Pháp Loa, trước khi viên tịch

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

16/04/2023 14:20

Theo dõi trên

Pháp Loa (1284-1330). Đại Thiền sư Pháp Loa, tên thật là Đồng Kiên Cương, sinh năm 1284, quê huyện Chí Linh, nay là thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đồng Kiên Cương theo vua Trần Nhân Tông đi tu, rồi sau được Phật Hoàng Nhân Tông truyền y bát (1308). Ngài trở thành vị Tổ thứ hai của “Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử”.

Pháp Loa là người học vấn uyên thâm, lại rất có tài tổ chức các hoạt động Phật giáo. Pháp Loa được các vua Trần và Hoàng thất sùng đạo đặc biệt tin tưởng. Họ cung tiến nhiều tiền bạc giao cho ông đứng ra chủ trì việc xây dựng, tu bổ chùa chiền. Hầu như các công trình Phật giáo lớn ở đời nhà Trần, đều chủ yếu do Pháp Loa chỉ đạo thi công…

Pháp Loa đồng thời còn là người biên dịch, nghiên cứu và chú giải một số sách quan trọng về Thiền học. Pháp Loa viên tịch 3-1330.

b1vbl1e-1681629347.jpg

Ảnh do tác giả lựa chọn.

 

Tác phẩm thơ của Pháp Loa còn lại chỉ có 3 bài, được chép trong các sách VIỆT ÂM THI TẬP của Phan Phu Tiên (Chu Xa bổ sung thêm), TOÀN VIỆT THI LỤC của Lê Quý Đôn, HOÀNG VIỆT THI TUYỂN của Bùi Huy Bích.

THỊ TỊCH

Vạn duyên tiệt đoạn nhất thân nhàn,

Tứ thập dư niên mộng ảo gian.

Trân trọng chư nhân hưu tá vấn,

Ná biên phong nguyệt cánh hoàn khoan.

Dịch nghĩa:

BẢO SỰ CHẾT

Trăm mối tơ duyên đã dứt, tấm thân nhàn hạ,

Nghĩ lại bốn mươi năm qua chỉ là giấc mộng.

Trân trọng nhắn mọi người đừng hỏi thăm nhiều,

Gió mát trăng trong ở bên kia mênh mông hơn.

Dịch thơ:

Lòng trần dứt, tấm thân nhàn,

Bốn mươi năm, giấc mộng tàn đấy thôi!

Nhắn người đừng hỏi thăm tôi,

Bên kia gió mát trăng trời mênh mông.

(VŨ BÌNH LỤC dịch)

Đây là bài thơ Pháp Loa Nhị Tổ Trúc Lâm Yên Tử làm trước khi viên tịch. “Tịch”, tức là “tịch diệt”, cũng là “cõi Niết bàn”. “Thị tịch”, là gọi bảo trước khi chết. Phật giáo cho rằng cái chết chỉ là sự biểu hiện cái bề ngoài, không phải thực là diệt. Vậy Pháp Loa Thiền Sư gợi bảo điều gì trước khi người viên tịch?

Thì đây:

Trăm mối tơ duyên đã dứt, (thì) tấm thân nhàn hạ,

Nghĩ lại bốn mươi năm qua chỉ là giấc mộng.

Đấy chính là quan niệm của Phật pháp. Khi người ta dứt bỏ được trăm mối tơ duyên ở cõi người trần tục, thì tấm thân tự nhiên sẽ được nhàn hạ, nhẹ nhõm. Trăm thứ bụi trần rớt lại phía sau, chỉ còn cái thân xác nhàn hạ. Cho nên, “Nghĩ lại bốn mươi năm qua chỉ là giấc mộng” mà thôi. Đó cũng chính là cảm thức của con người, về cái giới hạn của cõi nhân sinh, do vậy, cũng chẳng nên nuối tiếc làm gì.

Hai câu còn lại là lời “trân trọng nhắn bảo mọi người” của Pháp Loa Tôn Giả, rằng “đừng có hỏi thăm nhiều” làm chi. Nghĩa là cũng chẳng nên quan tâm nhiều đến sự còn sự mất, sự đi hay là sự ở của ta. Rằng ta có đi sang thế giới bên kia, thì đó mới là điều hạnh phúc. Là sao vậy? Là bởi vì nơi ấy mới là “nơi gió mát trăng trong, mênh mông hơn nhiều”. Nơi ấy chính là cõi Niết bàn, là cõi Phật ba ngàn đại thiên thế giới.

Pháp Loa viên tịch năm 1330, hưởng dương 46 tuổi. Tro cốt của ông gửi lại cõi trần, rồi như “ve sầu thoát xác”, Ngài đi mãi vào cõi trời Tây, nhẹ nhàng như một làn khói. Nhưng lời nhắn bảo của Pháp Loa Tôn Giả thì vẫn còn đây, như một lẽ nhiệm mầu huyền diệu.

Bạn đang đọc bài viết "Pháp Loa, trước khi viên tịch" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn