Ổ rơm của bà nội

Ngày xưa các cụ có câu thành ngữ “no cơm tấm, ấm ổ rơm”. 
o-rom-cua-ba-noi-1666754489.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

Cơm tấm bây giờ ở thành phố là đặc sản khi được nấu bằng niêu đất, ăn với cá kho tộ, cà muối, canh rau ngót nấu với cá rô... Giá một bữa ăn như thế cũng chẳng bình dân đâu, cỡ 120.000 đồng/xuất chưa kể đồ uống.
Ổ rơm thì bị tuyệt chủng ở thành phố, nhưng chắc ở nông thôn, miền núi vẫn còn. Xưa, ổ rơm là “vũ khí chiến lược” của dân nghèo chống lại cái rét cắt da thịt của mùa đông miền Bắc.
Thời tôi còn là trẻ con…
Từ tháng 9-10 âm lịch bà nội tôi đã chuẩn bị rơm để làm ổ. Rơm lúa nếp sau khi đã đập hết thóc được buộc thành túm rồi mang ra phơi kỹ, ở riêng một khoảnh sân gạch. Mùa này ít nắng nên phải khoảng 9 giờ khi có ánh nắng lên mới đem rơm ra phơi và 4 giờ chiều đã phải gom vào thành đống trước hiên nhà. Nếu trời không nắng thì rơm phải được buộc túm phần bông lúa làm tơi ra rồi treo lên sào tre để không bị mốc, ải. Khi rơm được nắng mới thơm, ngoài việc để bện chổi thì quan trọng nhất là làm ổ rơm giữ ấm mùa đông. 
Sau khi rơm đã khô, có màu vàng óng và mùi thơm đặc trưng thì được gom thành đống, đến tối bà vừa kể chuyện cổ tích và đôi khi là chuyện ... ma, vừa bện nùn rơm để sẵn đấy chờ gió mùa đông bắc. Có hai loại nùn: Cỡ to bện 5 dẻ, cỡ nhỏ bện 3 dẻ.
Ngay đợt gió mùa đông bắc đầu tiên kéo về, cái nùn rơm to đã chuẩn bị sẵn được dùng để bao quanh giường 2 lớp, trong lòng giường thì trải nùn nhỏ kín rồi trải một lớp rơm dày 10 centimet sau đó trải chiếu lên. Khi trời đã rất lạnh thì chiếu cũng được tháo ra để đắp còn người nằm luôn lên trên rơm cho ấm.
Ngoài ra, bà nội tôi còn chuẩn bị nhiều lá chuối khô để nhét thêm vào xung quanh chỗ nùn rơm tiếp giáp với lớp rơm.
Giữa tháng chạp, nhiệt độ ở đồng bằng Bắc Bộ thường xuống dưới 10 độ, khi ấy để đủ ấm trong nhà còn phải có cái lò đốt củi sưởi nữa, để tránh bị cháy nhà lò sưởi được đặt cách giường một mét và ủ không cho cháy thành lửa. Nhà ngày xưa là nhà lợp rạ, vách đất kiểu 3 gian nên cũng không kín nên không sợ ngạt khí CO như ngày nay. Nhà nào được đắp bằng tường đất dày thì cách nhiệt nên sẽ ấm hơn. 
“Nguy hiểm” nhất khi nằm ổ rơm là… đái dầm. Khi đó nước đái thấm vào rơm, phải bỏ rơm ở khu vực ướt. Ngày mùa đông những năm ấy, mới 6 giờ tối đã nhìn không rõ rồi, trẻ con thường sợ ma nên bà nội phải dẫn chúng tôi đi đái trước khi vào ngủ ổ rơm để khỏi “dấm đài” vào ổ rơm.
Trong cái ổ rơm ấy, chúng tôi chơi nhiều trò trẻ con và được nghe bà kể bao nhiêu chuyện cổ tích. Còn mẹ thì đọc truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Phạm Tải – Cúc Hoa,… Tất cả mẹ đều thuộc lòng từ đầu chí cuối mà không cần giấy tờ gì cả.
Phải đến cuối tháng 3 âm lịch, khi hoa gạo đã nở, báo hiệu đã hết rét nàng Bân thì cái ổ rơm này mới được tháo bỏ.
Ngày ấy xa rồi…
Trong cái ổ rơm ấm áp ấy chúng tôi lớn lên bằng lời kể chuyện cổ tích của bà, của mẹ...
Giờ đây đệm ấm chăn êm, tôi mãi nhớ cái ổ rơm của bà nội thời thơ bé.
Ngày ấy xa rồi…
Bao giờ cho đến ngày xưa...

 Huỳnh Hồng Điệp