Nồi nào vung ấy

Bản thân mỗi người cũng không nên làm điều ác, lấy oán trả ân. Mà phải lấy cái tốt để cảm hoá cái xấu, cái ác, làm cho “nồi méo” thành “nồi tròn”, “vung méo” thành “vung tròn”. Trong thực tế có thể “nồi tròn, úp vung méo” nếu biết xoay quanh vẫn vừa.
270041334-2692331874408345-8419549567799807250-n-1640593737.jpg
Ảnh minh họa

Dân gian có câu:

“Nồi tròn, úp vung tròn

Nồi méo, úp vung méo!”

Về nghĩa đen nói về sự vừa vặn, đồng bộ về kích cỡ, chất liệu của nồi và vung: Nồi to thì vung úp phải to, nồi bé thì vung úp phải bé, nồi méo thì vung úp cũng méo. Tức là “nồi nào vung ấy” có như vậy thì khi ta nấu cơm, nấu đồ ăn… mới đảm bảo độ chín, dễ điều chỉnh theo khẩu vị người ăn rắn hay mềm, đạt được dinh dưỡng tốt nhất.

Về nghĩa bóng: Người xưa mượn hình ảnh cái nồi, cái vung để răn dạy con người về giáo dục nhân cách và ứng xử trong xã hội, có thể hiểu theo mấy khía cạnh sau:

Thứ nhất về tình yêu đôi lứa: Mỗi người sinh ra đều có điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, không ai giống ai, nhưng có một điểm chung là cả nam và nữ đến tuổi trưởng thành đều muốn tìm “một nửa” của mình sao cho hợp, cho vừa. Vì thế bố mẹ và gia đình cũng định hướng cho con cái tìm hiểu người bạn đời sao cho tương xứng kiểu (môn đăng hộ đối), tránh sự chênh lệch quá đỗi như xuất thân, điều kiện kinh tế, độ tuổi, sắc đẹp… đây là những dự báo sẽ gây ra rắc rối, trở ngại trong đời sống và hạnh phúc gia đình sau kết hôn.

Thứ hai là về sự hình thành nhân cách: Gia đình là tế bào của xã hội, yếu tố quan trọng hàng đầu trong ba yếu tố (gia đình, nhà trường và xã hội) về sự hình thành nhân cách một con người. Từ (tròn) là nói đến sự hoàn hảo, đẹp đẽ, thuận hoà…như (mẹ tròn, con vuông). Một người được sinh ra trong một gia đình dù giầu hay nghèo, nhưng nếu được dưỡng dục tốt, cha mẹ thuận hoà… con cháu sẽ ngoan hiền, hiếu thảo “nồi tròn, úp vung tròn”. Từ (méo) là sự méo mó về nhân cách. Người sinh sống trong một gia đình có cha mẹ bất hoà, làm nhiều điều sai trái, thất đức… con cháu bị tiêm nhiễm thói hư tật xấu từ người lớn. Rau nào sâu ấy cũng như là “nồi méo, úp vung méo” cả thôi.

Thứ ba là ứng xử trong đời sống xã hội: Người tốt, tử tế đối với mình thì mình cũng ứng xử tốt và tử tế với họ. Người ác, hiểm độc đối với mình thì mình cũng nên biết, cảnh giác mà ứng phó cho phù hợp.

Bản thân mỗi người cũng không nên làm điều ác, lấy oán trả ân. Mà phải lấy cái tốt để cảm hoá cái xấu, cái ác, làm cho “nồi méo” thành “nồi tròn”, “vung méo” thành “vung tròn”. Trong thực tế có thể “nồi tròn, úp vung méo” nếu biết xoay quanh vẫn vừa. Nếu ta nấu cơm, nấu canh bằng chiếc nồi tròn, nhưng vung lại bị méo thì có thể lót lá chuối, lá khoai…khắc phục chỗ méo. Cơm canh vẫn chín, ngon như thường. Trong xã hội không ít người khuyết tật lấy được vợ hoặc chồng là người lành lặn, tài ba… cuộc sống gia đình rất hạnh phúc là vì họ biết cách “xoay quanh vẫn vừa”. Trong cuộc sống cũng không ít người lầm đường, lạc lối… nhưng nếu họ biết được lỗi lầm để sửa chữa, lại được gia đình và xã hội giúp đỡ xoá đi mặc cảm thì chắc chắn họ sẽ tiến bộ, trở thành người lương thiện. Đây cũng là một cách “xoay quanh vẫn vừa”. Nhiều người có “nồi” và “vung” đều rất tròn, nhưng không biết giữ “có voi lại đòi tiên”. Đã có nồi tròn, có vung tròn quý hơn cả vàng rồi nhưng chưa thỏa mãn… Tham lam quá độ lại muốn có thêm nồi, thêm vung để (sơ cua). Cuối cùng lại thành “nồi méo” hoặc “vung méo”. Thậm chí còn vỡ cả nồi, vỡ luôn cả vung nữa.

Vậy trong cuộc sống cũng nên biết thế nào là đúng, là đủ, là phù hợp… có như vậy mới giữ được cả nồi, cả vung lúc nào cũng tròn. Nhưng nếu vì lý do, điều kiện, hoàn cảnh nào đó mà “méo”, không được “tròn” cũng đừng mặc cảm, hãy bình tĩnh uốn nắn, sửa chữa… thì nồi và vung vẫn tốt “xoay quanh vẫn vừa” có phải không các bác!

 

Theo Chuyện Làng quê