Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhiệm kỳ 2016-2021 Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 |
Bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, trên cơ sở tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô bền vững, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục có hiệu quả tác động của đại dịch COVID-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế.
Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân. Từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, tinh thần xuyên suốt là “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Trong quá trình phát triển đất nước, luôn quan tâm bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu (tăng 2 chỉ tiêu so giai đoạn 2016-2020), với 8 chỉ tiêu về kinh tế, 9 chỉ tiêu về xã hội và 6 chỉ tiêu về môi trường.
Một số chỉ tiêu quan trọng là: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; đóng góp của TFP vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; bội chi ngân sách Nhà nước bình quân 3,7% GDP; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm; tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; tỉ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%.
12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp
Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Kế hoạch đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tập trung thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm bám sát và cụ thể hóa Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua.
Cụ thể, thứ nhất là tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển KTXH, nhưng căn cứ vào tình hình thực tế và địa bàn cụ thể để lựa chọn ưu tiên, quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống dịch. Khẩn trương triển khai chiến lược vaccine toàn diện, hiệu quả. Tổ chức chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 cho nhân dân, phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. Nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khả thi, hiệu quả.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo, hoặc chưa đầy đủ theo hướng vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó chủ động, tích cực sửa đổi, hoàn thiện. Nghiên cứu khẩn trương ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết những vấn đề tồn đọng, phức tạp gây thất thoát, lãng phí. Trường hợp cần thiết ban hành một luật sửa nhiều luật, hoặc nghị quyết thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh chưa được quy định trong luật, hoặc đã có nhưng có nhiều vướng mắc, bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn.
Thứ ba, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển kinh tế số, xã hội số. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Nhanh chóng phục hồi nền kinh tế trong những năm đầu nhiệm kỳ, bứt phá, phát triển trong những năm tiếp theo. Quyết liệt và hiệu quả hơn nữa trong cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công. Đến năm 2025, hoàn tất việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp Nhà nước; xử lý cơ bản những yếu kém, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Thứ tư, tăng cường huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư của mọi thành phần kinh tế còn tồn đọng, kéo dài, tạo nguồn lực phát triển. Đầu tư công trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiện đại, tập trung 3 đột phá chiến lược, lĩnh vực ưu tiên, vùng động lực, vùng khó khăn, khu vực chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, các công trình, dự án trọng điểm có sức lan tỏa cao. Bảo đảm cơ cấu đầu tư hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa các vùng, miền, lĩnh vực, thu hẹp chênh lệch vùng miền và khoảng cách giàu-nghèo.
Thứ năm, đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông (đường bộ cao tốc, đường hàng không, đường sắt, đường thủy) ở các vùng kinh tế trọng điểm và những vùng còn khó khăn; hạ tầng năng lượng; hạ tầng đô thị, hạ tầng tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là ở ĐBSCL, Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên. Phát triển hài hòa hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội. Thúc đẩy phát triển hạ tầng số, hạ tầng kết nối các phương thức vận tải, logistics. Phát triển đô thị và kinh tế đô thị.
Thứ sáu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Tăng cường chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, nâng cao chất lượng dạy và học. Cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả thị trường lao động. Thực hiện chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số trong các doanh nghiệp. Tăng cường liên kết doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học, lấy doanh nghiệp làm trung tâm.
Thứ bảy, nghiên cứu phân vùng phù hợp, nâng cao chất lượng quy hoạch vùng theo hướng tích hợp, đa ngành, phát huy tốt nhất những tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Thúc đẩy mạnh mẽ phát triển liên kết vùng, liên vùng, có thể chế điều phối vùng, cơ chế, chính sách để phát huy vai trò động lực tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm, sớm tạo các vùng động lực mới, cực tăng trưởng mới, đẩy mạnh liên kết nội vùng và giữa các vùng.
Thứ tám, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hoà giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội. Không đánh đổi công bằng, tiến bộ xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thứ chín, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Bảo vệ, phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập. Chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của thiên tai; kịp thời giám sát, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc.
Thứ mười, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo; có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; đề cao trách nhiệm người đứng đầu và cá thể hóa trách nhiệm thực thi công vụ.
Mười một, phát triển KTXH gắn liền với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Xây dựng lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; một số lực lượng, quân chủng, binh chủng tiến thẳng lên hiện đại. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng.
Mười hai, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, gìn giữ môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước, phấn đấu cơ bản hoàn thành phân giới cắm mốc và giải quyết các vấn đề còn tồn đọng về biên giới, lãnh thổ. Thúc đẩy quan hệ với các đối tác, đặc biệt là đối tác quan trọng, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Nâng tầm đối ngoại đa phương, thực hiện tốt các trọng trách quốc tế.