Nồi thịt kho

Từ ngày con gái sinh cháu trai, bà vui lắm. Bà giao cho ông sáng ở nhà giặt phơi quần áo, nấu cơm trưa và đón cháu đi học về. Ông bận tối mắt. Việc nhà, việc công ty, người quen nhờ lễ lạt...
305927154-645499003802146-6317440136636510554-n-1664348856.jpg
Ảnh minh họa

Nhưng không dám kêu ca phàn nàn gì. Chỉ kêu bận một tiếng thì hàng tràng tuôn ra: Ông tưởng tôi rỗi đấy phỏng? Tôi đưa lương cho ông đi chợ búa hàng ngày, tôi cũng không sung sướng gì đâu ông ạ.

Hôm qua, mụ sang nhà con gái, ra cửa "ném" lại một câu: Ông đổ bát nước vào nồi áp suất, đun nồi thịt kho Tầu đủ nhừ là được. Lão (nói thật) chưa bao giờ đun gì bằng nồi áp suất. Cứ thấy hơi thoát vù vù. Chẳng biết lúc nào cạn. Lúc thấy ít hơi thoát ra, lão mở vung thì thấy nồi thịt đã cạn hết nước và đen đáy nồi, không ăn được.

Bà về, nhìn thấy nồi thịt, miệng tru tréo. Chắc lâu lắm không được chửi? Nay "mượn gió bẻ măng", cho ông một trận cho hả. Đầu tiên ông nín nhịn, hối lỗi: "Thú thực, tôi chưa bao giờ đun gì bằng nồi áp suất nên không biết đun bao lâu thì được bà ạ". Mụ vẫn rất hăng: Ông bảo bây giờ các cháu lấy gì ăn cơm đây?

Sau câu: "Ông xin lỗi hai cháu, ông không làm bếp quen. Chờ ông vài phút, ông ra tiệm cơm đầu ngõ mua đồ ăn về cho hai cháu". Dăm phút sau, ông đưa về đủ thịt kho Tầu, trứng rán, mướp đắng nhồi thịt, thịt lợn giả cầy. Bọn trẻ được ăn ngon, thấy vui thêm.

Quái lạ! Hình như đến một độ tuổi nào đó, người ta mát tính hẳn lại? Bởi hai lẽ: Một là, sự lầm lỗi ở đời chỉ đến khi nằm trong quan tài mới có thể hết. Hai là, không nên "việc bé xé ra to". Lương hưu không nhiều, nhưng bát con thịt kho Tầu có gì khó khăn đâu mà phải làm lớn vấn đề lên vậy? May mà tuổi cao, chân tay yếu, chứ như lúc còn trẻ thì cái nồi áp suất không biết đã "bay" vào tận góc nào rồi?

     " Trời sinh mỗi kẻ một nghề

Con Phượng thì múa, con Nghê thì chầu"./.

Chuyện Làng quê