Pháo Tết

Tống Hồng Quân

23/01/2024 21:44

Theo dõi trên

Nếu ai hỏi tôi "Kỷ niệm nào đẹp nhất trong ký ức bạn về tết xưa" thì tôi trả lời ngay không cần đắn đo: - Pháo!

=

minh-hoa-1706021018.jpg
Ảnh minh họa của họa sỹ Lê Trí Dũng

Trước kia, cả nước đều nghèo, một hạt gạo cõng miếng sắn, củ khoai, bo bo... nhưng không bị cấm đốt pháo.

Không biết ở vùng thôn quê mua pháo thế nào chứ nhà tôi ăn gạo sổ thì được phân phối một bánh. Trước tết nửa tháng tôi thấy mẹ tôi mang về một bánh pháo đóng vuông vắn trong hộp hình chữ nhật dẹt. Hộp có bề ngang bằng bàn tay, bề dọc khoảng 2 gang tay người lớn còn bề dày khoảng 2 cm.

Phong pháo được bọc bằng giấy bóng trong suốt  để chống ẩm và không che khuất bìa phong pháo. Mặt trên của phong pháo vẽ phăng te ri cành đào và dòng chữ Pháo Bình Đà. Hai bên sườn nhìn rõ cả đuôi hàng pháo con gây sự chú ý hấp dẫn vô cùng với lũ trẻ chúng tôi. Tôi nâng niu bánh pháo, hít hà mùi thuốc pháo thơm thơm. Mùi của thuốc pháo, mùi của nhựa thông...

Mẹ tôi gói thêm hai, ba lượt giấy báo nữa rồi cất bánh pháo vào tủ không quên đe tôi:

- Để giao thừa đốt  đón năm mới! Mẹ sẽ để riêng cho con mấy chục quả đốt lẻ!

Mắt tôi thèm thuồng tạm rời khỏi hình ảnh bánh pháo mẹ cất vào tủ.

Buổi học hôm sau, tôi khoe với mấy thằng bạn thân:

- Nhà tao có pháo rồi nhé!

Mắt chúng sáng lên nhìn tôi nể phục:

- Mày sướng thật! Đúng là con nhà giàu. Cánh mũi tôi nở to. Tôi thì thầm:

- Mẹ tao bảo sẽ cho tao khoảng 20 quả pháo tép đốt riêng. Tao sẽ cho mỗi đứa một quả.

Riêng mày, tôi bảo thằng Việt Giảng:

- Mày được 2 quả!

Thằng Việt reo to, sung sướng. Sở dĩ tôi ưu ái nó vì nó là thằng bạn thân nhất, hay cho tôi kẹo nhất vì nhà nó làm kẹo. Kẹo Giảng phệ là thương hiệu nhà nó. Hôm nào không dấu được. Nó ngậm trước cái kẹo vào mồm, phi nhanh ra chỗ tôi đang chờ. Ra hiệu tôi há mồm rồi móc cái kẹo đầy nước dãi ra đút vào mồm tôi. Hai thằng khoái chí nhảy lò cò chân sáo trên đường đến lớp. Bây giờ đã là hai ông ngoại chúng tôi gặp nhau vẫn ôn kỷ niệm ấy còn tôi vẫn nhớ vị ngọt, thơm mùi sữa xen mùi mồm thối từ mồm từ nước dãi của nó.

Chỉ lát sau chuyện nhà tôi đã có pháo tết lan ra cả lớp. Mấy thằng bặm trợn hay bắt nạt tôi bỗng đổi thái độ. Chúng tỏ ra thân thiện hơn. Thằng Toàn nho còn cho tôi cái bút chì.

Buổi học cuối năm âm lịch thật nhạt nhẽo. Con trai thì chỉ chú tâm về pháo, cách làm pháo. Thằng Toàn nho nhà nghèo, bố nó là thợ cắt tóc nên không được phân phối pháo tết. Nó tự làm súng bắn pháo.

Nó xin mấy đứa con gái mỗi đứa một bao diêm với lời hứa:

- Tao sẽ rút dép hộ chúng mày! Chả là ngày đó toàn đi dép cao su. Đường miền núi đất đỏ gặp mưa là thành keo, bám chặt dép xuống đất. Nếu cố nhấc lên là tuột quai dép luôn. Đứa nào khôn thì bỏ dép ra đi đất, xách dép theo. Đến lớp khoắng chân xuống nước cho hết đất rồi đi dép vào.

Thằng Toàn dùng một cát tút đồng buộc vào một khúc gỗ đã đẽo thành hình khẩu súng lục. Nó tẩy diêm sinh đầu que diêm vào lỗ cát tút. Dưới đất la liệt hơn chục thân que diêm mất đầu. Nó kéo dây cao su, phía đầu có gắn một cái đinh dài.

Nó hét:

- Bọn con gái bịt tai vào!

Lũ con trai nhìn nó đầy ngưỡng mộ:

- Nổ đi!

Thằng Toàn nho kéo cái cò súng. Một tiếng nổ đoàng chát chúa vang lên. Mùi khói thuốc khét lẹt, khói thuốc lan tỏa  khắp phòng.

Chúng tôi vỗ tay ầm ĩ miệng hô vang:

- Toàn nho giỏi quá, Toàn nho giỏi quá! Toàn nho mặt vênh lên, cái răng vâu nhe ra hãnh diện. Đó là năm học cuối cấp 1 của chúng tôi.

Chiều 30 tết, cả nhà vây quanh mâm cơm đặc biệt vì có nem rán, có thịt gà, là hai món tôi hằng ao ước. Có lẽ từ 30 tết năm ngoái đến giờ mới lại nhìn thấy. Vung nồi cơm mở ra, mùi gạo mới thơm lừng tỏa lên. Tết mỗi gia đình ăn gạo sổ được nhà nước bán cho 2 kg gạo tẻ mới (gạo quê) và mỗi đầu người 0,5 kg gạo nếp để gói bánh chưng. Gạo tẻ chỉ đủ nấu cơm cúng chiều 30, đêm giao thừa và ngày mùng một.

Tối 30 tôi ngồi bên mẹ đun nồi bánh chưng. 10 giờ tối, bố vớt cho tôi cái bánh mụ bé tẹo do tôi tự gói. Bánh nóng hổi, tôi dùng thìa xắn từng miếng nhỏ, ăn ngon lành. Tôi chia cho chị và bón cho đứa em. Củi dưới nồi bánh chưng nổ tanh tách, nước vung nồi trào ra rỏ xuống ông táo kê nồi xèo xèo. Mùi bánh chưng thơm lừng bốc ra. Ăn xong ba anh chị em díp tịt mắt. Mẹ ru em Vân, rồi ủ chăn cho em ngủ. Tôi cố chống mắt để còn chờ đốt pháo đón giao thừa.

Giao thừa sắp đến, mưa phùn lây dây mang khí xuân đến đẩy lùi cái rét buốt mùa đông. Bố tôi cẩn thận buộc bánh pháo vào đầu cây sào dài, để trước sân nhà. Tôi nhìn bánh pháo rồi nhìn mẹ dò hỏi.

Mẹ tôi sực nhớ ra bảo bố:

- Anh dỡ  ra mươi quả pháo để mừng tuổi con.

Bố tôi chần chừ một lát rồi dỡ cho tôi 20 quả pháo tép và 1 quả pháo đùng từ bánh pháo treo đầu cây sào.

Bố nhìn tôi âu yếm:

- Tý nữa con sẽ đốt pháo nhé, còn sáng mùng một, con sẽ đốt quả pháo đùng này xông nhà ta, con trai yêu của bố!

Tôi mừng rỡ lao tới ôm choàng lấy bố. Mẹ tôi nhìn hai bố con. Ánh mắt ấm áp đầy yêu thương.

Đúng 0 giờ. Chuông nhà thờ đầu tỉnh đổ tiếng chuông đầu tiên binh boong bố ra lệnh:

- Đốt pháo!

Tôi hồi hộp quẹt diêm châm vào túm ngòi đầu bánh pháo. Tiếng xòe xòe rồi tạch tạch, đùng vang lên. Ánh sáng chói lòa, khói pháo vàng xanh tỏa ra xung quanh, xác pháo hồng đỏ trắng vàng rơi đầy sân. Mùi pháo thơm ấm áp. Hàng  xóm và cả phố vang tiếng pháo nổ ầm ầm. Bố tôi nhìn mẹ, mẹ nhìn bố, nhìn hai chị em gái đang cuộn tròn trong chăn. Bố tôi kéo tôi vào sát người ông. Khi quả pháo cuối cùng nổ đùng. Bố tôi kéo mẹ và tôi ôm chặt trong vòng tay đàn ông rắn chắc.

 Năm mới đã đến!

Mấy nụ đào, mơ ngoài vườn bừng nở.

 Chúc mừng năm mới!

Bao giờ cho đến ngày xưa

Bạn đang đọc bài viết "Pháo Tết" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn