Nước sông, nước giếng

Ở vùng đất Cù Lao, một buổi sáng năm 195..., sư cô ở chùa X nghe tiếng trẻ con khóc thét trước cổng. Bước ra xem, cô gặp một bé trai kháu khỉnh đang khóc vì khát sữa. Thấy tội nghiệp sư cô bồng đứa bé vào chùa sau đó sư cô đặt tên nó là Phước.
253672643-2930183320577623-8200585504671720213-n-1636433686.jpg

Khi lớn lên nó không chịu ăn chay và bắt đầu tụ tập ăn nhậu, vì là con bà Phước nên nó chẳng sợ gì ai. Thấy tướng tá nó nhỏ con nhưng nó đúng là một tay liều mạng đám thanh niên làng trên xóm dưới nó chẳng ngán tên nào. Tuy nhiên cái nó thích là hay tụ tập đàn ca ăn nhậu, khoái ca nhạc trử tình nên nó có vợ sớm. Có gia đình, có cô vợ giỏi buôn bán nên nó chỉ nằm nhà trông con và đi nhậu. Từ khi lập gia đình được sư cô cho miếng đất cất nhà ra riêng, tuy không còn ở trong Chùa nhưng nó vẫn kính trọng sư cô và vẫn kêu bằng Mẹ, còn sau này nghe nói cha mẹ ruột của nó có đến gặp sư cô để xin được nhìn con nhưng nó cương quyết không nhìn. Gần nhà thằng Phước có ông Tám Huơ là sếp của mấy ông sếp, tuổi thất thập cổ lai hy rồi nhưng khó giàn trời. Thời chống Pháp ông tham gia theo kháng chiến, mấy ông sếp thời đó chết hết chỉ còn ông Huơ... Vậy là ông Huơ càng ngày càng nổi tiếng vì lâu lâu có các sếp lớn nhỏ tới viếng thăm quà cáp đủ thứ. Ông Huơ không làm chức sắc gì nhưng được cấp cây súng Carbine M2, buồn buồn lên cò nghe rốp rốp tuy chưa bắn bao giờ nhưng nghe tiếng "ặc mê" ai cũng ngán. Ông Huơ không biết sao lại ghét thằng Phước dữ lắm vì nó hay tụ tập với tụi thanh niên xóm ông ca hát om xòm. Mà cái đám thanh niên này nghĩ cũng đáng ghét. Ca nhạc toàn là loại nhạc gì cà giựt mà ông Tám không biết như : Afghanistan chúng tôi ở bên bạn, Viva Olympic Moskva, Những đôi mắt mang hình viên đạn... tối nào cũng tụ năm tụ ba ca hát vang trời dậy đất bên miếng đất trống cách nhà ông một cái hầm cá tra. Ông Huơ bực lắm nên một đêm trời tối đen như mực vừa nghe tiếng ca là ông xách cây súng qua "thay trời hành đạo" ông nạt:

- Mấy đứa bây tụ tập phá làng phá xóm hả? Ca hát om trời ai ngủ nghê gì được. Giải tán ngay...

Tất nhiên là tụi thanh niên êm re xếp càng đâu dám hó hé vì khi đó thanh niên sợ chánh quyền dữ lắm. Ông Huơ thấy tụi thanh niên sợ mình nên ông hả hê lắm, quảy cây súng về ngang hầm cá tra thì một bóng đen từ phía sau đẩy ông già bay luôn xuống nước... Sáng hôm sau, cả đám nhậu được mời lên đồn công an. Đứa nào cũng thề không biết và cam đoan không có thằng Phước trong mâm nhậu. Trong khi tối đó thằng Phước nó tham gia phục vụ cho đội văn nghệ xã đang phục vụ trước sân uỷ ban. Bằng chứng ngoại phạm của Phước quá rõ ràng nên nó cũng khỏi phải bị truy cứu. Còn tánh gút mắt khó khăn của ông Tám Huơ thì ai cũng biết ổng hay tỏ ra mình là sếp nên người ghét ổng cũng nhiều lắm. Nên nghe tin ông Tám bị đẩy xuống hầm cá là chuyện đâu có gì lạ. Cũng may là ông Huơ chỉ bị uống nước thôi chứ miền Tây thì ai mà chẳng biết lội? Đợi vài hôm tình hình lắng xuống một hôm đang nhậu cao hứng Phước nó khoe:

- Hôm đó tao theo đội văn nghệ hát phục vụ. Tao thì chỉ được hát mở màn nên về sớm. Vừa tới nhà nghe tụi bây hát om xòm nên mò qua. Mới tới thấy mắc tè nên đi vô lùm cây giải quyết, đúng lúc ổng cầm súng đi ngang la rầy tụi bay, tao thấy ngứa tay ngứa mắt nên tao lẻn theo đạp cho chả một đạp xuống hầm cá. Xong tao chạy ngược lên đoàn Văn công tiếp dọn dẹp nên đâu ai nghi là tao phải không?

Ông Huơ cũng nghi thằng Phước nó đạp mình chớ đám thanh niên xóm này ai dám vuốt râu hùm ngoài nó? Nhưng không chứng cớ thì biết làm sao? Ít lâu sau, khi vợ thằng Phước có tiền mua cho nó chiếc xe Honda dame 50 nó sướng lắm nên xách xe chạy rông tối ngày nên cũng ít tụ tập ca hát ở xóm nên ít khi gặp ông Huơ. Không có đám thanh niên tụ tập ông Huơ cũng buồn vì không còn biết la ai? Một hôm trời nắng chang chang, ông Huơ đứng đón xe ra chợ xã, nhưng xui sao mà không có chiếc xe nào. Đúng lúc đó thì Phước nó chạy đến gặp Ông Huơ nó thắng xe cái rét...

- Chú Tám, đi ra xã hả chú?

Ông Huơ không ưa gì thằng Phước nhưng trời nắng như vầy quá giang được cũng đỡ hơn phải đứng ngoài nắng nên ông Huơ nói:

- Ờ, mà mày đi đâu vậy?

- Dạ con đi ra xã nè. Ông đi thì con cho ông quá giang.

- Ừa vậy thì cho tao đi nhờ vậy.

Phước lấy bao thuốc lá ra rút một điếu thuốc ra mời:

- Hút điếu cho thơm râu chú.

Đợi Ông Huơ vừa ngậm điếu thuốc trên môi Phước nó nhanh tay bật lửa đợi ông già rít một hơi thuốc thằng Phước nói nhỏ:

- Lâu quá hỏng có tắm hả ông già?

Nói xong nó cười hô hố rồi gồ ga dọt lẹ, sau đó nó bị công an mời lên đồn vì ông già lên báo:

- Thằng Phước nó hỏi tao như vậy là hôm trước nó đạp tao chớ ai vô đây.

Nó chối biến:

- Trời ơi mấy anh nghĩ coi chú Tám là người tôi luôn kính trọng. Tui chạy xe gặp chú ngoài đường tui mới ngừng xe hỏi thăm chú đi đâu để cho chú quá giang. Chú nói chú đi chợ nên tui mời chú hút thuốc rồi nói:

- Chú đợi con đi bơm bánh xe lẹ lắm... Tính đi bơm ai dè bị lủng ruột phải vá xe, trở lại thì đâu gặp chú Tám. Ai nói tới vụ tắm gì đâu?

Anh Công an nghe vậy gật gù nói:

- Vậy chắc chú Tám lãng tai nghe lầm. Thôi anh về đi để tôi tìm cách nói cho chú biết.

Phước cười thầm dẫn chiếc xe ra cửa, anh công an đi theo choàng tay lên vai rồi nói nhỏ với nó:

- Ông Tám già rồi tánh tình hơi khó hơi đâu anh ăn thua với ổng. Anh dẫu sao cũng là thành viên của đội văn nghệ xã, anh chịu khó nhịn chú Tám một chút cho vui vẻ cả đôi bên, tụi tui cũng biết ở xứ này dám chọc ghẹo ông Tám chỉ có mình anh. "Nước sông không phạm nước giếng" thiên hạ mới Thái bình phải không anh Phước?

Phước nghe nói vậy cũng gật đầu cho lẹ rồi dọt. Về nhà nó suy nghĩ lại lời nói của sếp Công an nó cười hoài. Vợ nó hỏi:

- Bị Công an mời vui lắm sao mà ông cười hoài vậy?

- Phước kể đầu đuôi cho vợ nghe rồi hỏi:

- Tui đố bà tui là nước sông hay nước giếng?

Vợ nó lắc đầu:

- Mụ nội tui cũng hỏng biết.

Phước cười ha hả:

- Tui chắc là nước giếng rồi.

Vợ nó ngơ ngác:

- Là sao?

Phước cười hề hề:

- Hầm cá tra lấy nước từ đâu?

- Thì nước ngoài sông...

Vợ thằng Phước chợt hiểu ra:

- Trời ơi thì ra là ông hả? Ổng là bà con với tui đó ông đụng tới... Nước sông nữa là tui cúp lương ông luôn đó.

Từ đó Phước giữ lời hứa "Nước giếng không phạm tới nước sông" . /.

 

Theo Chuyện quê