Để thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của người làm báo trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh có hiệu quả các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, các nhà báo, phóng viên cần chủ động thâm nhập thực tiễn cuộc sống tạo nguồn thông tin về những cái mới, tích cực, có tính thời sự, chân thực, khách quan, thể hiện tính định hướng, mang giá trị giáo dục và nhân văn sâu sắc trên các lĩnh vực của đời sống xã hội để đăng tải trên báo chí, chia sẻ, lan tỏa trên internet, mạng xã hội.
Các bài viết cần phải có sức thuyết phục cao xuất phát từ tư duy khoa học, sử dụng lý lẽ, luận cứ khoa học để chứng minh, lý luận sắc bén, tính bút chiến, sắc sảo sát với thực tiễn cuộc sống; lập luận chặt chẽ, lôgích, khoa học; tránh tính hàn lâm, tính chủ quan, tính một chiều. Bài viết phải gây được sự xúc động với bạn đọc, người xem, tạo hiệu ứng lan tỏa trong nhân dân để đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị tạo sự bất ổn về chinh trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
Mỗi nhà báo, phóng viên cần thường xuyên định hướng, giáo dục tư tưởng chính trị, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của mình để nâng cao ý thức, trách nhiệm với từng sản phẩm tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên mục, tránh để xảy ra sai sót bị các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, bịa đặt chống phá; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những nhà báo, phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo cơ quan báo chí kiểm soát không chặt chẽ để lọt tin, bài có nội dung sai sự thật, thiếu kiểm chứng gây ảnh hưởng không tốt đến nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước và nghiêm cấm nhà báo, phóng viên đăng tải, chia sẻ thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội.
Các nhà báo, phóng viên cần chú trọng sáng tạo các bài viết phân tích, làm rõ tầm quan trọng của việc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyến hóa”; ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên góp phần thực hiện tốt Kết luận số 23-KL/TW ngày 22/11/2017 của Ban Bí thư về “tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa trong nội bộ”; tích cực đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền và đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Đồng thời, các nhà báo, phóng viên cần thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước nhằm thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế. Cổ vũ những mô hình, điển hình, kinh nghiệm, cách làm tốt trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội tạo sức lan tỏa, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước. Nội dung thông tin, tuyên truyền trên báo chí cần phong phú, toàn diện, tập trung vào một số vấn đề lớn, như: Chăm lo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường quốc phòng an ninh; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tuyên truyền thông tin đối ngoại, bảo vệ chủ quyền biển, đảo...
Tích cực thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương, kế hoạch phát triển đất nước của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đến cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Bài viết cần phân tích, làm rõ tính đúng đắn, hợp lý, hợp tình, sát hợp với thực tiễn của đường lối, chính sách để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu, nắm vững và triển khai có hiệu quả. Khẳng định tính đúng đắn, khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tăng cường, củng cố niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho hệ tư tưởng của Đảng, lý tưởng xã hội chủ nghĩa giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội. Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó tập trung vào một số nội dung chính, như: Giáo dục, tuyên truyền về Đảng, về lịch sử Đảng, quá trình đấu tranh cách mạng của Đảng ta; những thành tựu mà đất nước đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; phản bác các luận điểm sai trái, xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; nhấn mạnh mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, dân tộc.
Cùng với đó, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng; khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Phê phán những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, quan liêu, lãng phí; phát hiện, phản ánh thông tin về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt, làm thất thoát tài sản của Nhà nước, hành vi tham ô; vấn đề vụ lợi, thiếu minh bạch của một bộ phận cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật giúp các cơ quan chức năng, các bộ, ngành, địa phương vào cuộc xác minh, điều tra, xứ lý nghiêm, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ, xoá tan những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch trong và ngoài nước.
Các nhà báo, phóng viên cần phản ánh sâu sắc các vấn đề về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; về phát triển kinh tế tri thức; về hội nhập quốc tế; về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; giải quyết hài hóa các vấn đề xã hội; về phương thức lãnh đạo của Đảng, vấn đề Đảng cầm quyền trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cơ chế phản biện, giám sát xã hội; công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại nhằm bảo vệ Tổ quốc, giữ vững ổn định và môi trường hòa bình; thời cơ, thuận lợi cũng như thách thức đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước... Từ đó hình thành du luận xã hội đúng đắn, có sức thuyết phục chân thực dẫn đến hành động xã hội phù hợp với sự vận động theo chiều hướng có chủ đích.
Người làm báo cần nhận thức đầy đủ sứ mệnh, nêu cao vai trò của mình trong việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, đẩy mạnh việc lan tỏa hệ giá trị Việt Nam vào đời sống xã hội, nỗ lực góp phần hoàn thành mục tiêu mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và phát huy tính tư tưởng, tính chân thực, tính chiến đấu, tính quần chúng của báo chí như lời Bác Hồ dạy: “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem mà để phục vụ nhân dân, tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”.
Có thể nói, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh có hiệu quả các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và đầy thách thức, cam go. Vì thế, các nhà báo, phóng viên cần rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết với nghề, có đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ cao, kế thừa những cách thức, phương pháp thông tin, tuyên truyền vốn có và đổi mối tư duy, sáng tạo trong cách thức thể hiện trong mỗi bài viết để tạo ra được những tác phẩm báo chí sắc bén, có tính chiến đấu cao. Thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác báo chí, hoạt động báo chí, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của người làm báo.
(¹) “Phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2029”, Báo Quân đội Nhân dân, ngày 30/12/2019, tr.1.