PGS.TS Trần Trọng Dương và giấc mơ đưa di sản đến tương lai

PGS.TS. Trần Trọng Dương hiện đang công tác tại Viện Hán Nôm thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và cũng là thành viên của nhóm nghiên cứu ứng dụng di sản vào đời sống Sen Heritage với những hoạt động, kết quả đáng ghi nhận.

PGS.TS. Trần Trọng Dương được biết đến như một nhà nghiên cứu lịch sử và các biểu tượng văn hoá cổ. Ông hiện đang công tác tại Viện Hán Nôm thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và cũng là thành viên của nhóm nghiên cứu ứng dụng di sản vào đời sống Sen Heritage với những hoạt động, kết quả đáng ghi nhận. Ông có những chia sẻ với báo điện tử VOV về các kết quả này cũng như hành trình đến với số hoá di sản.

PV: Thưa PGS.TS Trần Trọng Dương, được biết tới đây trong chuỗi hoạt động nhân ngày Khoa học công nghệ 2021 diễn ra ngày 12/6 với chủ đề “Đổi mới sáng tạo để kiến tạo tương lai”, ông có tham gia bài giảng xung quanh vấn đề công nghệ sản xuất vaccine. Ông có thể cho biết câu chuyện xuất phát như thế nào? 

PGS.TS Trần Trọng Dương: Việc hết sức ngẫu nhiên là năm 2011, tôi cùng thầy Nguyễn Hùng Vĩ và một số bạn bè đưa nhà sử học người Mỹ gốc Việt -  Tạ Chí Đại Trường đi nghiên cứu cột đá Chùa Dạm. Thầy tôi phản bác ý kiến của nhà sử học Tạ Chí Đại Trường khi cho rằng cột đá đó không phải là một linga (dương vật) mà là một phế tích kiến trúc. Cuối năm đó, sư trụ trì của Một Cột kêu cứu hỗ trợ vì chùa dột, khiến thầy phải mặc áo mưa cho tượng. Vì thế, tôi tò mò đọc lại văn bia Sùng Thiện Diên Linh (khắc năm 1121) để xem có thể giúp ích được gì đó cho sư thày hay không. Cuối cùng, tôi chẳng giúp được gì cho việc lợp lại chùa cả, mà mải miết đi theo những gì văn bia ghi chép. Văn bia ấy đã mở ra cho tôi một chân trời của sử liệu, cho thấy quá khứ của chùa Một Cột thời Lý khác quá xa so với ngày nay. Từ đó, tôi đã nghiên cứu và công bố nhiều bài viết, cho rằng: chùa Một Cột không phải là chùa, mà là một Tháp Phật, cột đá chùa Dạm không phải là linga mà là một phế tích Tháp Một Cột duy nhất thời Lý hiện còn. Từ cứ liệu khảo cổ và bi ký ấy, sau mười năm nghiền ngẫm, thử nghiệm, cuối cùng, tôi cùng các anh em trong Sen Heritage đã hiện thực hóa giấc mơ, biến giả thuyết khoa học của tôi trở thành một sản phẩm “số hóa di sản”, hay một phỏng dựng về chùa Một Cột thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo.

PV: Trong nhóm Sen Heritage, ba người sáng lập và dẫn đầu gồm Nhà thiết kế Trần Thanh Tùng (CEO Hội quán Di sản) - Phụ trách sản phẩm thực, KTS Đinh Anh Tuấn (CEO VNi, Holomia) làm công nghệ, còn ông phụ trách phần khoa học. Tiêu chí hoạt động Sen Heritage trên con đường số hóa di sản là như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Trần Trọng Dương: Ba Leader của Sen Heritage hiện nay đang tạo ra thế chân kiềng. Mỗi người có sở trường riêng, thế mạnh riêng, và bổ trợ cho nhau. Dưới 3 Leader là đội ngũ hai ba chục anh em gồm: các kĩ sư, kiến trúc sư, các nhà thiết kế, họa sĩ, nhà làm film,... Sen Heritage, dù chỉ là một nhóm hoạt động phi lợi nhuận, nhưng luôn xác định chủ trương lấy công nghệ làm mũi nhọn, khoa học làm nền tảng, văn hóa làm trung tâm, con người làm chủ thể. Từ những mảnh vỡ quá khứ, Sen Heritage đã đưa ra các giả thuyết khoa học, và chưng cất những giá trị văn hóa truyền thống để tái đầu tư vào đời sống văn hóa Việt Nam đương đại. Tiếng nói của Sen Heritage là tiếng nói của Khoa học của Văn hóa, thể hiện cụ thể qua Công trình nghiên cứu - Công nghệ ứng dụng - Sản phẩm tái lập.

PV: Công việc nghiên cứu Minh văn (văn khắc) tại Viện Hán Nôm những năm qua giúp ích gì cho ông trên hành trình số hóa di sản?

PGS.TS Trần Trọng Dương: Nghề làm khoa học vốn rất là thầm lặng và cô đơn, nhất là ở các chuyên ngành hẹp như Hán học hay Nôm học của chúng tôi. Chúng tôi đi nghiên cứu những thứ mà không còn mấy ai biết đến, không ai đọc được, không ai hiểu được. Những nền văn hóa đồ sộ của quá khứ Việt Nam, cũng như Đông Á, trải quan vài ba ngàn năm, với mọi lĩnh vực từ thiên văn học, phương thuật, nông học, toán học, âm nhạc, nghệ thuật, triết học, văn chương,... Có quá nhiều thứ bị đứt gãy và lãng quên, vì vậy những nhà nghiên cứu như những con ong thợ, nhặt nhạnh những mảnh vụn từ lịch sử, những mảnh vỡ khảo cổ, cố gắng tái lập, nghiên cứu, để chưng cất những giá trị văn hóa của quá khứ và đưa đến cho xã hội ngày nay.

Đó là một nỗ lực để vượt thoát khỏi nỗi cô đơn chuyên môn, và phổ biến các tri thức khoa học đến với cuộc sống đương đại. Công việc nhặt nhạnh các mảnh vụn bi ký, khảo cổ, việc nghiên cứu các hệ thống tư tưởng Phật giáo kết hợp với công nghệ thực tế ảo để dựng lại chùa Một Cột thời Lý năm 1105 là một hành trình của giấc mơ. Ban đầu, đó chỉ là một hoạt động đơn lẻ, nhưng đến bây giờ thì những đốm lửa đã gộp lại để tiếp tục đi đến những giấc mơ lớn hơn: “Tái lập di sản Đại Việt: đem quá khứ tới tương lai”.

PV: “Tái lập Văn Minh Đại Việt” là slogan của Sen Heritage. Chìa khóa của slogan này là gì và đường hướng của nhóm có những mở mang hay khúc quanh nào so với dự định ban đầu?

PGS.TS Trần Trọng Dương: Các thành viên của Sen Heritage đều là những người yêu văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật giai đoạn Lý Trần. Niềm đam mê chung ấy như một ngọn lửa, để chúng tôi tiến lên phía trước. Từ dự án khởi đầu là bản phỏng dựng chùa Diên Hựu, cho đến việc phục dựng Tu Di đài và Tu Di đăng thời Lý, đó đều là những công việc muốn tái lập (reconstruct) lại lịch sử văn hóa Đại Việt thông qua những hiện vật, các công trình kiến trúc cụ thể. Bởi nghệ thuật Lý Trần, theo chúng tôi, là một đỉnh cao của văn hóa Đại Việt và Đông Á vào giai đoạn đó. Nghệ thuật thời Lý tinh mỹ về chi tiết, thống nhất về tư tưởng, giàu có về nội hàm, hùng tráng về quy mô. Đó là một nền văn hóa đã phai tàn, đã trở thành cát bụi, đến mức người Việt hiện nay đa phần xa lạ với nó. Vì thế, Sen Heritage mới lấy chủ trương tái lập văn minh Đại Việt, nhằm để lan tỏa các nét đẹp văn hóa thời Lý đến với xã hội ngày nay.

PV: Nhiều năm nay, Viện Nghiên cứu Hán Nôm nơi ông công tác đã thực hiện số hóa nhiều công trình di sản tư liệu chữ viết cổ của Việt Nam. Trên con đường quen thuộc này, nhóm đã có những cách làm mới nào?

PGS.TS Trần Trọng Dương: Thực ra cơ quan tôi chủ yếu là làm công tác scan tư liệu cổ, nhằm mục đích nhân bản, bảo tồn các tư liệu chữ viết truyền thống của Việt Nam. Lĩnh vực chuyên biệt của nhân văn số thức (digital humanities) ấy khiến tôi thấy rằng việc số hóa vô cùng quan trọng. Đặc biệt trong thời đại 4.0, việc số hóa khiến cho thay đổi toàn bộ triết lý, phương thức hoạt động của nền khoa học. Như ngành Hán Nôm của tôi chẳng hạn, chúng tôi có thể sử dụng các bản số hóa cơ sở dữ liệu lớn, có thể tìm kiếm trong tích tắc các thông tin sử liệu trong  hàng chục triệu lượt chữ. Ví dụ, tôi tìm một từ khóa “rồng” chẳng hạn, sẽ có vài ngàn kết quả ngữ liệu. tôi hay nói đùa với mọi người rằng, một lần enter bằng 4000 ngàn năm đọc sách. Chính vì thế, tôi đã dần chuyển sang việc áp dụng công nghệ (VR-AR) để hiện thực hóa các giả thuyết khoa học, tái lập lại các công trình kiến trúc cổ không còn tồn tại trên mặt đất. Các sản phẩm VR- AR chùa Một Cột chẳng hạn, nó vừa là một bảo tàng số thức, vừa là triển lãm ảo, lại vừa là một cỗ máy thời gian để học sinh sinh viên có thể quay ngược 900 năm trở về quá khứ. Dĩ nhiên, quá khứ đó chỉ là một giả thuyết do chúng tôi dựng nên, nó không bao giờ có thể chính xác 100%, nhưng dẫu sao nó vẫn dựa trên các tư liệu, bi ký, khảo cổ, để có thể đưa quá khứ đến với hiện tại và tương lai.

PV: Những bản phỏng dựng Chùa Một Cột hay gần đây là Đài đèn thời Lý và Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý nhận được sự quan tâm của công chúng. Ghi nhận giá trị soi chiếu lịch sử, di tích nhưng nhiều người vẫn kỳ vọng về tính ứng dựng của công nghệ thực tế ảo các di sản. Đó có đang là điều mà PGS.TS Trần Trọng Dương và các cộng sự  quan tâm?

PGS.TS Trần Trọng Dương: Đương nhiên rồi, Sen Heritage ngoài việc lấy khoa học làm nền tảng, thì chúng tôi luôn trăn trở làm sao để có thể đưa các kết quả khoa học hàn lâm đến với xã hội. Viết một cuốn sách “như Kiến Trúc Một Cột thời LÝ (2013) được in 2000 bản) thì nó vẫn chỉ là một sản phẩm khoa học, không mấy người đọc, hoặc hiểu được nó. Vì thế, chúng tôi đã “tái lập” lại toàn bộ kiến trúc chùa Một Cột thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo, từ những mảnh vỡ khảo cổ, để người Việt Nam của thế kỷ 21 có thể bước đi trong lịch sử, có thể chạm vào lịch sử. Sản phẩm chính của Sen Heritage là các bản thiết kế công trình kiến trúc, các di sản văn hóa: điêu khắc, tượng pháp, các vật phẩm văn hóa, các sản phẩm khoa học thực tế ảo VR3D - thực tế tăng cường, Web app Tour360. Các sản phẩm này phục vụ công tác bảo tàng (trình bày thực tế ảo, thuyết minh), phục vụ giáo dục kiến thức lịch sử văn hóa truyền thống Việt Nam trong nhà trường, ...áp dụng cho các chương trình, sự kiện, lễ hội quảng bá Di sản văn hóa Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!