Nữ tướng Hồ Đề thời Trưng Vương chính sử và huyền sử (Bài 3)

Hữu Minh

24/06/2021 05:47

Theo dõi trên

Trong cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Đông Hán (40-43), bên cạnh Trưng Trắc và Trưng Nhị - lãnh đạo nghĩa quân, có rất nhiều nữ tướng cùng kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ làm nên thắng lợi, lập nước độc lập, thái bình và gây dựng giang sơn.

ho-de-bai-3-1624488251.jpg
Ngày 1 tháng 2 âm lịch hằng năm, Lễ hội Đình làng Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội tưởng nhớ Nguyên Soái Hồ Đề thu hút sự tham gia của đông đảo người dân trong làng

Những vị anh hùng ấy đã chứng tỏ: phụ nữ Việt Nam luôn có tinh thần yêu nước, căm thù giặc, dũng mãnh, thao lược và sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Bài 3: Đôi nét về những nữ tướng thời Trưng Vương 

Theo nhiều nguồn tài liệu mà chúng tôi có được thì Hai Bà Trưng có đến hơn bảy chục tướng lĩnh, trong đó có nhiều thủ lĩnh các nghĩa quân địa phương, hiện còn nhiều đền thờ, miếu Thành Hoàng làng ở miền Bắc Việt Nam.. Đặc biệt, trong số này có nhiều nữ tướng lĩnh: Thánh Thiên - nữ tướng anh hùng, lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Yên Dũng, Bắc Đái (Bắc Giang). Bà có tài văn võ, không những là một đại công thần khai quốc mà còn là một tướng lĩnh cao cấp được Hai Bà Trưng giao phó những trọng trách trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mã Viện. Bà được Trưng Vương phong là Thánh Thiên Công chúa, giữ chức Bình Ngô đại tướng quân, thống lĩnh binh mã trấn thủ vùng Nam Hải (Hải Nam). Huyền sử còn cho biết chính Thánh Thiên đã đánh tan quân Mã Viện ở Hợp Phố và sau đó đã dự trận Lãng Bạc với Hai Bà Trưng. Và, Thánh Thiên đã chặn đánh quân Mã Viện ngay ở Quỷ Môn Quan (Lạng Sơn) khiến Mã Viện phải lui lại và tìm đường khác vào Âu Lạc. Hiện bà được thờ ở đền Ngọc Lâm, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Ninh.

Nữ tướng miền biển Lê Chân: Bà quê làng An Biên (tên cổ là làng Vẻn), Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay thuộc thôn An Biên, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Bà khởi binh ở An Biên, Hải Phòng. Trong các trận đánh cùng Hai Bà Trưng, bà thường được cử làm nữ tướng quân tiên phong, lập nhiều chiến công. Sau khi thu phục 65 thành, Tô Định phải lui về nước, bà được Trưng Vương phong là Thánh Chân công chúa, giữ chức Chưởng quản binh quyền nội bộ, đứng ra tổ chức, luyện tập quân sĩ, tăng gia sản xuất. Hiện bà được thờ ở đền Nghè An Biên, quận Lê Chân T.P Hải Phòng.

Bát Nạn Đại tướng: Tên thực là Thục Nương, được nhân dân Tiên La (Thái Bình) giúp đỡ, bà dựng cờ khởi nghĩa, giải phóng được một vùng rộng lớn rồi mang theo 700 nữ binh về phò tá Hai Bà Trưng. Bà được cử làm Đại tướng Tiên phong và được Trưng Vương phong là “Bát Nàn Đại tướng quân, Uy viễn đại tướng quân, Trinh Thục Công chúa”. Hiện bà được thờ ở Phượng Lâu (Phù Ninh, Phú Thọ) và Tiên La (Hưng Hà, Thái Bình). ..

Tống Vĩnh Huy là con của núi rừng Yên Tử - Đông Triều – Quảng Ninh. Bà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Tiên Nha (Phú Thọ) được Trưng Vương phong làm Vĩnh Hoa công chúa, giữ chức Nội Thị tướng quân. Bà có trận đánh thần kỳ dẹp tan quân của đại tướng nhà Hán là Ngô Hán ở các vùng Độ Khẩu (nay thuộc Vân Nam), Khúc Giang (nay thuộc Quảng Đông) và đảo Hải Nam của Trung Quốc ngày nay. Đình Nghênh Tiên, xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc hiện thờ bà. Là một trong số ít nữ tướng được phong làm Đại tướng quân, năm 20 tuổi Ngọc Trinh dựng cờ tụ nghĩa làm chủ một phương ở Lũng Ngòi, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. 21 tuổi, bà  theo Trưng Vương cứu nước lĩnh ấn Tả tướng quân, phá tan các thành trì quân giặc ở dải đất trung du mênh mông, quét sạch giặc thù. 22 tuổi được phong công chúa, dựng thành đắp lũy lo kế chống giặc lâu dài, một trận đánh ở Gò May làm giặc Hán kinh hồn, chống nhau với Mã Viện là danh tướng của nhà Hán trên một năm trời. Bà được Trưng Vương phong là Ngọc Phượng công chúa, Đại tướng quân. Hiện bà được thờ ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. 

Xuân Nương - Trưởng quản quân cơ: Sinh ra trong gia đình dòng dõi con cháu vua Hùng, được học võ từ nhỏ. Năm 16 tuổi, sau cái chết của anh trai do bị Tô Định sát hại, Xuân Nương cắt tóc, khoác áo nâu sòng, cải tên đổi họ, tìm những người có gan, có chí để kết bạn cùng mưu việc báo quốc. Biết tin, bà Trưng Trắc cho em gái là Trưng Nhị đem chiếu chỉ đến mời Xuân Nương tham gia khởi nghĩa. Bà được Trưng chúa phong là Thị nội tham tán quân cơ, giúp Trưng chúa bày mưu định kế, lo liệu các việc. Dẹp xong giặc nước, Xuân Nương được phong làm Đông cung công chúa Nhập nội trưởng quản quân cơ nội các. Trong trận đánh với quân Đông hán trở lại xâm lược, bà bị thương và đã gieo mình xuống dòng sông Thao quyên sinh. Để tưởng nhớ công ơn của bà, nhân dân nhiều xã ở huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ lập đền thờ. Trong đó có Đền Đức Bà, thuộc khu di tích chùa Phúc Thánh ở xã Hương Nộn thường xuyên hương khói thờ phụng bà. Trước đền có am nhỏ mái hình vòm cuốn, tương truyền là am thờ các thổ quan Mường đã từng giúp bà từ buổi đầu tụ nghĩa và trong chiến trận.

Bên cạnh đó còn nhiều nữ tướng tài như: Quách A Nương – Tiên phong tả tướng; Nữ tướng quân Lê Thị Hoa; Đàm Ngọc Nga - tiền đạo tả tướng; Ba chị em Đạm Nương, Hồng Nương và Thanh Nương khởi nghĩa ở Quất Lưu, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc; Nàng Quỳnh - Nàng Quế tiên phong phó tướng…

Và trong số các nữ tướng nổi bật đó, có một nữ tướng duy nhất đến từ mảnh đất miền núi Thiên Sớ (nay là tỉnh Thái Nguyên), khởi nghĩa từ Động Lão Mai đó là Hồ Đề, được Trưng Vương phong là Đề Nương công chúa, lãnh chức Phó nguyên soái, Trấn Viễn đại tướng quân. Bà là 1 trong 6 nữ tướng lĩnh có nhiều công trạng, uy danh lừng lẫy nhất dưới thời Hai Bà Trưng, hiện đang được thờ tại Đình làng Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, T.P Hà Nội. Với khí khách anh hùng, tinh thông võ nghệ, có lòng yêu nước, căm thù giặc Hán sâu sắc, Hồ Đề được tôn xưng là Thiên Sớ đại vương. Khi nghe tin Hai Bà trưng dấy binh chống giặc Hán, bà và em trai là Hồ Hác đã về Mê Linh hội quân với Trưng nữ chủ, và được Trưng nữ chủ phong chức Phó nguyên soái đứng đầu hàng nữ tướng, ngang chức với Trưng Nhị. Hồ Hác được giao chức Điều vát tướng quân chuyển vận binh lương ở miền bể.

Cùng với các tướng lĩnh, binh sĩ, hai chị em nữ tướng Hồ Đề đã luôn sát cánh, làm nên cuộc khởi nghĩa lịch sử Hai Bà Trưng - cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử đấu tranh oanh liệt chống ách thống trị của ngoại bang của nhân dân ta, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, ý chí hiên ngang, khí phách quật cường của dân tộc Việt Nam. 

Trong cuộc trao đổi tháng 5-2015 với chúng tôi, Nhà sử học Lê Văn Lan khẳng định: Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng tụ nghĩa gần 100 nữ tướng có quê trung du và đồng bằng châu thổ. Duy nhất có một thủ lĩnh sống miền núi cao xứ Võ Nhai, Đồng Hỷ, Thái Nguyên là nữ tướng Hồ Đề, cùng Hai Bà Trưng làm nên chiến thắng oanh liệt,công trạng lớn lao. Thái Nguyên có di chỉ khảo cổ Mái đá Ngườm, hang Phiêng Tung (Thần Sa, Võ Nhai), một trong những cái nôi của loài người,cũng cần lấy việc Hồ Đề đã làm là chương mở đầu cho cuốn lịch sử yêu nước, chống ngoại xâm của quê hương.

Với sự kiện lịch sử này, đã cho thấy ngay từ những năm đầu công nguyên, trong buổi đầu dựng nước và giữ nước, những người con từ mảnh đất Thái Nguyên đã tỏ rõ tinh thần yêu nước, vượt qua muôn trùng khó khăn, gian nguy một lòng đứng lên đánh đuổi giặc Đông Hán, giải phóng đất nước. Và ý chí quật cường, anh dũng, lòng yêu nước sâu sắc ấy của nữ tướng Hồ Đề đã được các thế hệ con cháu trên mảnh đất Thái Nguyên tiếp tục nuôi dưỡng, bồi đắp, tạo nên truyền thống cách mạng đánh đuổi kẻ thù xâm lược, mang lại độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân ta ngày hôm nay.

Đón đọc bài 4: Nữ tướng Hồ Đề trong thư tịch, đền miếu và nghiên cứu của các nhà văn hoá 

Bạn đang đọc bài viết "Nữ tướng Hồ Đề thời Trưng Vương chính sử và huyền sử (Bài 3)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn