Ông trùm của những huyền thoại tình báo (trích)

Ông Trần Hiệu được tình báo Anh quốc đào tạo, đưa về Việt Nam. Ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh sắc phong chức Cục trưởng Cục tình báo VMDCCH. Xin giới thiệu một quãng đời của ông Trần Hiệu khi mới tham gia cách mạng.
hai-phong-1631344710.jpg
 

Rời làng Phúc Lâm, Mỹ Đức, Hà Đông (nay là Hà Nội), ông Vũ Văn Địch (tức Trần Hiệu) trọ học tại nhà cụ Hai ở 12 Hàng Chiếu. Cụ Hai bán chiếu ở dưới nhà, gác hai cho đám học trò thuê để gắng gượng qua cơn suy thoái kinh tế hồi bấy giờ. Thấy ông Địch hay mua báo Đông Tây ( một tờ báo tiến bộ của Hoàng Tích Chu chuyên bênh vực người nghèo và đưa tin các cuộc bãi công của thợ thuyền), người con út của cụ Hai là ông Lã Phạm Thái ( một người hoạt động cách mạng ) tìm cách gần gũi và vận động ông Địch tham gia Đoàn Thanh niên cộng sản. Ông Thái không ngờ rằng ngay từ khi còn ở quê, ông Địch đã tham gia tích cực các hoạt động ủng hộ Phan Bội Châu và tổ chức tưởng nhớ ông Phan Chu Chinh do thày giáo Hồ Năng Ngôn tổ chức cho các trò của mình.

 Tháng 4 năm 1930, ông Địch (tên khai sinh của ông Trần Hiệu) tham gia Đoàn Thanh niên Cộng sản, sinh hoạt trong tổ 3 người gồm ông, ông Thái và một người là con cụ đồ tên là Chiểu chuyên dạy chữ Nho ở các trường công.

Ông Địch đã cùng mọi người tham gia các hoạt động hưởng ứng cách mạng Việt Nam tại Hà Nội và trực tiếp rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm nhân ngày thành lập Đảng cộng sản tại phố Hàng Than và trường Bờ Sông. Đúng ngày 1/5/1930, ông được giao nhiệm vụ rải truyền đơn trước Nhà máy nước đá Bờ Sông. Vốn nhanh nhẹn và thông minh, ông đã tung được truyền đơn ủng hộ cộng sản đúng lúc cửa nhà máy nước đá tập trung đông người nhất.

Cũng dịp này, khắp Hà Nội đều đồng loạt rải truyền đơn và treo cờ Búa liềm khiến chính quyền Bảo hộ phải tăng cường bắt bớ và đàn áp phong trào. Ông Khôi ở nhà số 11 Hàng Chiếu bị bắt khi đang rải truyền đơn và treo cờ ở Nhà máy điện Bờ Hồ. Bị tra tấn, ông Khôi khai ra các đồng đội ở tổ mình và khai cả ông Thái, người mà ông Khôi đã từng hoạt động cùng. Ông Địch bị mất liên lạc với tổ chức vì người phụ trách trực tiếp là ông Thái đã bị bắt giam.

Trong thời gian tạm lánh ở quê, ông phát bệnh tê thấp khiến chân tay bị co quắp, đành phải bỏ dở việc học niên khóa 1931-1932. Cụ Chánh tổng Sạ lại vái tứ phương để lo chữa bệnh cho ông con trưởng. Cụ cầu kỳ nhờ người lên mạn ngược mua được mười lạng cao Hổ chính hiệu để ông Địch dùng nên bệnh cũng dần dần thuyên giảm.

ong-trum-tinh-bao-1631344734.jpg
 

Khỏi bệnh, ông lại lên Hà Nội, theo học trường Sinh Từ và lấy bằng tốt nghiệp Certificat dÉtudes Primaire Franco – Indigéne ( Gọi tắt là CEPFI) ở trường này.

Được ông Năm là bạn ông Úy (con ông bác) giới thiệu, vừa học ông vừa làm thêm công việc tại xưởng sửa chữa xe và cơ kim khí Tâm Thành ở phố Hàng Bún. Việc không lương nhưng được nuôi ăn, đỡ rất nhiều cho gia đình khi phải mang thêm công nợ do vay mượn để chữa bệnh cho con.

Năm 1935 ông thi đỗ vào trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng. Lớp ông lúc đấy có 6 người, đào tạo trong 10 tháng nghề vận hành và sửa chữa ô tô ray ( Autorail) để phục vụ nhu cầu cấp thiết của tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng.

Do đã từng tiếp xúc với việc sửa xe ở xưởng Tâm Thành trên Hà Nội nên ông tiếp thu bài học rất nhanh, luôn là học sinh giỏi của khóa. Giám đốc nhà trường Can Bonlive đã ngỏ ý sẽ giữ ông ở lại sau khi tốt nghiệp để làm lái xe riêng cho mình.

Để kiếm thêm đỡ đần gánh nặng việc học cho gia đình, ông cùng người bạn tên Thắng rủ nhau viết truyện ba xu ( thể loại phỏng theo truyện kiếm hiệp) để đăng trên tờ báo của trường. Tờ này do ông Quyết và ông Toa (học nghề mộc) xuất bản. (Ông Quyết sau là Thứ trưởng Bộ Y tế - có tài liệu lại ghi ông Quyết chính là Đại tướng Nguyễn Quyết). Lối phóng tác dân dã vui nhộn của các ông khi viết truyện ba xu đã cuốn hút các học sinh, góp phần để những vấn đề tờ báo nêu ra về chế độ quản lý hà khắc của nhà trường, hiện tượng bớt xén, ăn chặn của học sinh được đưa ra công khai. Học sinh trường Kỹ nghệ thực hành khóa đấy, ai cũng nghĩ ông Địch là nhà văn trước khi vào trường.

Gần hết khóa học, ông viết một bài tố cáo giám thị Viễn chuyên ức hiếp các học sinh, đồng thời lên án Ban giám đốc trường bao che dung túng cho những việc làm xấu xa của giám thị Viễn. Mọi người xúm vào đọc và ai cũng hả hê khi tờ báo của trường dám lên tiếng đả kích một vị giám thị đầy uy quyền như ông Viễn. Biết chuyện, giám đốc Can Bonlive cho người gọi ông lên phòng và giáng cái bạt tai khiến ông gục ngã rồi ra lệnh đuổi học khi ông chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc khóa học.

Về Hà Nội, thời kỳ đầu ông ở cùng nhà với anh em họ ở làng ra trọ học tại nhà số 108 Yên Phụ. Sẵn tay nghề, ông xin được chân phụ việc bảo dưỡng ô tô với mức lương từ 3 đến 4 đồng Đông Dương.

Nhanh nhẹn, có học, ông được nhà buôn Thịnh Lợi ở phố Hàng Bồ nhận vào làm giúp việc với mức lương tháng 6 đồng, ăn cơm cùng gia đình chủ. Khách buôn ở xa về, ông nhiệt tình giúp họ nhận và kiểm hàng, rồi đóng gói mang ra ga xe lửa. Những khoản tiền cảm ơn của khách giúp ông có thêm điều kiện giúp nhóm anh em đang trọ học ở Yên Phụ và gửi tiền phụ vợ chăm cậu con trai đầu lòng sinh ngày 12/10/1935 là Vũ Mạnh Kha. Ông Vũ Mạnh Kha sau là Phó chủ tịch UBND, Chủ tịch MTTQ thành phố Hà Nội.

 

Theo trái tim người lính