Nỗi niềm xứ sở

     Huỳnh Hải

21/05/2021 16:36

Theo dõi trên

Cà Mau - đó là mảnh đất mà từ lâu lắm rồi, mỗi khi nghĩ về nó người ta thường ví như một ải địa đầu phương Nam của Tổ quốc - một vùng đất mà ai chưa đến thì cứ náo nức, còn kẻ ra đi thì dặn lòng nhớ mãi.

hh3-1621588854.jpg

Tác giả bài viết bên cạnh bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ xã Thanh Tùng

 

Người ta nhớ và náo nức không phải chỉ nơi đây có biển, có rừng, có những người nông dân mang trong mình dòng máu khí khái, hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài… Mà ở đó, mỗi địa danh đều gắn liền với một sự kiện lịch sử hào hùng nào đó, khắc ghi những dấu ấn khó phai mờ trong cuộc hành trình mở đất về phương Nam của các bậc tiền nhân. Rồi đến những năm tháng chiến tranh Vệ quốc, vùng đất chót cùng của đất nước này trở thành một lá chắn thép, góp phần cùng cả nước viết nên những trang sử vàng của dân tộc.

Quê tôi – xứ Thanh Tùng - một xứ nghèo heo hút của huyện Đầm Dơi, cách trung tâm tỉnh lỵ Cà Mau gần 60 km- một khoảng cách không phải là xa lắm. Song vào những năm 80 của thế kỷ trước vẫn còn là vùng nê địa, xơ xác vì bị chiến tranh tàn phá. Bởi hơn ai hết kẻ thù hiểu rất rõ suốt chiều dài lịch sử hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, xứ Thanh Tùng này luôn là một chấm đỏ trên bản đồ tác chiến của kẻ thù. Tướng tư lệnh vùng IV chiến thuật của quân đội Sài Gòn trước đây từng tuyên bố rằng: Xóa được cái chấm đỏ nguy hiểm của xứ Thanh Tùng cũng có nghĩa là chúng ta sẽ xóa được một bộ phận quan trọng trong bộ não chỉ huy của Cộng quân ở chiến trường Cà Mau.

hh4-1621589098.jpg

Các kỹ sư trung tâm nuôi trồng thủy sản về hướng dẫn bà con Thanh Tùng kỹ thuật ươm tôm giống tạo nguồn giống tại chỗ để phát triển nuôi tôm sú công nghiệp.

 

Thế nhưng mặc cho bom cày đạn xới, mặc cho những cuộc hành quân càn quét, tìm diệt…liên miên được phối hợp với đầy đủ các binh chủng hải-lục-không quân với quy mô cấp sư đoàn, kẻ thù vẫn không sao bóc gỡ được căn cứ của xứ ủy, của tuyên huấn khu, của các cơ quan mặt trận đóng rải rác trong cái rẻo đất nhỏ xíu này. Cũng chính tại nơi đây những địa danh Vườn Tre, Xóm Dừa, Cái Ngay, Xóm Miên, Chưởng Đạo, Cây Mắm…trở thành nỗi kinh hoàng khiếp đảm đối với quân thù. Và lý giải cho điều kỳ diệu này, nghệ sĩ sân khấu, đạo diễn Nguyễn Trọng Sơn- một người con sinh ra tại đây, đã từng sống bám trụ, chiến đấu ở vùng đất ác liệt này trong những năm dài đánh Mỹ nói rằng: Căn cứ Cách mạng tồn tại và đứng vững được ở đây trong những tháng năm dữ dội của chiến tranh là bởi vì hồi ấy hình ảnh người cán bộ Cách mạng nó đẹp lắm, và họ đã ở trong lòng dân, trong trái tim của đồng bào!

Có lẽ đúng như vậy, hầu hết những cư dân cố cựu sống trên rẻo đất này đều sẵn sàng đánh đổi ruộng vườn, chia sẻ áo cơm, chắt chiu từng lon nước ngọt cung cấp cho vùng căn cứ kháng chiến và khi cần họ sẵn sàng đánh đổi mạng sống của mình để bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ Cách mạng.

Ghi nhận những công lao của Đảng bộ và nhân dân Thanh Tùng, sau chiến tranh Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kháng chiến chống Mỹ cho Đảng bộ và nhân dân của mảnh đất kiên cường này. Chú Ba Phong- một Đảng viên kỳ cựu, một lão nông tri điền của xứ Thanh Tùng nói vôi tôi rằng: Có sống ở mảnh đất này trong những năm chiến tranh ác liệt nhất mới thấm thía cái danh hiệu xã anh hùng Thanh Tùng được tạo nên từ cái gì? Sự hy sinh của đồng bào, sự đóng góp của nhân dân cho kháng chiến và máu xương của con em Thanh Tùng đã đổ xuống cho ngày toàn thắng là vô giá và thiêng liêng đến tận cùng!

Trích “Một bài báo cũ…”

Khoảng năm cuối cùng của thập niên 90 thế kỷ trước, khi cả một vùng rộng lớn của tỉnh Cà Mau đang ùn ùn chuyển dịch, đó là thời điểm mà con tôm của Cà Mau đang làm mưa làm gió trên thương trường, Thanh Tùng cũng bị cuốn theo cơn lốc phá đập, đưa nước mặn vào nuôi tôm trên vùng trồng lúa và hiện tượng “rọi đèn trước ô tô” mang tính tự phát này lúc bấy giờ, bị xem như là đi ngược lại chủ trương của Nhà nước, đã có những cuộc xô xát với chính quyền và cũng đã có người bị khởi tố, bắt giam…

Lúc bấy giờ một số nơi của Cà Mau đã trở thành “điểm nóng” nhiều đoàn cán bộ của tỉnh, của Trung ương đã có mặt và tham gia chỉ đạo địa phương giải quyết tình hình, ổn định sản xuất, tôi đã trở lại Thanh Tùng và trong một bài báo của mình, tôi đã viết: “Cuộc xung đột giữa người dân và chính quyền sở tại nơi đây xét cho cùng cũng chỉ là một sự bùng phát khi niềm tin vào Đảng đã bị một số cán bộ, vì nhiều lý do, làm cho lòng người bất ổn. Một vùng đất đã từng chứng kiến biết bao nhiêu sự hy sinh của nhân dân để bảo vệ Đảng, bảo vệ Cách mạng thì không thể vì một lý do nào đó, họ có thể quay lưng lại với chính sự hy sinh của mình và càng không thể xem những người nông dân chân chất, thật thà, gắn bó với Đảng ngay từ thời kỳ ác liệt nhất của chiến tranh lại là những phần tử chống lại chủ trương của Đảng, chống đối chính quyền Cách mạng như một số nhận xét, báo cáo của vài cán bộ địa phương lúc bấy giờ…”

hh2-1621589359.jpg

Bà con Khơ me xã Thanh Tùng tổ chức đêm văn nghệ mừng tết cholsơnam thơmay

 

Và khi Trung ương, tỉnh, huyện vào cuộc thì hóa ra mọi việc “chẳng có gì mà ầm ĩ”. Lòng dân vốn độ lượng, bao dung và mối quan hệ“tình dân nghĩa Đảng” vẫn được thắt chặt. Dù Thanh Tùng là địa phương nghèo (thuộc diện thụ hưởng chương trình 135 của CP) nhưng các phong trào Cách mạng ở đây không hề thua kém bất cứ nơi nào trong tỉnh.

“Cuộc Cách mạng” chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn đã làm thay đổi diện mạo đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của một vùng căn cứ cũ, nhà ngói nhiều hơn, đường nông thôn đẹp hơn, giao thông phát triển hơn, các cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống như trường học, trạm xá, dịch vụ phát triển…tóm lại một chiếc áo mới đã khoác lên trên xứ sở trăm năm nghèo khó này!

Nhưng rồi “chiếc áo mới” ấy cũng đã để lại nhiều hệ quả mà bây giờ mỗi khi hoài niệm về cái thuở chưa xa ấy, những lão nông cố cựu của xứ này vẫn thường ngậm ngùi nhắc lại với nhau câu chuyện về quá khứ mà họ vẫn thường bắt đầu bằng: “Hồi ấy”!Vâng! Hồi ấy là khái niệm thời gian để những người lớn tuổi kể chuyện về một vùng đất mà họ từng sinh ra, lớn lên và chứng kiến biết bao biến thiên, thời cuộc, từng vắt kiệt mồ hôi (và cả máu nữa) của nhiều thế hệ để khai phá vùng đất này.

hh1-1621589477.jpg

"Tha la" điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng người khơ me vừa được đầu tư xây dựng tại xã Thanh Tùng.

 

Xứ Thanh Tùng từ thời khẩn hoang trăm năm trước vốn nổi tiếng về nguồn lợi cá đồng. Nhiều người lớn tuổi ở đây kể rằng hồi đó cứ tới mùa nước “rọt” (mùa khô cận Tết) thì trên khắp đồng đất Thanh Tùng đâu đâu cũng thấy cá. Cá nhiều vô kể, những năm kháng chiến chống Mỹ, cá Thanh Tùng đã trở thành nguồn sống chính của nhiều gia đình. Chiến tranh ác liệt, điều kiện đi lại khó khăn, giao thương cách trở… đã có những lúc người ta xem cá như một mặt hàng chuẩn để trao đổi với các mặt hàng hóa thiết yếu khác.

Mùa tát đìa người ta phải đào những cái ao cạn, dùng nilon lót dưới đáy để rộng cá. Mỗi khẩu đìa tát lên, hàng chục thanh niên trai tráng gánh cá chuyển về tới nhà, từ tinh mơ đến tối mịt. Rồi đến những năm sau ngày giải phóng đất nước, trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế quê hương, con cá đồng Thanh Tùng lại tiếp tục đóng một vai trò quan trọng. Lúc bấy giờ có lẽ đứng thứ hai sau cây lúa, con cá đồng đã làm nên diện mạo cho xứ Thanh Tùng! Và tôi còn nhớ khi ấy một nhà khoa học nữ trước khi giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Thủy sản, chị đã lập một đề án khoa học về việc khoanh nuôi và phát triển cá đồng ở Thanh Tùng. Có thể đây là lần đầu tiên và cũng là duy nhất, con cá đồng Thanh Tùng được nhìn nhận một cách đúng mực về tầm quan trọng của nó, trong việc góp phần làm giàu cho xứ sở quê hương dưới góc nhìn của một nhà khoa học, và cũng hơn ai hết người dân sống ở đây hiểu rõ giá trị thế mạnh của quê hương mình, một khi nó đã biến thành sức mạnh của nền kinh tế!

     Rồi giống như là một định mệnh, khi nước mặn tràn vào con cá đồng đã biến mất. Trong chớp nhoáng, những “ông vua cá đồng” ngày xưa như bác Út Ngươn, chú Hai Sện… những người có trong tay sản nghiệp hàng tỉ đồng nhờ vào nghề nuôi cá cũng đã tự động rời khỏi “ngôi vương”, bởi cả vùng nước ngọt Thanh Tùng với vườn cây, đồng ruộng trù phú giờ chỉ còn là các vuông nuôi tôm trắng xóa đến tận chân trời.

Sau những vụ đầu nuôi tôm trúng “nức đố”, cái nghề mới bắt đầu trở chứng khi được, khi mất. Nhiều người giàu lên, cũng có người tán gia bại sản, bỏ làng ra đi tìm kế mưu sinh nơi xứ lạ quê người.

Trong bối cảnh kinh tế đang chao đảo như vậy nhưng người dân Thanh Tùng vẫn sát cánh cùng với Đảng bộ và chính quyền xã vượt qua những khó khăn thử thách, cố tìm kiếm một hướng đi mới để đưa Thanh Tùng thoát khỏi cảnh đói nghèo, tụt lại phía sau. Có thể nói sau những biến động của thiên nhiên, con người và thời cuộc, người dân Thanh Tùng chưa bao giờ mất niềm tin hay quay lưng lại với Đảng mà nó càng thể hiện rõ hơn bản chất thủy chung son sắt, gắn bó máu thịt với Đảng bộ và chính quyền, cùng chen lưng đấu cật để vượt qua những tháng ngày khốn khó, tìm một hướng đi phù hợp để phát triển xứ sở quê hương.

Vậy mà, thật đáng tiếc trong những năm trước đây, đã có lúc lòng dân xứ Thanh Tùng không còn là nơi yên bình nữa, niềm tin của người dân nơi đây đã ít nhiều bị lung lay, họ không tin vào một số cán bộ chủ chốt, những người đứng đầu  ở địa phương đã có những biểu hiện lệch lạc, xa rời quần chúng, không đủ sức lãnh đạo các phong trào Cách mạng ở địa phương. Đã có những biểu hiện sai phạm nghiêm trọng trong bộ máy lãnh đạo của xã, từ đó niềm tin vào  người đứng đầu ở cơ sở bị lung lay, các tổ chức đoàn thể hoạt động cầm chừng, tinh thần ý chí tiến công Cách mạng trong một bộ phận Đảng viên rệu rã… Và dĩ nhiên trong một bối cảnh như vậy, thì xứ Thanh Tùng giờ đây càng buồn hơn bao giờ hết!

Hồi ấy dư luận đã từng phản ứng chuyện lãnh đạo xã Thanh Tùng xuất tiền ngân sách mua bằng tốt nghiệp THPT (bằng giả) để nhằm thăng quan tiến chức, sự việc đổ bể những người dính vụ tiêu cực này vì nhiều lý do (trong đó có lý do rất buồn cười là có mua nhưng không sử dụng nên không bị xử lý!) đã không bị xử lý đến nơi đến chốn, rồi các cán bộ ấy lần lược được điều đi nhận công tác trên huyện, người qua làm lãnh đạo xã khác, người nghỉ hưu… nói chung là việc xử lý không triệt để này đã dẫn đến hệ quả làm mất đi niềm tin của quần chúng, rồi đến đại hội Đảng bộ xã lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015- 2020, không hiểu công tác cán bộ và cơ cấu thế nào mà trong ban thường vụ mới có 5 người thì đã có 3 người là anh em họ hàng ruột thit với nhau và cùng “chia nhau” các chức danh chủ chốt bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, chánh văn phòng Đảng ủy xã… một ê kíp làm việc theo cơ cấu gia đình hình thành và khi đi vào hoạt động đã bộc lộ nhiều cái sai mà đặc biệt trong đó cái sai lớn nhất là họ đã bắt tay, thông đồng với nhau để trục lợi làm méo mó đi một chủ trương lớn của Đảng trong việc thực hiện quyết định 74/2008/QĐ-Ttg của thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, số tiền hàng trăm triệu đồng chuyển về Thanh Tùng nhằm hỗ trợ mua sắm dụng cụ, máy móc chuyển đổi ngành nghề, tạo điều kiện cho đồng bào người dân tộc có phương tiện, công cụ để lao động sản xuất đã bị những người có trách nhiệm ở xã phù phép, xà xẻo…rất nhiều người khi tiếp xúc với chúng tôi đều nói rằng họ chưa từng biết từng biết, hay nghe nói một lần nào về số tiền 3 triệu đồng mà họ được hưởng, có lẽ chính sự thật thà đến tội nghiệp của mộ bộ phận lớn đồng bào đã bị một số vị quan xã Thanh Tùng triệt để lơi dụng…

Niềm tin sắc son vào Đảng

Một thưở của quê hương buồn như lời ru chứa chan niềm sâu lắng! Nhưng trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và có một quá khứ oai hung này thì không có gì có thể làm lung lay niềm tin sắc son vào Đảng và Đảng đã lãnh đạo toàn diện bằng tất cả sức mạnh của quần chúng đã làm thay đổi một diện mạo của Thanh tùng hôm nay. Kinh tế phát triển, xã hội ổn định, đời sống người dân Thanh Tùng được nâng lên, các công trình phúc lợi xã hội được đầu tư, mở mang phục vụ nhu cầu thiết yếu của đồng bào và có thể nói rằng bài học lớn nhất, đắt giá nhất đúc kết được trong quá trình lãnh đạo của Đảng bộ Thanh tùng là tinh thần đấu tranh cách mạng, ý chí tiến công quyết liệt vào tiêu cực, xử lý quyết liệt và triệt để những cán bộ thiếu đức, thiếu tài, thoái hóa…lòng dân đã yên thì cái gì chúng ta cũng có thể làm được.

Trong những ngày về thăm lại quê xưa, tôi có dịp tiếp xúc với người dân nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Họ vẫn vậy, vẫn chân chất, thật thà, hiếu khách và trong một chiều nắng tắt, tôi ngồi ở nhà anh Ba Phong cùng với đạo diễn Nguyễn Trọng Sơn nâng chén trùng phùng của đứa con ly xứ. Anh Trọng Sơn nói rằng: Xứ mình đã trải qua biết bao thăng trầm dâu bể, có những giai đoạn rất buồn và đau xót, khi hàng loạt các vấn đề nhức nhối như những ung nhọt trên một cơ thể vốn dĩ đã chịu quá nhiều mất mát, những cuộc phẫu thuật cắt bỏ đi các khối u ấy làm rỉ máu, thậm chí là đau đớn nhưng để cho Thanh Tùng Phát triển, để lòng tin của nhân dân ở đây được củng cố thì có lẽ dù đau đớn cũng phải làm… và Thanh Tùng đã làm để vươn mình đứng dậy, sừng sững, hiên ngang như một lời khẳng định cho bước đi đúng đắng của mình trên con đường xây dựng và phát triển quê hương.

Bạn đang đọc bài viết "Nỗi niềm xứ sở" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn