Nộm Quao

Cây quao (hay còn gọi là cây núc nác) hầu như ở quê nhà nào cũng có một cây nơi bờ rào

nom-1664007164.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Giỗ bố tôi vào đầu tháng 10. Em dâu tôi là người đảm đang, tháo vát, tề gia nội trợ giỏi. Nhà tôi đông anh em, họ hàng nên cỗ bàn nhiều. Ấy vậy mà em dâu tôi năm nào cũng lo liệu cỗ bàn rất tinh tươm. Ngoài những món chủ lực ra, thế nào cũng phải có món nộm quao. Cây quao (hay còn gọi là cây núc nác) hầu như ở quê nhà nào cũng có một cây nơi bờ rào. Theo quan niệm của các cụ là để trừ ma tà vì quả của nó như hình lưỡi mác. Thực tế đó là vị thuốc nam còn có tên gọi là Hoàng bá nam.

Sáng sớm, mấy chị em xúm xít vào làm cỗ. Mỗi người đảm nhiệm một món. Tôi được giao làm món nộm. Những quả quao dài khoảng 40 cm màu nâu sẫm nhìn như những lưỡi mác. Nhẹ tay nạo bỏ vỏ lụa rồi nướng trên bếp than hồng cho chín tới. Khâu này phải cẩn thận chớ để quá lửa sẽ mất ngon.  Khi nướng xong không nên rửa lại. Thịt ba chỉ luộc chín tới. Thái chỉ quao và thịt luộc . Lộc mui và đinh lăng, húng đã rửa sạch vảy ráo nước. Phải có lộc mui vào thì mới dậy mùi. Sau đó trộn lẫn tất cả vào với nhau bằng nước chấm. Chờ ngấm rồi gắp ra đĩa. Rắc lên trên một ít lạc rang giã giập. Sản phẩm đã hoàn thành.

Trên mâm cỗ bày đủ món thịt thà, cá mú nhưng món nộm quao lúc nào cũng hết đầu tiên. Đơn giản vì nó là món dân dã, ăn nhẹ bụng và đỡ ngán. Màu nâu của lộc mui, màu xanh của quao bên màu trắng của thịt luộc và màu vàng của lạc rang, điểm xuyết thêm màu đỏ của ớt nhìn đã bắt mắt rồi. Đưa đũa gắp một miếng cho vào miệng. Cảm nhận thấy vị nhân nhẩn đắng, vị béo, vị bùi, vị mặn, ngọt, chua cay có đủ. Tất cả hòa quyện lấy nhau tạo ra một vị khó tả thành lời.

Chỉ khi nào về quê, tôi mới được thưởng thức món nộm dân dã này. Em dâu tôi biết ý nên khi chị ra thành phố liền bó cho một bó quả về để tủ lạnh ăn dần. Mời bà con cùng thưởng thức món quà quê ạ.

Chuyện Quê