Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về triển khai dự án "Đầu tư phục dựng các di tích theo con đường hoằng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông", chùa Bình Long là một trong 10 điểm chùa bên sườn Tây Yên Tử cần được nghiên cứu, phục hồi, tôn tạo.
Từ ngày 10/7 đến 5/8/2021, Sở VHTTDL phối hợp Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khai quật khảo cổ địa điểm chùa Bình Long, thuộc thôn Chùa, xã Huyền Sơn.
Chùa Bình Long được dân gian truyền tụng là trung tâm Phật giáo, danh lam cổ tự lớn dưới thời Lý - Trần, có quan hệ mật thiết với chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Thời Trần, khuôn viên chùa Bình Long có quy mô to lớn, rộng khắp cả sườn núi Bát Nhã. Thời Lê - Mạc, chùa được di chuyển xuống chân núi Gốm. Tuy nhiên, do thời gian và chiến tranh tàn phá, ngôi chùa trở thành phế tích, chỉ còn lại dấu tích tường bao được xây dựng bằng kỹ thuật trình.
Quang cảnh hội nghị.Trong gần một tháng, các nhà nghiên cứu đã tiến hành thám sát, khai quật với diện tích hơn 200m2, tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm nền chùa. Kết quả đã tìm thấy dấu tích và mặt bằng kiến trúc chùa Bình Long qua các giai đoạn xây dựng và biến đổi, kéo dài từ thế kỷ XIII - XIV (thời Trần) đến đầu thế kỷ XX (thời Nguyễn). Trong đó, đã phát hiện các dấu tích, di vật như: Các đoạn móng, bậc lên xuống, chân tảng cột, đá lấy lửa, nồi đất, bình, lu sành, mảnh bát, đĩa gốm men, lư hương… cùng nhiều mảnh di vật khác.
Tại hội nghị, các ý kiến đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ giữa Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Sở VHTTDL trong quá trình khai quật với những phát hiện mới về kiến trúc, di vật có giá trị của chùa Bình Long qua các thời kỳ, đặc biệt là dấu tích thời Trần. Kết quả nghiên cứu, khai quật đã làm rõ, bổ sung nhận thức về lịch sử, quy mô, kết cấu của kiến trúc chùa Bình Long, làm cơ sở xếp hạng di tích để sớm có phương án bảo tồn, tôn tạo.
Các ý kiến đề xuất chính quyền, ngành chức năng, đơn vị liên quan xem xét, sớm có quy hoạch tổng thể chùa Bình Long, các khu vực xung quanh và mở rộng không gian; có phương án bảo vệ mặt bằng khai quật khảo cổ nhằm ngăn chặn kịp thời quá trình xây dựng, đào phá, cải tạo đất trồng trọt, làm biến dạng cảnh quan, không gian di tích.
Tiếp tục nghiên cứu khảo sát, khai quật khảo cổ xung quanh di tích song phải dựa trên điều kiện, cơ sở khoa học thực tiễn nhằm xác định rõ mặt bằng, quy mô, kết cấu những công trình kiến trúc qua các giai đoạn.
Đây sẽ là những chứng cứ vật chất quan trọng, cung cấp cứ liệu khoa học, bảo đảm tính chính xác, chân thực, toàn vẹn, cần thiết phục vụ cho việc xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử tại 3 tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang là Di sản Văn hóa thế giới, tạo điểm nhấn du lịch tâm linh của tỉnh Bắc Giang.