Nóp cỏ bàng và chiếu lác

Trong bài Nam bộ kháng chiến của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn có câu : "Nóp với giáo mang trên vai nhưng thân trai nào kém oai hùng" ...
chuy-que1q-1632451216.jpg
Ảnh minh họa do tác giả tuyển chọn.

 

Có nhiều người thắc mắc hỏi :

- Nóp là cái gì vậy???

Câu trả lời là :

- Nóp là tấm đệm đương bằng cây cỏ Bàng gấp đôi lại. Tấm đệm bàng khoảng chừng hai mét vuông, hồi xưa ở quê, nhà nào cũng mua đệm bàng để phơi lúa hay khi có đám tiệc trải ra trước sân nhà đãi khách. Đi đâu xa người ta may chiếc Nóp gấp lại làm đôi, may dính hai đầu chừa một nếp gấp chừng hơn gang tay làm cửa. Khi ngủ chun vô Nóp lật ngang cho nếp gấp nằm ở dưới lưng cái Nóp sẽ dựng đứng nằm bên trong sẽ không bị ngộp và không bị muỗi chích.

Nhiều người không biết cứ tưởng cây cỏ Bàng và cây Lác giống nhau nhưng không phải nhé các bạn. Cây Lác người ta dùng để dệt chiếu, còn cây cỏ Bàng dùng để đan đệm. Thường thì vùng miền nào có cây Lác nhiều thì ngành nghề dệt chiếu phát triển mạnh. Trong bài tân cổ : Tình anh Bán Chiếu của soạn giả Viễn Châu nhân vật anh bán chiếu là người ở Cà mau. Cà mau thì có nhiều nơi dệt chiếu như : Tân Thành (Cà mau), Tân duyệt (Đầm dơi), Tân lộc (Thới bình). Vậy anh bán chiếu trong bài hát là người làng nào ở Cà Mau? Câu hỏi đó nhiều người hỏi Bác Bảy (kể cả người Viết) và được Bác Bảy trả lời :

- Một lần tôi đi từ Cà mau về Sài gòn. Khi tới Phụng hiệp thì chiếc xe đò bể bánh. Mọi người hối hả xuống xe giải lao chờ thay bến xe, ngoài trời bỗng đổ cơn mưa bên kia đường có một cái rạp đám cưới vừa mới đưa dâu nên bà con chạy vô đụt mưa. Có một anh vác bó chiếu chạy vô núp mưa tôi bỗng nhớ tới làng chiếu ở Cà mau và suy nghĩ trong đầu ra một mối tình giữa anh chàng bán chiếu và cô dâu mới theo chồng.

Vậy là Tình anh bán chiếu là môt mối tình không có thật nhưng được hư cấu tài tình đến nổi ai cũng mê và học thuộc bài hát đó.

Ở miền tây thì còn các làng chiếu khác cũng nổi tiếng không kém ở Cà Mau là :

- Làng chiếu Định yên huyện Lấp vò (Đồng tháp), là nơi có chợ đêm chuyên bán chiếu và ngay bến sông chợ có hơn 30 chiếc ghe chuyên bán Lác. Ghe đậu bán lác ở các nơi đến lúc nào tấp nập những cơ sở dệt chiếu lúc cần mua cứ thoải mái đến lựa chọn. Nhưng nghề dệt chiếu ở Định yên là gồm hai xã Định yên và Định an. Nếu có dịp đi trên Quốc lộ 54 gần tới Cầu Vàm Cống là các bạn đã thấy những bó lác đã nhuộm màu sặc sỡ đang phơi dài theo hai bên Quốc lộ.

- Xã Long định huyện Cần đước, Long an cũng là nơi có nguồn Lác dồi dào và nghề dệt chiếu từ Long định phát triển sang Long cang, phước vân, Long sơn (Cần Đước) và một số nơi khác ở Tân trụ, Bến lức, Cần giuộc, Châu thành...

- Làng chiếu Thành thới B thuộc hiện Mõ cày nam, Bến Tre là làng nghề có hơn 100 tuổi, trong xã có hơn 500 hộ trồng lác và dệt chiếu. Một người thợ giỏi có thể dệt 3 đôi chiếu một ngày.

- Làng chiếu Đức mỹ huyện Càng Long, Trà Vinh cũng là làng nghề truyền thống với nguồn Lác sẵn có và chiếc chiếu của Đức mỹ khác các nơi khác vì được may viền quanh chiếc chiếu.

- Làng chiếu Tà niên thuộc xã Vĩnh hòa Hiệp, Kiên Giang với khoảng 100 hộ làm nghề dệt chiếu và chiếc chiếu được nhiều người là chiếc chiếu hoa gắn liền với vị anh hùng Nguyễn Trung Trực.

Cây cỏ bàng ngoài làm đệm ra người ta còn tận dụng những cọng ngắn đương ra những cái giỏ đệm đủ kích cỡ, những chiếc nón bình dân rẻ tiền dành cho người đi ruộng đội rất mát.

Cỏ bàng mọc hoang ở Đức hòa, Đức huệ, Bến lức, Thủ thừa, Mộc hoá, Vĩnh hưng... Và có ở An giang, Kiên Giang và nhiều nhất ở Đồng tháp mười.

Cây cỏ Bàng thân cỏ, mình tròn rỗng ruột, có rể chùm. Mình cây to bằng đầu đũa cao tối đa khoảng 2 mét. Trông giống như cây lác nhưng mình cứng hơn, dài hơn và bông trổ quanh năm. Mùa thu hoạch thường là cuối mùa nước nổi, cây cỏ bàng đem về bó lại từng chùm bà con phơi thành hình rẽ quạt hoặc treo lên sào phơi như phơi quần áo vậy. Bây giờ không còn cảnh đập thân cây bàng vì đã có máy ép nên tấm đệm bây giờ đẹp hơn nệm ngày xưa nhiều.

Mà chiếc chiếu được hoàn thành phải cần có thêm sợi đay. Mà đay được trồng nhiều ở Đồng tháp mười, Thạnh Hóa, Mộc hóa, Tân thạnh (Long an)

Ngày xưa trong cuộc kháng chiến chiếc Nóp và gậy tầm vông tuy là vũ khí thô sơ nhưng cũng từng làm quân thù phải khiếp sợ. Sau năm 1975 chiếc Nóp và chiếc giỏ đệm cũng là hành trang không thể thiếu của những lao động đào kinh thủy lợi. Và nhất là những gia đình đi kinh tế mới cũng không thể thiếu hành trang là chiếc Nóp.

Đầu năm 1977 tất cả Thanh niên đều phải đi thủy lợi. Công trình là đào kinh tuổi trẻ ở Trà Cú. Tôi và đám thanh niên trong xóm trước khi thi hành nghĩa vụ lao động đứa nào cũng thủ trong hành trang một cái Nóp và một cái len. Công trình là con kênh tuổi trẻ có bề mặt là 60 mét, đáy kênh 40 mét, hai cạnh là 16 mét và mỗi đầu người là 0,5 mét. Thời đó ai cũng đem theo cái Nóp và tối ngủ cứ chung vô Nóp là ấm hỉnh. Thằng Tiến con Cậu Năm Sơ tối nó trải Nóp ra rồi đi uống cà phê tối về nhìn vô cái Nóp nó bất ngờ khi thấy trong Nóp của nó có con gì trong đó đang bò tới bò lui phình lên xẹp xuống. Hoảng hốt nó la lên và cả bọn lấy cây đập xong mở Nóp ra thấy một con rắn hổ ngựa dài ngoằn nằm phơi xác. Từ đó thằng Tiến thề không bao giờ dám ngủ trong Nóp.

Dân trong vùng quê ít ngủ nệm nhà nào cũng mua dư đôi ba chiếc chiếu phòng khi có khách đến ngủ. Bình dân hơn nữa thì mua đệm ngủ thấy hơi quê quê chứ êm lưng hơn. Tuy nhiên tấm đệm gấp đôi lại thành chiếc Nóp khi đi đâu xa cũng tiện nên người ta thích hơn mang chiếu.

Tuổi trẻ bây giờ có đứa nào biết cái Nóp là cái gì đâu. Cũng chẳng biết cây cỏ Bàng và cây Lác là như thế nào. Nếu kêu tụi nhỏ cầm cái giỏ đệm Cỏ bàng đi chợ chắc là chẳng đứa nào chịu vì sợ... Quê. Và bây giờ trong những căn phòng máy lạnh chắc cũng không ai nhớ cha ông mình có một thời vất vả màn trời chiếu đất ăn ngủ cùng chiếc Nóp. 

Theo Chuyện quê