Ông hề già

 Bùi Trung.

21/11/2021 09:07

Theo dõi trên

Gánh hát nào cũng phải có vai Hề. Hề có tên tuổi nhiều khi lương cao gấp mấy lần kép chánh. Xưa lúc Hề Râu Thanh Việt hát cho đoàn Cải Lương Cầu Ngang với giá lương "chết" 1000 đồng/đêm, trong khi Giang Tuấn (sau này đổi nghệ danh là VL) hát kép chánh lương chỉ 70 đồng.

chuye-qu1a-1637459627.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

 

Bất công là vậy nhưng đâu phải đoàn nào cũng có Hề "xịn". Danh Hài TN xưa khi theo gánh hát chỉ là người được phân công giữ cái máy đèn. Hề mà không tên tuổi mà diễn hay thì đêm sau mới có người tới xem. Hể giễu trẻ, đẹp trai ca bá xàm bá láp người ta càng khoái... Hề giễu người ta cười nhưng vô được câu vọng cổ ngọt lịm thì chỉ có Nghệ sỹ Văn Hường. Đa số các cây hài trên sân khấu đều bắt chước NS Văn Hường khi ca vọng cổ trước khi xuống xề thì phải có chữ ự... kéo dài. Người ca giống NS Văn Hường nhưng ca tới dây xề (tone La) là Hề Sa (anh cũng đã mới đi xa rồi)

Hề có giọng cười thấy... ghét là Bác Văn Chung, sau này là Bảo Chung với nụ cười kéo dài hê hê hế...

Bảo Quốc thì diễn hài hay nhăn mặt nhíu mày, Hồng Tơ thì tưng tửng với chòm râu dê. Ai xem cải lương trước 75 thì mới biết Bác Bảy Văn Chung, Danh hài Bảo Quốc, Bảo Chung, Hồng Tơ... trước khi diễn hài họ đều là kép mùi của các gánh hát thời xưa.

Đoàn hát ngoài việc có đào kép trẻ ca hay diễn giỏi phải có hề giễu hay, Đoàn cải lương NDKG thập niên 80, 90 là đoàn cấp Tỉnh dám lưu diễn toàn quốc và cũng là đoàn tỉnh duy nhất dám chen vô diễn với các đoàn tiếng tăm ở Sài Gòn, mà đêm nào cũng hết vé mới ghê. Khán giả chen nhau đến xem vì Hề Thanh Nam. Một cây hài đặc sệt kiểu Hai Lúa, cũng bằng lối diễn tỉnh rụi và ca vọng cổ rất duyên... đi đến đâu từ Nam ra Bắc bà con đều nao nức chen mua vé xem cho bằng được danh hài miền Tây kiêm luôn chức vụ Trưởng đoàn.

Đoàn Cải Lương Sông Thanh nổi tiếng cả miền hạ ngày xưa thì khác. Vai hề trong đoàn giao cho chú Văn Cứ hát hề Chánh, lúc đó chú đã gần 70 tuổi. Thấy một ông già thất thập cổ lai hy mà hát hề ai coi cũng trề cũng nhún, nói thầm đoàn này chắc hết người hát hề sao mà để ông già khú đế đóng ? Vậy mà Văn Cứ diễn như không diễn, sắc mặt tỉnh rụi như lối diễn của hề Kim Quang, đặc biệt là mỗi lần ông ca vọng cổ là khán giả vỗ tay vang trời...

Lối ca vọng cổ của chú thì phải nói là vô tiền khoáng hậu, mỗi lần ca là ca 3 câu. Vừa ca hết câu 4, đàn vừa chuyền hết 8 nhịp là Văn Cứ quất một hơi hết luôn 4 nhịp và ca liền một hơi mấy trăm chữ dứt luôn hai câu 5 & 6, tính ra một hơi mà ca dứt 2 câu lẽ 4 nhịp cũng phải tầm 5 phút. Ca như chú chỉ có anh Hai Bé dám cầm đàn còn các tay đàn cổ nhạc khác thì đàn xong mặt mày xanh dờn mồ hôi đổ đồm độp...

Sau con trai chú Văn Cứ cũng nối nghề cha mình cũng hát hề lấy nghệ danh là Văn Đô, anh diễn cũng rất duyên nhưng không tập được cách ca hơi dài như vậy... Đa số nghệ sỹ ca hơi dài đều ca dài hơi câu đầu vô vọng cổ còn chú hề già Văn Cứ thì ca dài hơi từ giữa kéo dài cho tới dứt. Mãi tới bây giờ chưa lần nào tôi được nghe ai ca lối ca dài hơi giống như chú Hề già Văn Cứ.

Bây giờ thì hài nhảm lên ngôi, lên truyền hình nói ba xàm ba láp vài câu hên thì được "Danh hài" cười là ẵm 100 triệu ngon ơ... dể dãi với tiếng cười quá đến một ngày những món ăn tinh thần giá trị sẽ thưa dần đi. Nhớ câu rao của gánh hát ngày xưa:

- "Mời bà con cô bác đến xem... hề giễu văn minh tâm lý về đến nhà ba bốn bữa ngẫm lại vẫn còn cười..."

Chợt nhớ những diễn viên Hài xưa như:

- Quái kiệt Trần Văn Trạch, Ba Vân, Tám Vân, Kim Quang, Tư Rọm, Hề Minh, Chú Bảy Văn Chung... với lối diễn tỉnh queo, diễn như không diễn. Nhưng đó là những danh hài tên tuổi ngày xưa. Riêng bà con vùng hạ từ Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu chắc vẫn còn nhớ hoài Lão Hề già Văn Cứ.

Theo Chuyện quê

Bạn đang đọc bài viết "Ông hề già" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn