Phát triển kinh tế bằng mô hình mây tre đan

Xuất phát từ nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm mây tre đan của các nước Châu Âu, nhiều hộ dân tại Chương Mỹ (Hà Nội) đã mạnh dạn đầu tư để mở xưởng sản xuất mây tre đan truyền thống, đem lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động tại địa phương.
nguoi-dan-dan-thu-cong-1632277851.jpg
 

Mở rộng mô hình sản xuất trên toàn huyện

Chương Mỹ từ lâu đã nổi tiếng với làng nghề mây tre đan truyền thống ở Phú Vinh. Với những lợi ích kinh tế đem lại, mô hình này đang ngày càng được phát triển và mở rộng trên toàn huyện Chương Mỹ. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư vốn để mở xưởng sản xuất mây tre đan, xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản,... đem lại nguồn lợi nhuận không hề nhỏ.

Để đảm bảo yêu cầu mở rộng mô hình sản xuất đi đôi với tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm, các xưởng sản xuất đã đưa các thiết bị máy móc, kỹ thuật hiện đại vào quy trình sản xuất. Đồng thời, hợp tác và liên kết với các công ty xuất khẩu, kinh doanh mây tre đan lớn, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Với mẫu mã  đẹp và chất lượng cao, các sản phẩm mây tre đan truyền thống ở các làng nghề tại Chương Mỹ luôn được các đối tác nước ngoài ưu ái, giao cho nhiều hợp đồng lớn.

Chị Nguyễn Phương Thảo, một chủ xưởng mây tre đan tại Tân Tiến, Chương Mỹ chia sẻ: “Nhận thấy sản xuất mây tre đan mang lại hiệu quả kinh tế cao lại có thể giúp được bà con trong vùng có thêm việc làm, nên tôi quyết định đứng ra mở xưởng sản xuất. Tôi đã học hỏi được kinh nghiệm từ những cô chú đi trước và những làng nghề có tên tuổi như làng mây tre đan Phú Vinh ở huyện mình nên việc mở xưởng đã bớt được một phần khó khăn”.

san-pham-hien-da-co-cho-dung-tren-thi-truong-1632277850.jpg
 

Tạo công ăn việc làm cho người lao động

Đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ngày càng tăng của thị trường, các xưởng sản xuất mây tre đan truyền thống xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn huyện. Với yêu cầu sản xuất một lượng lớn sản phẩm, mỗi xưởng sản xuất cần từ 300 đến 400 nhân lực làm việc. Tạo được công ăn việc làm ổn định cho người dân trong toàn địa phương.

Các sản phẩm mây tre đan đa dạng mẫu mã, độ khó tùy thuộc vào hình thức của sản phẩm. Chỉ cần khéo tay và chăm chỉ học hỏi một chút người lao động đã có thể cho ra những sản phẩm vô cùng đẹp mắt. Thực tế cho thấy, để làm ra các sản phẩm mây tre đan, người lao động không cần ngồi tại công xưởng, không cần sử dụng các móc hiện đại. Bởi thế, tìm về các làng nghề mây tre đan tại Chương Mỹ không khó để ta bắt gặp hình ảnh các bác, các chị ngồi tại các quán nước, gốc đa,... với đôi tay thoăn thoắt đan hàng.

Nghề mây tre đan đã giúp nhiều người dân địa phương có thu nhập ổn định và cuộc sống tốt hơn. Công việc không quá tốn sức, chỉ cần sự cần cù, khéo léo, siêng năng của người làm nghề. Nghề đan lát này cũng không hề kén người lao động, dù là người già hay trẻ nhỏ cũng đều có thể làm được. Thu nhập bình quân một ngày công đạt 50.000 -150.000 đồng/người.

Chị Nguyễn Thị Hồng, người dân xã Tân Tiến tâm sự: “Công việc chính của tôi làm ruộng. Vào những đợt công việc đồng áng rảnh rỗi, tôi lại lấy hàng mây tre đan của các xưởng tại địa phương về để làm. Công việc không quá khó, không bó buộc thời gian phù hợp với những người làm nông như tôi mà thu nhập từ công việc này cũng rất ổn định”.

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các phương án giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển đã gây ra không ít khó khăn cho các xưởng sản xuất mây tre đan. Quá trình nhập nguyên liệu bị trì hoãn, người lao động phải sản xuất cầm chừng do sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, không thể xuất khẩu. Rất nhiều đơn hàng, hợp đồng lớn ở nước ngoài đã phải hủy bỏ hoặc tạm ngưng do ảnh hưởng của dịch bệnh. Các xưởng sản xuất đã phải tạm thời dừng hoạt động một thời gian. Với những sản phẩm đã được hoàn thiện trước đó, người lao động phải dùng nhiều biện pháp bảo quản khác nhau, đảm bảo sản phẩm không bị ẩm mốc khi lưu trữ lâu trong kho hàng, đợi khi dịch bệnh qua đi mới có thể xuất hàng.

Hiện tại, khi dịch Covid-19 tại địa phương đã dần được kiểm soát ,các xưởng mây tre đan truyền thống đã bắt đầu hoạt động trở lại, khắc phục những khó khăn sau dịch. Những lô hàng còn tồn kho đã được xuất đi, nguồn nguyên liệu cũng ổn định trở lại, đảm bảo cho hoạt động sản xuất của các xưởng. Ngoài ra, các xưởng sản xuất cũng đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương để ổn định lại quy trình sản xuất sau dịch .

Ngành nghề sản xuất mây tre đan đã và đang là một huớng phát triển kinh tế mang lại thu nhập cao, đóng góp tích cực vào những chuyển biến về kinh tế và xã hội tại Chương Mỹ. Mặc dù vẫn gặp phải một số khó khăn nhất định nhưng mô hình kinh tế này hứa hẹn sẽ đạt được những bước tiến mới, đem lại thu nhập cao cho người lao động.