Phát huy, lan tỏa “Giá trị Đông Hồ”

Trần Quốc Giang (Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ Kiên Giang)

10/03/2023 20:25

Theo dõi trên

Ngoài là một nhà giáo, nhà thơ danh tiếng, Đông Hồ còn làm báo, khảo cứu, viết văn, ký, văn học sử, văn hóa… Đông Hồ còn là chuyên gia nghiên cứu tiếng Việt, là “sư tổ” của bộ môn Việt thư (thư pháp chữ Việt).

Nhưng điều đáng nói hơn cả là tinh thần và ý chí của Đông Hồ khi chống chủ trương lấy tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính của bọn thực dân. Đông Hồ đã dùng tiếng Việt để dạy con trẻ biết yêu nước nhà bằng cách của mình.

Nhà thơ Đông Hồ tên thật là Lâm Tấn Phác, sinh ngày 10/3/1906 tại làng Mỹ Đức, tỉnh Hà Tiên (nay là Tp. Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang). Cha mẹ mất sớm, Đông Hồ được người bác là một nhà Nho nuôi dưỡng, dạy dỗ ở vùng đất Hà Tiên xưa - nơi có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, vốn là quê hương của Tao đàn Chiêu Anh Các - nơi mà “tao nhân mặc khách” gác việc kiếm đao đắm hồn vào vẻ đẹp không gì sánh nổi của đất trời,… và cùng với truyền thống của quê hương, gia đình đã hun đúc nên một “Giá trị Đông Hồ”.

1-kien-giang-nha-luu-niem-thi-nhan-dong-ho-1678454627.jpg
“Nhà lưu niệm Thi nhân Đông Hồ”, phường Đông Hồ, thành phố Hà Tiên (Ảnh: Quỳnh Như).

Bối cảnh thời cuộc và “Giá trị Đông Hồ”

Đầu thế kỷ trước, khi thực dân Pháp cai trị đất nước ta, ngoài việc ráo riết đẩy mạnh việc vơ vét, bóc lột nhân dân ta để làm giàu cho chính quốc và bọn tư sản Pháp,… Chúng còn áp dụng chính sách văn hóa mang bản chất cưỡng bức đồng hóa, “nhồi sọ”, “ngu dân”. Chúng cho rằng: “Đối với cái giống nòi Annamít ấy, chỉ có một cách tốt để cai trị nó,- đó là ách thống trị bằng sức mạnh... Truyền học vấn cho bọn Annamít hoặc cho phép chúng tự chúng có học vấn, tức là một mặt cung cấp cho chúng những súng bắn nhanh để chống chúng ta, và mặt khác đào tạo những con chó thông thái gây rắc rối hơn là có ích...”[1], vì như thế mà trước năm 1945 nước ta có hơn 90% đồng bào mù chữ,…

Trong bối cảnh đó, trước năm 1926, Đông Hồ dạy trong một trường do Pháp mở tại Hà Tiên. Là người yêu nước và rất yêu tiếng “mẹ đẻ”, Đông Hồ nhận ra nguy cơ của thế hệ nếu để mất ngôn ngữ của dân tộc, và vì: “Có học tiếng mẹ đẻ thì chúng ta mới vỡ trí khôn ra được”[2], nên thay vì dạy đúng kiểu “nhồi sọ” theo chủ trương của Pháp, thầy Đông Hồ đã lén lút tăng giờ học tiếng Việt, tuy nhiên đã bị thanh tra trường theo dõi, phát hiện và cảnh cáo.

Không chịu khuất phục, Đông Hồ đã từ chức tại trường và ngày 30/10/1926 tự mở “Trí Đức Học Xá” ngay tại nhà mình để có điều kiện giúp cho học sinh trau dồi tiếng Việt, với chương trình được Đông Hồ thiết kế là dạy toàn tiếng Việt cho bất kỳ ai muốn học, và đẩy mạnh tuyên truyền cổ động, khuyến khích người Việt yêu và tin tưởng ở tương lai Việt ngữ - Đây là ngôi trường duy nhất ở miền Nam trong thời điểm đó lấy tiếng Việt để giảng dạy được ghi nhận. Theo đó, học trò từ Đồng Tháp, Mỹ Tho, Biên Hòa, Sài Gòn, Tây Ninh,… không quản việc xa xôi, cách trở đã đến Hà Tiên để ghi danh vào “Trí Đức Học Xá”.

Với bài tập đọc nhập môn là bài văn vần mà thầy giáo Đông Hồ sáng tác mà ý nghĩa trong đó là đau đáu nỗi niềm tha thiết kêu gọi “là người Việt thì phải biết yêu, chăm lo học tiếng Việt”:

“Ríu rít đàn chim kêu.

Cha truyền, con nối theo.

Huống là tiếng mẹ đẻ.

Ta lẽ nào không yêu?”.

Giữa lúc thực dân Pháp chủ trương thực hiện “chính sách ngu dân triệt để”[3], kìm hãm việc học tập, nên sự có mặt của “Trí Đức Học Xá” đã làm giới cầm quyền đương thời nghi kỵ, theo dõi. Năm 1934, sau nhiều lần bị bạo lực dồn ép, “Trí Đức Học Xá” phải đóng cửa sau gần 08 năm tồn tại. Đây thật sự là một niềm cay đắng không chỉ riêng của Đông Hồ mà còn của nhiều thế hệ học sinh do “Trí Đức Học Xá” đào tạo ra, cũng như những người đang chuẩn bị xin vào học,…

Trong giai đoạn từ thập niên 1920 cho đến khi qua đời vào ngày 25/3/1969, Đông Hồ đã tận tụy nghiên cứu, truyền bá tiếng Việt và nền văn hóa nước nhà cho đến ngày cuối cùng, đã để lại cho hậu thế hàng trăm tác phẩm. Đông Hồ luôn không chịu khuất phục trước “chính sách ngu dân”, mà ra sức truyền bá, phổ biến rộng rãi tiếng Việt theo cách của mình, như: Làm văn, thơ và viết về văn học, lịch sử đăng ở các tạp chí xuất bản ở Sài Gòn (“Nam Phong tạp chí”, “Văn Hóa nguyệt san”, “Bách Khoa”, “Văn”…), lần lượt thành lập tuần báo “Sống”, nhà xuất bản “Bốn Phương”, nhà sách “Yiễm Yiễm thư trang”, tập san “Nhân Loại”; và qua đời khi đang giảng cho sinh viên bài thơ "Trưng Nữ Vương" của nữ sĩ Ngân Giang vào ngày 25/3/1969 tại Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn…

Sự ghi nhận, tôn vinh…

Cảm kích trước tinh thần, ý chí và vai trò của Đông Hồ trong truyền bá, phổ biến tiếng Việt,, giới trí thức đương thời ghi nhận, cổ vũ, như: Học giả Dương Quảng Hàm viết bài “Việc giáo dục ở Phương Thành” in trên “Nguyệt Báo” của Nha Học Chính (Hà Nội); học giả Phạm Quỳnh khen ngợi: “Trí Đức Học Xá muốn bày tỏ cho thiên hạ biết rằng, tiếng nước nhà có thể dạy con em nước nhà, bất tất phải mượn đến tiếng ngoại quốc. Dùng quốc văn để dạy con trẻ biết yêu nước nhà, còn cách giáo dục nào đích đáng bằng!”; học giả Nguyễn Hiến Lê đánh giá cao: “báo viết kỹ, in kỹ, đã đánh dấu được một tiến bộ trong ngành: đó là tờ đầu tiên ở Nam bộ in trúng dấu hỏi, dấu ngã”[4]…

Năm 1994, vợ của Đông Hồ là nữ sĩ Mộng Tuyết (1914-2007) xây dựng “Nhà lưu niệm thi nhân Đông Hồ” tại “Trí Đức Học Xá” gần 70 năm trước để bảo tồn, phát huy những giá trị kho tàng văn hóa mà Đông Hồ - Mộng Tuyết đã có công sưu tầm, nghiên cứu, sáng tạo, với 1.144 quyển sách; 446 bức tranh, ảnh; 937 tờ báo, tạp chí và 1.485 quyển sách có giá trị của nhiều tác giả (trong đó có 231 quyển sách tiếng Pháp)... đã trở thành điểm đến của giới nghiên cứu, người hâm mộ trong và ngoài nước.

Đến ngày 28/4/2021 con cháu của nhà thơ Đông Hồ - Mộng Tuyết đã bàn giao cho nhà nước quản lý, đã được chính quyền tỉnh Kiên Giang xác lập quyền sở hữu toàn dân[5], và năm 2023 công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh[6]. Đây là sự ghi nhận của người hậu thế, và cũng là cơ sở pháp lý để bảo tồn, phát huy giá trị những tác phẩm, tư liệu, tài liệu liên quan đến nhà thơ Đông Hồ - Mộng Tuyết và cũng là điều kiện để xây dựng nơi đây trở thành là điểm tham quan, tìm hiểu văn hóa Hà Tiên, Kiên Giang; một địa chỉ có giá trị quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau,…

Phát huy, lan tỏa “Giá trị Đông Hồ”

Đảng ta luôn coi trọng vị trí, vai trò của văn hóa, khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển. Trong xu hướng hiện nay thì không chỉ cố gắng giữ gìn di sản văn hóa ở dạng ban đầu, mà còn phải phát huy, lan tỏa vai trò và ý nghĩa di sản đó vào đời sống xã hội. Như đối với “Giá trị Đông Hồ”, là bao gồm cả tinh thần và ý chí của Đông Hồ trong chống “chủ trương ngu dân” của kẻ thù xâm lược, là một tấm gương điển hình của người thầy, người con hết lòng yêu quê hương, yêu tiếng mẹ đẻ, bất chấp sự ngăn cấm của kẻ thù mà ra sức truyền bá tiếng Việt bằng nhiều cách; đó là kho tàng văn hóa được lưu giữ tại di tích lịch sử - văn hóa “Nhà lưu niệm thi nhân Đông Hồ”.

2-kien-giang-thi-nhan-dong-ho-1678454658.jpg
Thi nhân Đông Hồ (Ảnh: Internet)

“Giá trị Đông Hồ” còn được thể hiện ở chỗ truyền thống gia đình được phát huy, tỏa sáng, đó là những thông điệp tốt đẹp vì ý thức đóng góp cho xã hội của Đông Hồ đã được vợ là nữ sĩ Mộng Tuyết kế thừa, phát huy khi đã bỏ công sức, tiền của để xây dựng, sưu tầm, bảo tồn những tài liệu, công trình nghiên cứu, bài viết của Đông Hồ để cho hậu thế có cơ hội tiếp cận; và thông điệp tốt đẹp ấy lại được tiếp tục lan tỏa khi con cháu của Đông Hồ - Mộng Tuyết đã hiến tặng “Nhà lưu niệm thi nhân Đông Hồ” để từ tài sản cá nhân đã trở thành tài sản vô giá của toàn dân.

Và thứ nữa, chữ viết, tiếng nói là của cải vô cùng quan trọng và quý giá, là niềm tự hào của mỗi dân tộc. Trong “Công việc phải làm” của “Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943” đã chỉ ra nhiệm vụ cho các nhà văn hóa cách mạng Việt Nam là phải: “Tranh đấu về tiếng nói, chữ viết. Thống nhất và làm giàu thêm tiếng nói”[7] từ đó tiếng Việt bằng nhiều cách đã được phổ biến ngày càng rộng khắp, nhất là từ khi “Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”[8] đã chỉ ra việc chống nạn dốt, và phong trào “diệt giặc dốt” rộng khắp, hiệu quả,…

Tuy nhiên, hiện nay quá trình hội nhập và sự giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ, bên cạnh những tác động tích cực, thì tình trạng sử dụng, cách nói, cách viết tiếng Việt lệch chuẩn xuất hiện tràn lan và có xu hướng ngày càng tăng, như cái được gọi là “ngôn ngữ mạng”, “ngôn ngữ tuổi teen” lệch chuẩn được sử dụng khá nhiều ở một bộ phận người dùng, trên không gian mạng, hay việc văng tục, chửi bậy trên mạng xã hội nhất là trong thanh thiếu niên đã trở thành vấn đề thách thức, đang gây nhức nhối, phản cảm, lo lắng đối với nhiều người, đặc biệt là những người quan tâm tới việc giữ gìn những giá trị văn hóa dân tộc, trong đó có tiếng Việt,…

Cho nên, với tinh thần của Đông Hồ trong truyền bá, bảo vệ sự trong sáng, đẹp đẽ của tiếng Việt thì cần phải được phát huy, lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống để được như lời Bác Hồ đã dạy: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”[9]…

Để những “Giá trị Đông Hồ” được phát huy, lan toả mạnh mẽ hơn nữa trong đời sống xã hội, xin đề xuất một số giải pháp:

- Các cấp chính quyền cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy mạnh mẽ tinh thần và lan tỏa những thông điệp tốt đẹp của các bậc tiền nhân, người đương thời như Đông Hồ - Mộng Tuyết và gia đình về ý thức vì cộng đồng khi hiến tặng công trình rất có giá trị về vật chất, và vô giá về mặt tinh thần cho toàn dân.

- Thực hiện tốt công tác lưu giữ, khai thác có hiệu quả và tôn vinh, phát huy các di sản văn hóa như “Giá trị Đông Hồ” thông qua các hoạt động, trưng bày, triển lãm, sáng tác, biểu diễn, tọa đàm, hội thảo,… Đồng thời, ngành giáo dục cần nghiên cứu bổ sung phù hợp vào các giờ học ngoại khóa, gắn với tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu về di sản, cũng như cuộc đời và sự nghiệp của Đông Hồ, mà trước mắt là ở những trường trên địa bàn, hoặc gần thành phố Hà Tiên, sau đó dần nhân rộng ra. Qua đó giáo dục cho các thế hệ học sinh cũng như lan tỏa việc trân quý, giữ gìn, truyền bá, phát huy “lâu đài tiếng Việt huy hoàng”, cũng như phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc ta, kích thích mạnh mẽ niềm đam mê, sáng tạo của các em.

- Tăng cường đầu tư đối với di sản lịch sử - văn hóa “Nhà Lưu niệm thi nhân Đông Hồ”, từng bước nghiên cứu phục dựng lại mô hình “Trí Đức Học Xá”, mở rộng nơi trưng bày,… tạo thành không gian văn hóa không chỉ có giá trị văn hóa - lịch sử để tìm hiểu, nghiên cứu, học tập, giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau, mà còn là sản phẩm văn hóa - thương mại - dịch vụ - du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước. Nhất là phải nghiên cứu xây dựng “thương hiệu văn hóa” tại thành phố Hà Tiên -  nơi vốn có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, sự kiện góp phần chuyển hóa về mặt nhận thức, tạo được sự trân trọng của cộng đồng đối với di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của quần chúng nhân dân. Từng bước nâng cấp, đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận “Nhà lưu niệm thi nhân Đông Hồ” trở thành di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.

- Để tài sản quý báu của dân tộc không bị mai một, phát huy tinh thần và ý chí của Đông Hồ trong giữ gìn, phổ biến tiếng Việt trong bối cảnh hiện nay. Mỗi người Việt Nam phải luôn nêu cao ý thức trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn và làm phong phú hơn vốn ngôn ngữ của mình, cả khi nói và viết. Không ngừng trau dồi, nâng cao trình độ sử dụng ngôn ngữ thuần Việt, trước hết là sử dụng chính xác, hạn chế việc dùng tiếng nước ngoài khi không cần thiết. Đặc biệt, cần kiên quyết loại bỏ việc pha trộn bừa bãi giữa tiếng Việt với tiếng nước ngoài, sử dụng các từ ngữ méo mó, biến dạng, làm mất đi giá trị vốn có của ngôn ngữ dân tộc.

- Phát huy vai trò của những cá nhân có ảnh hưởng trong cộng đồng, nhất là những người công tác trong ngành giáo dục, người làm báo, văn nghệ sĩ, người của công chúng… cần nâng cao trách nhiệm và ý thức trong việc sử dụng ngôn ngữ hằng ngày của mình trên các trang cá nhân, các sáng tác, bài viết,… từ đó hỗ trợ và đem đến những tác động tích cực với xã hội nói chung, với sự phát triển của trẻ em, thế hệ trẻ nói riêng. Trong công tác tuyên truyền, vận động của các cơ quan nhà nước không “cào bằng” ngôn ngữ tuyên truyền mà cần phải căn cứ vào đối tượng và mục đích tuyên truyền để sử dụng ngôn từ cho phù hợp, dễ nghe, dễ hiểu.

- Đẩy mạnh việc khuyến khích các cơ quan, đơn vị nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực khoa học, xã hội, nhân văn… tìm hiểu, nghiên cứu, xây dựng các đề tài khoa học nhằm làm sáng rõ, góp phần phát huy những giá trị, kho tàng văn hóa mà Đông Hồ- Mộng Tuyết đã có công sưu tầm, nghiên cứu, sáng tạo lúc sinh thời.

Tóm lại, tinh thần, ý chí và di sản của Đông Hồ để lại cho hậu thế là những giá trị cần phải được bảo tồn, phát huy và lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội và mọi thế hệ phải có trách nhiệm tiếp nối thực hiện tốt ước mơ của Đông Hồ về một “đất nước nghìn năm văn hiến, lâu đài tiếng Việt huy hoàng”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia- Sự thật, H, 2011, t.1, tr.11.

[2] Câu nói trứ danh của thi hào Rabindranath Tagore- được mệnh danh là “Mặt trời của nền thi ca Ấn Độ”.

[3] Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia- Sự thật, H, 2011, t.2, tr.106

[4] Lê Thiếu Nhơn (2016), “Thi nhân đắm đuối tiếng Việt”, tại trang: https://cand.com.vn, [truy cập 16/02/2023].

[5] Quyết định số 820/QĐ-UBND ngày 29/3/2021của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với “Nhà lưu niệm thi nhân Đông Hồ”.

[6] Quyết định số 184/QĐ-UBND ngày 01/02/2023 của UBND tỉnh Kiên Giang về việc xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia- Sự thật, H, 2000, tr.320.

[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia- Sự thật, H, 2011, t.4, tr.7.

[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia- Sự thật, H, 2011, t.13, tr.465.

                                              

Bạn đang đọc bài viết "Phát huy, lan tỏa “Giá trị Đông Hồ”" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn