Quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là sự lựa chọn đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và nhân dân ta, phù hợp với xu thế vận động tiến bộ của thời đại và điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam.
Trong những năm qua, đặc biệt là sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, rất nhiều người đã hoài nghi tính đúng đắn của Học thuyết Mác – Lênin về chủ nghĩa xã hội, về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa; thậm chí, có không ít luận điểm phản bác về quan điểm này, cho rằng không có thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và sau Đại hội XIII không nên nói đến từ chủ nghĩa xã hội nữa! Liệu chăng luận điểm này là đúng?
Chúng ta có phản biện như thế nào với luận điểm đó, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
1. Lý luận về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của chủ nghĩa Mác -Lênin
Xuất phát từ quan điểm sản xuất vật chất là cơ sở của đời sống xã hội, phương thức sản xuất quyết định các mặt của đời sống xã hội, đồng thời là cơ sở quyết định sự hình thành, phát triển, thay thế lẫn nhau giữa các hình thái kinh tế - xã hội, C. Mác và Ăngghen đã làm sáng tỏ, xã hội loài người đã và sẽ trải qua 5 hình thái kinh tế - xã hội từ thấp đến cao[1]: từ cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, TBCN và đỉnh cao, tiến bộ nhất là cộng sản chủ nghĩa (CSCN). Các Ông khẳng định, giữa các hình thái ấy luôn có một thời kỳ chuyển tiếp được gọi là TKQĐ. Và sự phát triển “tuần tự” hay “bỏ qua” một hình thái kinh tế - xã hội đều là quá trình lịch sử - tự nhiên. C. Mác đã viết: “Tôi coi sự phát triển của những hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên”[2].
C.Mác và Ph. Ăngghen cho rằng: “Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị, và nhà nước của thời kỳ ấy không thể là cái gì khác hơn là nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản” [3]. Thực chất xã hội thời kỳ đó “không phải là một xã hội cộng sảnchủ nghĩa đã phát triển trên những cơ sở của chính nó, mà trái lại là một xã hội cộng sản chủ nghĩa vừa thoát thai từ xã hội tư bản chủ nghĩa, do đó là một xã hội, về mọi phương diện - kinh tế, đạo đức, tinh thần - còn mang những dấu vết của xã hội cũ mà nó đã lọt lòng ra”[4]. “Một xã hội, ngay cả khi đã phát hiện được quy luật tự nhiên của sự vận động của nó… cũng không thể nào nhảy qua các giai đoạn phát triển tự nhiên hay dùng sắc lệnh để xóa bỏ những giai đoạn đó. Nhưng nó có thể rút ngắn và làm dịu bớt những cơn đau đẻ”[5].
Thống nhất quan điểm với C. Mác và Ph. Ăngghen, V.I. Lênin đã phân chia quá trình hình thành, phát triển của hình thái kinh tế - xã hội CNCS thành một thời kỳ và hai giai đoạn: I “những cơn đau đẻ kéo dài”, đó chính là TKQĐ từ xã hội TBCN lên xã hội XHCN (II “giai đoạn đầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa”), III “giai đoạn cao của xã hội cộng sản chủ nghĩa”. Ở đó, xác định: “giai đoạn đầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa, là xã hội vừa thoát thai từ xã hội tư bản chủ nghĩa sau những cơn đau đẻ kéo dài”[6]. I “những cơn đau đẻ kéo dài”, đó chính là TKQĐ từ xã hội TBCN lên xã hội XHCN (II “giai đoạn đầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa”), giai đoạn đầu của CNCS (III “giai đoạn cao của xã hội cộng sản chủ nghĩa”).
Và Ông đã đưa ra khái niệm về thời kỳ quá độ từ CNTB lên CNXH, đó là: “Về lý luận, không thể nghi ngờ gì được rằng giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản, có một thời kỳ quá độ nhất định. Thời kỳ đó không thể không bao gồm những đặc điểm hoặc đặc trưng của cả hai kết cấu kinh tế xã hội ấy.
Thời kỳ quá độ ấy không thể nào lại không phải là một thời kỳ đấu tranh giữa chủ nghĩa tư bản đang giãy chết và chủ nghĩa cộng sản đang phát sinh, hay nói một cách khác, giữa chủ nghĩa tư bản đã bị đánh bại nhưng chưa bị tiêu diệt hẳn, và chủ nghĩa cộng sản đã phát sinh nhưng vẫn còn rất non yếu”[7]. Trên cơ sở thực tiễn những năm đầu của TKQĐ lên CNXH ở nước Nga Xô viết, V.I.Lênin đã kết luận một cách khoa học: “Tất cả các dân tộc đều sẽ đi đến chủ nghĩa xã hội, đó là điều không tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ, vào loại này hay loại khác của chuyên chính vô sản, vào nhịp độ này hay nhịp độ khác của việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các mặt khác nhau của đời sống xã hội” [10]… Từ đó, xác lập nên hai hình thức cơ bản của TKQĐ lên CNXH: Quá độ trực tiếp - từ những nước tư bản phát triển lên CNXH và Quá độ gián tiếp - từ những nước chưa qua giai đoạn phát triển TBCN lên CNXH.
Ở hình thức quá độ gián tiếp - quá độ bỏ qua chế độ CNTB lên CNXH, V.I.Lênin chỉ ra, nhiệm vụ của TKQĐ sẽ nặng nề, khó khăn, phức tạp hơn, bởi phải thực hiện “kép” cả hai nhiệm vụ là xây dựng CNXH về mặt chính trị, xã hội và đạt được những thành tựu cơ bản của CNTB về mặt khoa học, lực lượng và trình độ sản xuất. Đồng thời, Ông nhấn mạnh: “Suốt cả thời kỳ đó, trong chính sách của chúng ta, lại chia ra thành nhiều bước quá độ nhỏ hơn nữa. Và tất cả cái khó khăn của nhiệm vụ chúng ta phải làm, tất cả cái khó khăn của chính sách và tất cả sự khéo léo của chính sách là ở chỗ biết tính đến nhiệm vụ đặc thù của từng bước quá độ đó” [11]. Như vậy, đòi hỏi sự cần thiết phải trải qua nhiều bước trung gian, quá độ mới có thể xây dựng thành công CNXH, ví như, phải “bắc những nhịp cầu nhỏ” đi xuyên qua kinh tế tư bản để từng bước xây dựng CNXH, và “chúng ta phải hiểu những đường lối, thể thức, thủ đoạn và phương sách trung gian cần thiết để chuyển từ những quan hệ tiền tư bản chủ nghĩa lên chủ nghĩa xã hội. Đó là mấu chốt của vấn đề”[12].
2. Quan điểm về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam
Khẳng định con đường tất yếu đi lên CNXH và CNCS của cách mạng Việt Nam là theo quy luật chung được chủ nghĩa Mác – Lênin phát hiện ra: “Tất cả các dân tộc đều sẽ đi đến chủ nghĩa xã hội”. Đảng ta xác định, TKQĐ lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN là thời kỳ lâu dài với nhiều chặng đường khó khăn, phức tạp với những dấu ấn, đặc trưng của cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu: “đặc điểm to nhất của ta trong thời kỳ quá độ là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”[13]. Đây là “một thời kỳ cải biến cách mạng sâu sắc, toàn diện, triệt để nhằm xây dựng từ đầu một chế độ xã hội mới cả về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng” [14]; “là sự nghiệp rất khó khăn, phức tạp, cho nên phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều chặng đường, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội có tính chất quá độ” [15].
Trong Cương lĩnh đầu tiên (năm 1930), Đảng ta xác định: “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”; và Cương lĩnh (Bổ sung, phát triển năm 2011) chỉ ra: “Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”; “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản ViệtNam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh… Đây là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức kinh tế, xã hội đan xen” [16].
Thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam được Đảng ta xác định: “quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tức là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt về khoa học và công nghệ, để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại” [17]. Đó là bước phát triển mới và quan trọng về nhận thức khi lựa chọn con đường quá độ lên CNXH của Đảng ta.
Hơn nữa, Đảng ta lại tiến xa hơn, cụ thể hóa, xác lập nên các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể ở những chặng đường khác nhau của TKQĐ lên CNXH ở Việt Nam mặc dù thừa nhận định tính phổ quát về kinh tế, chính trị, xã hội của TKQĐ lên CNXH như chủ nghĩa Mác - Lênin xác định.
Sau khi Miền Nam được giải phóng, đất nước hoàn thành thống nhất, đất nước ta ở “chặng đường đầu tiên” quá độ đi lên CNXH, Đại hội IV xác định: “nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng… mà cách mạng kỹ thuật là then chốt”; công nghiệp hóa XHCN là “nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ, nhằm xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội” [18].
Đến Đại hội VI, Đảng ta tiếp tục xác định “mục tiêu tổng quát của những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường tiếp theo” [19].
Tại Cương lĩnh năm 1991, Đảng ta đã xác định: “Mục tiêu tổng quát phải đạt tới khi kết thúc thời kỳ quá độ là xây dựng xong về cơ bản những cơ sở kinh tế của chủ nghĩa xã hội, với kiến trúc thượng tầng về chính trị và tư tưởng, văn hoá phù hợp, làm cho nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh”[20].Tại Đại hội VIII (1996), Đảng ta xác định: “thế và lực của đất nước ta đã có sự biến đổi rõ rệt về chất. Nước ta đã ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng… tạo được tiền đề cần thiết để chuyển sang thời kỳ phát triển mới: đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” [21]. Từ Đại hội VIII đến Đại hội XI, Đảng ta xác định mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, nhằm “tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau” [22].
Tại Đại hội XI, Đảng ta đã đề ra: “Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”. Do vậy, mục tiêu cụ thể “để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau” của TKQĐ lên CNXH hiện nay chính là: “Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” [23], như Cương lĩnh (Bổ sung, phát triển năm 2011) xác định, và Đại hội XII, XIII tiếp tục bổ sung, cụ thể hóa rõ hơn, đó là: “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” [24].
Trên cơ sở những mô hình khái lược về xây dựng CNXH ở những nước có trình độ phát triển và xuất phát điểm khác nhau trong TKQĐ lên CNXH mà chủ nghĩa Mác - Lênin đã vạch ra, Đảng ta đã tiếp thu có chọn lọc, vận dụng sáng tạo, đồng thời, bổ sung, phát triển phù hợp đặc điểm chung và tình hình cụ thể ở mỗi chặng đường quá độ đi lên CNXH ở Việt Nam. Đúc kết những mục tiêu, mô hình đã định ra và xây dựng ở chặng đường đầu TKQĐ lên CNXH, tổng kết thành tựu trong quá trình xây dựng đất nước trong “thời kỳ phát triển mới”, đồng thời định hướng cho “giai đoạn sau” đến giữa thế kỷ XXI,
Đại hội X và XI, Đảng ta xác định XHCN mà nhân dân ra xây dựng có 8 đặc trưng là: “một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóngkhỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản” [25]. Đất nước mà Đảng ta xác định xây dựng và phát triển như vậy, ai là người dân Việt Nam mà không mong muốn hướng tới, không mong muốn được hưởng cuộc sống như thế?
3. Khái quát thành tựu về thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay
Quá độ lên CNXH, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam là con đường tất yếu và đúng đắn mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.
Đó là một quá trình lịch sử lâu dài với những bước đi và giải pháp phù hợp với điều kiện và trình độ của xã hội nước ta từ sản xuất nhỏ là phổ biến đi lên CNXH. Hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và thực hiện Cương lĩnh của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử cả về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, không ngừng cải thiện đời sống, mức sống và chất lượng cuộc sống của nhân dân. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế như ngày nay”[26]. Kinh tế phát triển, lực lượng sản xuất được tăng cường; nghèo đói giảm nhanh, liên tục; đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng; thế và lực của quốc gia được tăng cường; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố. Những thành tựu đạt được đó đã chứng minh tính đúng đắn của trong từng bước đi của Đảng ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Đến nay, lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Xã hội XHCN mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
Một số chỉ tiêu đạt được về kinh tế, đó là: Mức tăng trưởng trung bình trong hơn 35 năm qua khoảng 7% mỗi năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 342,7 tỉ đôla Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008.
Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay, Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Công nghiệp phát triển khá nhanh, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ liên tục tăng và hiện nay chiếm khoảng 85% GDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2020 đạt trên 540 tỉ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 280 tỉ USD. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỉ USD vào năm 2020. Đầu tư nước ngoài tăng nhanh, đăng ký đạt gần 395 tỉ USD vào cuối năm 2020. Về cơ cấu nền kinh tế xét trên phương diện quan hệ sở hữu, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam hiện nay gồm khoảng 27% từ kinh tế nhà nước, 4% từ kinh tế tập thể, 30% từ kinh tế hộ, 10% từ kinh tế tư nhân trong nước và 20% từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài …[27].
Những thành tựu đạt được trong hơn 35 năm đổi mới là vô cùng to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Kết quả đó khẳng định, quá độ lên CNXH, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở nước ta đã được thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng là đúng đắn, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu: “Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”[28].
Trong bài phát biểu tại Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta…” Đại hội XIII của Đảng chính là một cột mốc quan trọng trong lịch sử Đảng, đánh dấu cả một quá trình hình thành, bổ sung, phát triển cũng như đúc kết những vấn đề lý luận cơ bản, toàn diện về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Trong đó, lý luận về TKQĐ lên CNXH của chủ nghĩa Mác - Lênin đã được Đảng ta trung thành và vận dụng sáng tạo không ngừng, đem lại tư duy, nhận thức mới về CNXH ở Việt Nam; đồng thời, mở ra một thời kỳ phát triển mới của dân tộc Việt Nam trên con đường đi lên CNXH./.
[1] Cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.[2],[5] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.21,21.
[3], [4] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 19, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.47, 33.
[6] V.I.Lênin: Toàn tập, tập 33, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.223.
[7] V.I.Lênin: Toàn tập, tập 39, Sđd, 2005, tr.309-310.
[8] V.I.Lênin: Toàn tập, tập 38, Sđd, 2006, tr.464.
[9] V.I.Lênin: Toàn tập, tập 44, Sđd, 2006, tr.197.
[10] V.I.Lênin: Toàn tập, tập 30, Sđd, 2006, tr.160.
[11] V.I.Lênin: Toàn tập, tập 40, Sđd, 2006, tr.119-120.
[12] V.I.Lênin: Toàn tập, tập 43, Sđd, 2005, tr.274
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2001, tr.411.
[14], [19] Văn kiện Đảng: Toàn tập, tập 47, Sđd, 2006, tr.374, 376.
[15], [17] Văn kiện Đảng: Toàn tập, tập 60, Sđd, 2016, tr.31, 30-31.
[18] Văn kiện Đảng: Toàn tập, tập 36, Sđd, 2004, tr.60-61.
[20], [21] Văn kiện Đảng: Toàn tập, tập 51, Sđd, 2007, tr.136-137, 311.
[16], [22], [23] ,[25] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.70, 103, 71, 70.
[24], [27] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.35-36, 36.
[26]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.20.
[28] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2022, tr. 31.