Phát triển công nghiệp văn hóa: Khơi nguồn cho những dòng chảy - Mạnh mẽ tinh thần Thăng Long - Hà Nội

Việc Thành ủy Hà Nội xây dựng Nghị quyết chuyên đề về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" là một bước triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về phát triển văn hóa trong thời đại kinh tế tri thức, hội nhập quốc tế, hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội về lĩnh vực phát triển văn hóa, con người Hà Nội.

Công nghiệp văn hóa Thủ đô sẽ hòa vào dòng chảy bất tận, mạnh mẽ của văn hóa Thăng Long - Hà Nội, hội tụ -  kết tinh - lan tỏa những giá trị thời đại.

hn1q3-1628472148.jpg
Không gian làm việc chung naked Hub đã có mặt tại Hà Nội (tháng 5-2021). Ảnh: CTV

Dẫn hướng và soi đường

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Văn hóa "là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh", "mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước". Mặt khác, văn hóa "là nhu cầu thiết yếu của đời sống con người", "là lĩnh vực sản xuất tinh thần, tạo ra các giá trị, sản phẩm làm giàu đẹp cuộc sống". Trong thời đại toàn cầu hóa, văn hóa chính là sợi dây liên kết các quốc gia, các dân tộc; văn hóa "dẫn đường" cho hội nhập kinh tế, khoa học - công nghệ... Mặt khác, văn hóa - sáng tạo cũng là dòng chảy ngàn đời của Kinh đô - Thủ đô. Trải qua hơn nghìn năm lịch sử, Hà Nội - như tên gọi ban đầu là Thăng Long, đã mang theo khát vọng của cả dân tộc, luôn vươn lên bằng nguồn lực sáng tạo.

Trước hết, có thể nói, không phải ở thời điểm này, Hà Nội mới đặt vấn đề về phát triển công nghiệp văn hóa hay thành phố sáng tạo. Cùng với việc triển khai hàng loạt đề án, dự án phát triển các lĩnh vực văn hóa, xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ, Đảng bộ thành phố Hà Nội tập trung thực hiện Chương trình công tác lớn về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận; trong đó, việc gia nhập mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO là động lực để Hà Nội tạo nên những thay đổi chiến lược, biến thiết kế sáng tạo thành giải pháp phát triển văn hóa, làm giàu bản sắc đô thị, làm phong phú thêm đời sống người dân cũng như đóng góp tích cực vào tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thủ đô.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công nghiệp văn hóa Hà Nội vẫn là những mạch ngầm và khát vọng sáng tạo, chưa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững. Vì vậy, Hà Nội cần một chiến lược mới với hệ thống các giải pháp dựa trên tầm nhìn và tư duy mới để tạo đột phá phát triển công nghiệp văn hóa; đồng thời  xác lập những mục tiêu phát triển văn hóa mới, nhằm huy động tổng hợp sức mạnh kinh tế, chính trị, xã hội; phát huy tối đa nguồn lực văn hóa và con người trong việc kế thừa, phát triển dòng chảy văn hóa sáng tạo nghìn năm văn hiến của Thủ đô. Do vậy, việc Thành ủy Hà Nội xây dựng Nghị quyết chuyên đề về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Nghị quyết chuyên đề về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" sẽ đánh giá đúng, làm rõ thực trạng phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp văn hóa của thành phố. Từ đó nhận diện đầy đủ tiềm năng, thế mạnh của từng ngành cũng như những khó khăn, hạn chế, thách thức phải đối mặt để định vị tầm nhìn chiến lược với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thiết thực, hiệu quả, nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thực sự có tiềm lực, mang đậm bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội; đồng thời, có khả năng tạo ra các sản phẩm tinh thần tốt đẹp cho xã hội, có hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo đảm cho sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước.

Gửi gắm những mong mỏi vào chủ trương lớn của Thành ủy, Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên bày tỏ, Nghị quyết cần dự báo chính xác xu hướng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên thế giới và ở Việt Nam, qua đó xây dựng các giải pháp chung cho phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Hà Nội và những giải pháp cụ thể cho từng ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, thế mạnh, tiềm lực phát triển.

Phát huy tinh thần Thăng Long - Hà Nội

Nghị quyết chuyên đề về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" vừa là cơ sở mang tính nền tảng để huy động nguồn lực, vừa dẫn hướng, soi đường cho việc xây dựng công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn phát triển bền vững Thủ đô, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; góp phần xây dựng hệ giá trị, phát triển văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh hướng đến mục tiêu "công dân toàn cầu"; xây dựng và phát triển Hà Nội thành một trong ba trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước.

Mong muốn Thành ủy Hà Nội sớm ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa, những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, người Hà Nội và người yêu Hà Nội kỳ vọng Nghị quyết sẽ thể hiện rõ tinh thần Thăng Long - Hà Nội trong việc giải quyết những vấn đề cốt lõi, như bảo tồn và phát triển, truyền thống và hội nhập...; đồng thời định hướng để mỗi sản phẩm công nghiệp văn hóa Hà Nội sẽ là sự thăng hoa của năng lực, khát vọng sáng tạo, mang đậm dấu ấn Thủ đô nghìn năm văn hiến. Trong đó, nhiều ý kiến đề xuất thành phố lựa chọn phát triển một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa giàu tiềm năng, là lợi thế riêng có của Thủ đô, như: Du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; thủ công mỹ nghệ; thiết kế sáng tạo...; bảo đảm sự tương tác hiệu quả trong cơ chế, chính sách, nhằm thúc đẩy các lĩnh vực phát triển phù hợp với từng giai đoạn. Mặt khác, tập trung hỗ trợ phát triển các trung tâm thiết kế sáng tạo, tạo môi trường ươm mầm, nuôi dưỡng tài năng và kết nối các ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm. Cùng với đó là thúc đẩy các hoạt động văn hóa, nghệ thuật mang tinh thần đổi mới, sáng tạo để hội tụ nguồn lực, tạo bước chuyển mới mang tính nền tảng xây dựng Hà Nội - Thành phố sáng tạo...

Theo Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý, Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô cần định hướng ưu tiên sản xuất các sản phẩm văn hóa dựa trên di sản dành cho giáo dục phổ thông. Đây vừa là nhiệm vụ chính trị để đào tạo con người của công nghiệp văn hóa, vừa là một trong những trụ cột chính, quyết định sự bền vững của công nghiệp văn hóa. Công nghiệp văn hóa Hà Nội chỉ thực sự bền vững khi dựa trên những giá trị văn hóa cốt lõi của quốc gia - dân tộc, của Thăng Long - Hà Nội. Cần xây dựng quy tắc đạo đức đối với việc sử dụng di sản văn hóa trong kinh tế, xã hội hóa quản lý khai thác di sản, di tích với nội dung mà các công ước quốc tế, luật pháp Việt Nam quy định.

Còn Viện trưởng Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam Bùi Hoài Sơn cho rằng, vấn đề cốt lõi để phát triển công nghiệp văn hóa hay Thành phố sáng tạo là hội tụ, phát huy nguồn lực nội sinh, năng lực sáng tạo, tinh thần Thăng Long - Hà Nội trong mỗi người. Do vậy, cần định hình tư duy, phương thức quản lý văn hóa trong bối cảnh phát triển mới của Hà Nội và đất nước. Đây là cơ sở để các cơ quan chức năng đưa ra những quy định về cách thức biểu đạt, thể hiện..., giúp các chủ thể sáng tạo định hình sản phẩm theo hướng phục vụ lợi ích chung của cộng đồng; đồng thời, phát huy năng lực riêng có trong mỗi con người.

Nhà báo, nhà nghiên cứu không gian sáng tạo Trương Uyên Ly nhìn nhận, cùng với những giải pháp căn cơ để phát triển lành mạnh thị trường văn hóa, Hà Nội cần định hướng hoạt động đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa bằng những cơ chế chính sách kiến tạo, như: Miễn giảm thuế, cho thuê ưu đãi dài hạn mặt bằng, tăng cường bảo hộ bản quyền...; tập trung cho những dự án tiềm năng có thể mang lại hiệu quả cao để hoàn thành mục tiêu chung là phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Có thể nói, những người yêu Hà Nội dù ở bất cứ nơi đâu đều hết sức tâm huyết với văn hóa Thăng Long - Hà Nội và cùng chung mong muốn Thành ủy Hà Nội sớm ban hành Nghị quyết chuyên đề về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045", từ đó tạo nguồn động lực mới mang tính đột phá cho công nghiệp văn hóa, thành phố sáng tạo, góp phần hội tụ - kết tinh - lan tỏa những giá trị thời đại.

*

*           *

Từ những vấn đề nêu ra trong loạt bài viết "Phát triển công nghiệp văn hóa: Khơi nguồn cho những dòng chảy", có thể nhận định: Việc Thành ủy Hà Nội lựa chọn xây dựng Nghị quyết chuyên đề về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" làm bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô với tầm nhìn rộng mở, nhằm bắt nhịp xu thế thời đại, có ý nghĩa vô cùng quan trọng và phù hợp với thực tiễn phát triển của Thủ đô trong thời đại kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế. Đây sẽ là nền tảng, động lực và sự dẫn hướng cho việc không ngừng nâng cao chất lượng văn hóa; bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; thu hẹp khoảng cách, nâng cao khả năng thụ hưởng văn hóa giữa các vùng; góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa Hà Nội trở thành một trong ba trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước, kinh đô sáng tạo của khu vực... Đây cũng là mong muốn, kỳ vọng của nhân dân Thủ đô, bạn bè trong nước và quốc tế.

Quyết định 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8-9-2016 về phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 quy định, công nghiệp văn hóa là một phạm trù rộng, bao gồm đa dạng lĩnh vực, như: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa.