Xây dựng môi trường văn hóa từ cơ sở

Năm 2022 toàn ngành Văn hóa tập trung xây dựng môi trường văn hóa, coi đây là một trong những yêu cầu có tính chất sống còn để quyết định nhiệm vụ chấn hưng văn hóa.

Tại cuộc gặp mặt, chúc Tết đại diện văn nghệ sỹ tiêu biểu Xuân Nhâm Dần 2022 diễn ra ngày 20/1 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Năm 2021, dù trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tình đồng chí, nghĩa đồng bào tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, sự đoàn kết, gắn bó, yêu thương, chia sẻ của dân tộc được nhân lên thành sức mạnh mềm của văn hóa. Bằng văn hóa và từ văn hóa, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao đã có sự đổi mới trong cách thức tổ chức, thông qua các nền tảng công nghệ số, mạng xã hội, mang đến “liều vaccine tinh thần” phục vụ, cổ vũ nhân dân cùng nhau đoàn kết, vượt qua đại dịch... 

Chú thích ảnh Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phát biểu. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

 

Năm 2021, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 với 11 nội dung và 7 đề án lớn. Trách nhiệm của ngành văn hóa là phải cụ thể hóa hành động của từng năm, trong đó năm 2022 toàn ngành tập trung xây dựng môi trường văn hóa, coi đây là một trong những yêu cầu có tính chất sống còn để quyết định nhiệm vụ chấn hưng văn hóa. Nói rộng ra là phải có hệ sinh thái văn hóa.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, nếu không có môi trường văn hóa thì không thể rèn giũa, hun đúc được con người văn hóa. Nhưng môi trường văn hóa rất rộng, nên chúng ta tiếp cận theo hướng làm điểm để nhân rộng, vì vậy chọn môi trường văn hóa cơ sở, lấy khu phố, làng bản là nơi tác nghiệp của toàn ngành với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa để xây dựng, khắc phục cho được bệnh thành tích. Các làng văn hóa, thôn văn hóa, gia đình văn hóa đi vào thực chất, nhưng không phải đi theo một khuôn mẫu định sẵn. Bộ không ban hành bộ khuôn mẫu cho từng thôn, bản, làng của toàn quốc mà chuyển giao cho chính quyền địa phương bởi văn hóa của từng vùng miền có những nét riêng biệt, sự thống nhất trong đa dạng mới là cơ bản...

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nhấn mạnh, vấn đề phát triển nghệ thuật không chỉ hướng đến nghệ thuật tinh hoa, đỉnh cao, mà còn phải hết sức chú ý đến nghệ thuật quần chúng. Từ những phong trào nghệ thuật quần chúng, phát hiện tạo ra nghệ thuật tinh hoa; các hội diễn, liên hoan không chỉ dành cho văn nghệ sỹ chuyên nghiệp. Các sân chơi dành cho văn nghệ quần chúng là đa dạng, phong phú các sáng tạo bởi nhân dân chính là chủ thể sáng tạo văn hóa...

Bộ tiếp tục chăm lo đội ngũ làm công tác văn hóa, bởi có cán bộ mới có phong trào, mới tổ chức vận hành được các nội dung, ngoài sắp xếp bộ máy, phải quản lý nhà nước đồng hành với các cơ quan khác. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, trong thời gian tới, đội ngũ văn nghệ sỹ cũng phải nỗ lực để có những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, bắt đầu từ chất liệu của cuộc sống. Muốn thế phải đưa văn nghệ sỹ “tắm mình” trong thực tế sinh động của đất nước, kinh tế, văn hóa, tạo ra không gian sáng tạo cho tất cả các văn nghệ sỹ. Năm 2022, cố gắng tổ chức Trại sáng tác quy mô toàn quốc, có chiều sâu, đủ độ dài cho đội ngũ văn nghệ sỹ sáng tác...

Chú thích ảnh Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam thay mặt các văn nghệ sĩ phát biểu. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

 

Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam chia sẻ: Đội ngũ văn nghệ sỹ đã có những đóng góp vào công cuộc chấn hưng văn hóa như lời Tổng Bí thư đã nói trong Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Lực lượng nền tảng đóng góp cho sự phát triển của nền văn nghệ Việt Nam chính là những người xây dựng Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Giữa 2 bên có sự phối hợp rất chặt chẽ, hiệu quả, tổ chức nhiều hoạt động liên hoan, hội diễn, Festival trong nước, quốc tế. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông qua Trung tâm hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật với hàng loạt cơ sở sáng tác toàn quốc đã giúp đội ngũ văn nghệ sỹ Trung và 63 tỉnh, thành phố hàng năm có điều kiện tốt nhất sáng tác, chính từ cơ sở này đã ra đời nhiều tác phẩm chất lượng ở các thể loại...

Chú thích ảnh Tiết mục "Chào Việt Nam" dưới sự thể hiện của các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuậ đương đại Việt Nam. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

 

Trong thời gian tới, các văn nghệ sỹ toàn quốc sẽ nỗ lực đóng góp vào Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn học nghệ thuật hướng tới 100 năm ngày thành lập Đảng và 90 năm thành lập nước, đề xuất Chính phủ xây dựng Luật Văn học nghệ thuật...