Nữ tướng Lê Chân hy sinh ở đâu ?

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

12/05/2023 08:10

Theo dõi trên

Khi Trưng Vương bị tướng Mã Viện nhà Đông Hán đánh bại, nhà Hán cướp mất nước Lĩnh Nam của ta (năm 43), một số nữ tướng kiệt xuất của Trưng Vương rút chạy về một số căn cứ xung quanh vùng châu thổ sông Hồng, tiếp tục chiến đấu đến cùng.

Bát Nàn Đại tướng quân Vũ Thị Thục rút về điền trang của bà ở Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình ngày nay, cố thủ và hy sinh tại đây. Nữ tướng Lê Chân rút về vùng núi Kim Bảng, tỉnh Hà Nam ngày nay, quyết chiến lần cuối cùng và cũng hy sinh tại đây. Đền thờ Lê Chân nay vẫn còn đó. Bài thơ của danh sĩ Trương Hán Siêu vẫn còn đây !

b1vbl1as-1683853332.jpg

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục (bên trái) cùng nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

KINH MỜI QUÝ BẠN XEM BÀI THƠ CỦA TRƯƠNG HÁN SIÊU NÓI VỀ SỰ KIỆN NÀY NHÉ !

ĐÁO LÊ CHÂN TỪ

Lê nữ thâm khanh tại,

Trưng triều cổ miếu cư.

Dương công huynh đệ hữu,

Sơn thạch hậu tiền thư.

Nam quốc, Nam quân chủ,

Lạc địa lạc canh sừ.

Nhất thôn đương vô khí,

Cầu lai tảo tín dư.

Dịch nghĩa:

ĐẾN THĂM ĐỀN THỜ LÊ CHÂN

Người con gái họ Lê còn để lại địa danh “Quèn Voi Trượt”,

Nữ tướng triều Trưng, nay còn có ngôi miếu cổ thờ bà.

Ông họ Dương (tướng của Hai Bà Trưng) vẫn còn anh em (ở đây),

Vẫn còn sách vở viết chuyện trước sau nơi núi đá Lê Chân vào trú ngụ.

Nước Nam vua Nam làm chủ,

Đất Lạc thì dân nước Lạc canh tác cày bừa.

Dù chỉ là một tấc đất cũng không được để mất vào tay bọn xâm lược,

Mong rằng người thời sau phải ghi nhớ lấy điều này.

Dịch thơ:

Nữ tướng triều Trưng còn miếu cổ thờ bà,

Gái họ Lê lưu danh “quèn Voi Trượt”.

Dương tướng vẫn còn anh em ở đây,

Sách vở truyền lưu chuyện Lê Chân trú ngụ.

Nước Nam do vua Nam làm chủ,

Đất Lạc thì dân Lạc cấy cày.

Một tấc đất cũng không để rơi vào tay giặc,

Người đời sau phải ghi nhớ điều này!

(VŨ BÌNH LỤC dịch)

Đây là bài thơ được chép trong sách THƠ VĂN ĐỖ HUY LIÊU, do ông Tuần Phủ Phan Đình Hòe biên tập. Ông Dương Văn Vượng dịch từ Hán văn, năm 2017.

Cũng theo sách DANH SĨ TRƯƠNG HÁN SIÊU, ông Phan Đình Hòe chú rằng: Đây là bài thơ Trương Hán Siêu sáng tác khi ông đến thăm ngôi miếu cổ thờ bà Lê Chân tại thôn Lạt Sơn (nay thuộc xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam). Bài thơ của ông Phan Đình Hòe có nhan đề là ĐÁO LẠT SƠN VẤN LÊ CHÂN CỔ SỰ, nội dung nói về người con gái họ Lê theo Bà Trưng đi đánh giặc Hán qua đây, con voi của bà bị trượt chân, cho nên vẫn còn địa danh “Quèn Vơi Trượt”. Về sau, dân lập miếu thờ bà (Lê Chân). Bà được vua sắc phong hiệu là Sơn Anh. Ông Phan Đình Hòe lấy bài thơ của Trương Hán Siêu để làm bằng cứ cho bài thơ của mình. Thêm nữa, ở đây vẫn còn nhiều người là hậu duệ của một vị họ Dương, tướng lĩnh của Hai Bà Trưng

Như vậy, chưa rõ ông Hòe lấy bài thơ của Trương Hán Siêu để làm bằng cứ, xuất phát từ nguồn nào? Có thể là bài thơ của Trương Hán Siêu được khắc vào đá ở núi này chăng?

Truyền thuyết ở vùng núi 99 ngọn ở Kim Bảng, Hà Nam, kể rằng, nữ tướng Lê Chân đã rút quân về đây củng cố đội hình, tiếp tục chiến đấu. Đền CỬA RỪNG, thuộc thôn Lạt Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, chính là ngôi đền thờ Lê Chân.

Thông tin từ các bài thơ của Trương Hán Siêu, Phan Đình Hòe, cùng với miếu thờ mang tên CỬA RỪNG, có thể đi tới một kết luận khả tín, rằng Nữ Tướng Lê Chân đã chiến đấu và hy sinh tại đây!

Bài thơ của Trương Hán Siêu kể chuyện lịch sử về một địa danh mà Lê Chân đã chiến đấu và hy sinh tại “Quèn Voi Trượt”, nay vẫn còn đền thờ Lê Chân. Hơn thế, tư tưởng chủ đề còn được mở rộng ra ở tầm cao ý chí độc lập, quyết bảo vệ đất nước của người Lạc Việt, theo đó là trách nhiệm của người hậu thế.

Bài thơ ĐÁO LÊ CHÂN TỪ (Đến thăm đền thờ Lê Chân) của Trương Hán Siêu nghệ thuật chưa phải là đặc sắc, nhưng giá trị lịch sử, tư tưởng và tinh thần dân tộc tự chủ, thì rất cao.

Cùng với BẠCH ĐẰNG GIANG PHÚ, một tráng ca bất hủ, bài thơ ngắn ĐÁO LÊ CHÂN TỪ, danh sĩ Trương Hán Siêu đã thể hiện, tiếp nối cảm hứng công dân nồng nhiệt, rất đáng được trân trọng, truyền lưu mãi mãi.

Bạn đang đọc bài viết "Nữ tướng Lê Chân hy sinh ở đâu ?" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn