Nữ biệt động Nguyễn Thị Mai: “Con thoi sắt” hành động (Kỳ 2)

Sau thời gian điều trị, “con thoi sắt” đã đánh nhiều trận lớn đặc biệt quan trọng trong kế hoạch chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân 1968 của Biệt động Sài Gòn - Gia Định.

Trốn viện

Trước năm 1965, Mai nhận nhiệm vụ liên lạc và vận chuyển vũ khí, tài liệu từ khu căn cứ về Sài Gòn. Sáng Mai ở Sài Gòn, trưa đã thấy cô ở Đức Hòa - Long An, chiều lại về Tân Nhựt. Mai không di chuyển theo một con đường quen thuộc mà liên tục thay đổi để đánh lạc hướng bọn chúng. Những người trong cứ đặt cho Mai cái biệt hiệu là “con thoi sắt”.

dvh1aq1-1665973839.jpg
Công trường Dân chủ (Q.3), trước 1975 là ngã sáu Lê Văn Duyệt, nơi Nguyễn Thị Mai tiêu diệt tên ác ôn “Ba xe ngựa”.

Sau những ngày chịu đựng đòn tra khảo, người Mai như chết giấc vì đau đớn. Vết thương bên trong cửa mình nhiễm trùng, máu mủ không thôi ứa ra. Mai sốt triền miên, người lả đi đến không nhấc nổi một bước chân. Thời gian này, đầu Mai đau kinh khủng bởi di chứng đòn tra khảo dộng đầu xuống đất. Chúng đưa Mai vào nhà thương Chợ Quán điều trị hòng cố khai thác và cũng không nằm ngoài mục đích tránh sự lên án chỉ trích từ dư luận. Tại đây, Mai may mắn gặp bác sĩ trưởng khoa cũng là người của cơ sở. Vốn đã biết Mai từ trước, vị trưởng khoa nói với cảnh sát: “Vết thương nặng thế này ở đây không đủ điều kiện chữa trị, chậm một giây sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Nghe lời tôi, các ông nên chuyển cô ấy đến bệnh viện khác may ra các ông sẽ có thứ mình cần”. Nghe vậy, chúng đồng ý để bác sĩ chuyển Mai sang Bệnh viện Nguyễn Thái Học (nay là Bệnh viện Nhân dân Gia Định). Nằm viện cũng không được yên, chúng còng chân Mai vào thành giường. Mai còn được một tên cảnh sát “chăm sóc” đặc biệt 24/24.

dvh2aq2-1665973921.jpg
Chú thích ảnh

Đêm về, đợi tên lính ngủ say, Mai dễ dàng lấy chìa khóa đeo ở lưng quần của hắn rồi với tay choàng áo kín đôi chân, tay mò mẫm mở còng. Tiếng chiếc còng khua làm hắn trở mình nhưng lại thiếp đi. Mai thở phào lồm cồm ngồi dậy, giả vờ bưng ca nước của một bệnh nhân khác đi nhẹ ra cổng bệnh viện. Đường về cơ sở khá xa, trong túi thì chẳng có tiền. Mai đánh liều gọi xích lô. Bác xích lô gương mặt khắc khổ cẩn thận đỡ Mai lên xe. Thấy người đạp xe tội nghiệp, đi được một đoạn, Mai nói: “Con nghèo quá không có tiền trả viện phí, bệnh đau nặng thế này nhưng con phải trốn viện ra đây. Nếu chú thương tình thì chở con đi một khúc rồi cho xuống chứ con không lấy đâu ra tiền để trả”. Bác xích lô nghèo rớt mồng tơi, đưa vạt áo rách tả tơi lên lau mồ hôi chảy ròng trên trán. Biết hoàn cảnh Mai cũng đáng thương nhưng không thể chở không công. Ông cho Mai xuống. Mai lại đón một xích lô khác về ngã ba Ông Tạ, nơi cơ sở của ta đang hoạt động. Thấy Mai trở về với nét mặt hốc hác, không ít người lo lắng nghĩ “Con Mai dẫn chúng về bắt”. Sau khi nghe Mai kể lại sự tình, nếu để Mai ở lại đây chắc chắn bọn chúng sẽ truy lùng, không khéo cả cơ quan đầu não của ta cũng gặp nguy. Lo lắng thế cũng phải vì trước đó, người của ta phát hiện vài tên chiêu hồi lảng vảng ở đầu đường Lê Văn Duyệt, có lẽ bọn chúng cho người đón lỏng để bắt Mai. Ngay lập tức, cơ sở đưa Mai lên Bảy Hiền đón xe về căn cứ ở Củ Chi để vừa công tác vừa điều trị.

dvh3aq3-1665973812.jpg
Hai ảnh trên: Bà Nguyễn Thị Mai lúc trẻ và sau này

Diệt tên ác ôn “Ba xe ngựa”

Mãi sáu tháng sau, đã bước qua năm 1966 Mai mới xuống lại Sài Gòn. Vừa tới nơi, Mai nhận lệnh tiêu diệt tên ác ôn khét tiếng lúc bấy giờ. Tên này đã lập được nhiều công trạng cho Tổng nha cảnh sát nên rất được chúng trọng dụng. Hắn chạy xe ngựa quanh khu vực Ông Tạ nhưng công việc chính của hắn là theo dõi người của ta đi đâu, về đâu để báo cáo. Khi phát hiện cơ sở nào khả nghi là hắn báo cho cảnh sát đến bắt bớ, tra tấn. Thông tin về hắn Mai chỉ nắm vỏn vẹn bấy nhiêu đó. Trước đó, hắn đã giết, bắn nhiều người dân vô tội, hãm hiếp áp bức phụ nữ… Nhiều lãnh đạo của ta bị bắt cũng vì hắn chỉ điểm. Hắn tên Ba, chạy xe ngựa nên người ta thường gọi là “Ba xe ngựa”. Trước đó, “Ba xe ngựa” cũng bị người của ta tìm cách tiêu diệt hai lần nhưng không thành. Từ đó hắn càng ác độc hơn, điên cuồng hơn. Thời gian này, nhiều tên ác ôn khác cũng đã bị cách mạng thủ tiêu. Trước tình hình căng thẳng, chúng hoạt động kín đáo hơn, giả dạng đủ hạng người để theo dõi nên nhiệm vụ tiêu diệt tên “Ba xe ngựa” không phải là nhiệm vụ đơn giản. Đơn vị Biệt động 90C còn phải tính đến chuyện “bứt dây động rừng” nếu kế hoạch ám sát không thành.

Nhận nhiệm vụ, Mai cùng anh Bảy lùn (tức anh Võ Triết) lên kế hoạch ám sát tên này. Mất nhiều ngày lên phương án rồi trình cho lãnh đạo. Anh Bảy lùn chở Mai đi trên chiếc xe máy. Trời chạng vạng tối, anh Bảy đến đón Mai ở cơ sở chợ Ông Tạ, đi thẳng đến nhà tên ác ôn. Xe anh Bảy lùn đậu cách đó vài căn nhà. Mai đi bộ đến gõ cửa. Nghe tiếng gõ cửa, từ trong nhà “Ba xe ngựa” hỏi dồn: “Ai vậy? Tìm ai?”. Mai tỉnh táo: “Khách quen mà anh Ba, em còn mấy chuyến lá gần chợ, anh Ba chở giúp em. Biết trời tối, giờ anh Ba nghỉ ngơi nhưng đi xe khác không quen”. Nghe lọt tai, “Ba xe ngựa” đáp: “Đợi tôi mặc áo cái đã”. Từ xa, ánh sáng lọt qua cửa sổ nhà gần đó đủ để Bảy lùn nhìn thấy ngón trỏ của Mai đưa lên, ý nói kế hoạch tiếp cận thành công. Mai nghĩ thầm, phen này là tiêu đời mày rồi - thằng ác ôn “Ba xe ngựa”. Tiếng lách cách mở khóa cửa sắt bên trong, Mai đưa tay vào túi chuẩn bị hành động. Mai nép người sang một bên, hắn vừa ló mặt ra, viên đạn từ khẩu côn 12 xuyên mặt tên “Ba xe ngựa”. Mai nhảy phóc lên xe Bảy lùn vọt mất hút.

( còn nữa)…

Trái tim người lính