Ông cậu của tôi

Ông cậu út của tôi tên là Nguyễn Văn Linh. Năm 1968, ông đang học lớp 9 (hệ 10 năm, cùng với bạn đi đợt đó là hai người đầu tiên trong thôn học lên đến cấp 3) thì trúng nghĩa vụ quân sự khi vừa 18 tuổi. Ông lên đường nhập ngũ cùng 3 người bạn trong thôn.
ch1dvh2f-1659859725.jpg
Một lần đến viếng Cậu út ở nghĩa trang liệt sĩ đồi 82 - Tây Ninh. Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Họ huấn luyện ở quân sự ở Bắc Giang 3 tháng, rồi đi B ngay mà không có ngày về phép. Hành quân bộ vào miền Trung rồi vượt Trường Sơn qua Lào đi tiếp qua Campuchia để vào chiến trường miền Đông Nam Bộ (qua Tây Ninh).

Trước khi đi bộ đội, chàng trai 18 ấy đã yêu một cô gái cùng tuổi, cùng thôn xinh xắn, lại giỏi giang, làm công tác Đoàn, sau này đi học kế toán và về làm ở xã.

Ngày ấy, tình yêu ngày ấy trong sáng đến rụt rè, chưa dám công khai. Họ thư qua lại lúc ông ở nơi huấn luyện và trên đường hành quân vào Nam. Nhiều năm, bà vẫn còn giữ cả xấp thư đấy!

Ông hành quân qua Lào, trước khi qua Campuchia để vào Tây Ninh thì có lá thư cuối cùng gửi về cho Bà ghi đang ở bên Lào, rồi sau đó là im bặt, họ không còn biết tin gì về nhau nữa (gia đình cũng vậy) cho đến 3 năm sau mới biết ông đã hy sinh.

Thôn có 4 người đi cùng đợt đó thì chỉ có một người về không lành lặn. Còn ba người đã vĩnh viễn nằm lại miền Đông Nam bộ trong những năm khốc liệt nhất của cuộc chiến, trong đó có 2 ông là anh em sinh đôi (con cụ Việt) họ quyết xin đi cùng một lượt bằng được.

Bà ở quê vẫn chờ đợi, mỏi mòn trông ngóng dù chẳng có tin tức gì của ông. Sau giải phóng, tháng 10 năm 1975 mới có báo tử về gia đình mới biết ông đã hy sinh từ 1972 ở rừng Trảng Bàng - Tây Ninh. Bà ở vậy. Có lẽ họ chưa từng ôm hôn nhau, chưa dám đâu! Chỉ lén nắm tay hôm đưa ông nhập ngũ thôi (nhưng tôi nghĩ có lẽ họ hôn nhau nhiều lắm qua những lá thư. ) Bây giờ Bà vẫn ở vậy đấy, Bà đã 72 tuổi rồi! Đã già rồi!

Sau giải phóng khi biết tin ông đã chết nhưng gia đình cũng chưa biết phần mộ ở đâu, giấy báo tử chỉ ghi ". . . Hy sinh ở mặt trận Phía Nam" thế thôi.

Mãi hơn 40 năm sau giải phóng Miền Nam qua nhiều liên hệ của gia đình, tìm được đồng đội của ông còn sống công tác ở tận Sài Gòn gia đình mới biết ông hy sinh trong một trận đánh ở rừng Trảng Bàng- Tây Ninh, được đồng đội vùi tạm trong rừng, sau giải phóng khi nhà nước xây dựng Nghĩa trang LS Tân Biên (NT đồi 82), Tây Ninh thì quy tập về đây, thế là chúng tôi vào thăm viếng. ông. Nay phần mộ ông vẫn ở đó cùng đồng đội (trên bia ghi rõ tên ông của tôi: LS Nguyễn Văn Linh - quê Hải Hưng). Đây là nghĩa trang liệt sĩ lớn nhất nước. Ngày tôi đến lần đầu (2016), nghĩa trang đã có gần 14.300 ngôi mộ liệt sĩ của cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, trải rộng 26.7ha trên hai quả đồi có độ cao 82m so với mực nước biển (cho nên còn có tên là NTLS đồi 82). Cây rừng, cây cổ thụ và hoa cỏ đẹp như một công viên khổng lồ được chăm sóc rất kỹ. Năm nào vào các dịp lễ, tết cũng có các đoàn do cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước dẫn đầu đến đặt vòng hoa, thắp hương viếng vong linh các Liệt sỹ. Người yêu của ông khi biết, từ quê Hưng Yên cũng đã vào thăm viếng.

Chuyện tình của họ với tôi nó như câu chuyện cổ tích ở thời hiện đại ấy các bạn, ạ . Ở đất nước hình chữ S này có không ít cuộc tình như thế đâu!

Chiến tranh đã làm cho quá nhiều người mất mát, thiệt thòi!

P/s: Cháu xin lỗi bà đã gợi lại nỗi mất mát, đau thương. Cảm ơn bà một đời hy sinh thầm lặng.

Trái tim người lính