì các cụ xưa vẫn bảo rằng: “Con gái là con người ta, con dâu đích thực mẹ cha mua về”. Con phải đối xử tốt với tất cả mọi người trong gia đình chồng. Con hãy cứ cho đi ắt có ngày sẽ được nhận lại.

Lời bà dạy khiến hai cô thấm thía. Biết cân bằng trong đời sống vợ chồng, biết yêu thương hết thảy người thân trong gia đình nên rất được tôn trọng và biết bằng lòng với cuộc sống của riêng mình. Từ đó, bà không còn phải nghe những câu than phiền của hai con gái nữa. Bà cảm thấy rất yên lòng. Ấy vậy mà giờ đây cô con dâu duy nhất của bà lại khiến bà buồn quá đỗi. Dường như, cô ấy không coi đây là nhà của mình hay sao ấy.

Còn về phần bố mẹ đẻ của Ngọc kể cũng lạ thật. Không lẽ, ông bà ấy không biết khuyên con gái lấy một câu:” Lấy chồng thì phải theo chồng” hay sao nên Ngọc không thấu điều ấy. Dẫu biết rằng, cha mẹ nào cũng thương con, thương cháu nhưng có lẽ bố mẹ cô ôm đồm quá mà đã vô tình khiến con mình sống thờ ơ thiếu trách nhiệm với chồng và gia đình chồng. Ngoài kia rất nhiều cặp vợ chồng trẻ cũng gửi con cho ông bà trông nhưng đến khi hết ngày thì kiểu gì họ cũng kéo nhau về tổ ấm của mình chứ đâu có như Ngọc.

Chả là hôm qua ngày chủ nhật nên Ngọc mới đưa con về. Trong lúc Ngọc nấu cơm thì chồng tắm rửa lần lượt cho ba đứa con. Ăn tối xong cô cho hết chỗ bát đĩa vào chậu nhưng không rửa. Cô cho quần áo vào máy giặt. Khởi động máy xong cô vào giục chồng ra rửa bát nhưng vì chồng cô mải chơi với con nên vẫn còn để đấy. Sáng dậy, cô lôi quần áo từ trong máy ra nhưng không phơi mà cứ thế đưa con về ngoại. Giá như, dù có vội đi cho kịp giờ thì Ngọc cũng nói với bà một tiếng, dặn với bà một câu rằng: “mẹ ở nhà rảnh rỗi mẹ phơi giúp con chậu quần áo mẹ nhé ”thì bà cũng vui lòng. Kể cả những hôm Ngọc phơi xong rồi điềm nhiên phó thác cho bà. Cứ như việc này đương nhiên là của bà hay sao ấy. Ngọc như vậy rất nhiều lần chứ không riêng gì hôm nay. Ngọc thường đi chẳng chào mẹ chồng về cũng chẳng buồn hỏi. Trong khi mẹ con chả xảy ra mâu thuẫn bao giờ. Có chăng bà Mộc thường bảo cô những việc thường ngày trong cuộc sống ví dụ như việc rửa bát chẳng hạn. Bà từng giục giã:

- Ngọc ơi, ăn xong thì rửa ngay cho bát đũa khô ráo, đừng để đó đến hôm sau nó keo két vào khó rửa lắm. Nhà sạch thì mát bát sạch ngon cơm con ạ!

Thế nhưng sáng giờ khi bà vừa dậy. Cảnh tượng đó lại đập vào mắt bà. Trong khi Ngọc lại đi mất hút không một lời nhờ vả.

Phải mất nửa tiếng đồng hồ bà Mộc mới xử lý xong đống bát đĩa và chậu quần áo. Bỗng dưng, bà nghe thấy tiếng nói của cô con dâu nhà hàng xóm dặn mẹ chồng:

-Mẹ ơi! Con đi làm đây, trời cũng sập sùi lắm. Mẹ ở nhà để ý nếu thấy mưa thì mẹ thu quần áo giúp con mẹ nhé!

Lúc này, bà Mộc chẳng còn nghe thấy tiếng bà hàng xóm trả lời con dâu nữa bởi đầu óc bà đang trôi vào dòng suy nghĩ. Lòng bà thắt lại, bà thở dài não nuột rồi thầm nhủ: Con nhà người ta thì như thế còn con nhà mình hình như nó chỉ coi đây là nhà trọ. Nỗi buồn này ai tỏ nhưng có lẽ phúc phận của nhà mình cũng chỉ được như vậy mà thôi.

Chuyện Làng Quê