Dũng tướng thời Lê Trung Hưng
Những ngày này, con cháu dòng họ Ngô Trảo Nha (Hà Tĩnh) làm ăn, sinh sống khắp cả nước đang hướng tới Lễ kỷ niệm 445 ngày sinh, 370 năm ngày mất danh nhân Ngô Phúc Vạn (1577 – 1852) và 30 năm nhà thờ Tổ (nơi thờ tự Ngài) cũng như Lăng mộ Ngài được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia, dự kiến tổ chức vào ngày 5/8/2022, tại thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc.
Ngô Phúc Vạn còn có tên là Ngô Phúc Mại, tự Tử Hán, hiệu Huân dương Chân nhân, sinh ngày 24/8 năm Đinh Sửu -1577, mất ngày Rằm tháng 8 năm Nhâm Thìn – 1652. Ông sinh ra trong một gia đình quý tộc danh tiếng.
Ông nội ông là Thái bảo Thế quận công Ngô Cảnh Hựu là một dũng tướng có sức khoẻ hơn người. Lớn lên gặp lúc quê hương nhiều trộm cướp, ông tập hợp gia thuộc chiếm cứ huyện nhà (huyện Thiên Lộc – phủ Đức Quang, trấn Nghệ An) người theo ngày một đông. Ông đưa quân vào núi lập trại khẩn hoang luyện quân, chiếm cứ một vùng từ bờ nam sông Lam trở vào đợi thời cơ. Năm 1546 nghe tin vua Lê đặt hành cung ở Vạn Lại (Thọ Xuân - Thanh Hóa) ông đem binh mã gồm 2 nghìn quân, 10 võ tướng 20 ngựa chiến theo Trịnh Kiểm phò vua Lê (giai đoạn Lê Trung Hưng) lập nhiều công. Khi Triều đình luận công khen thưởng, ông được xếp thứ 6 trong các Trung hưng Công thần được phong “Lũy đại công thần dữ quốc đồng hưu”.
Cha ông là Tứ quận công Ngô Phúc Tịnh, một danh tướng nhà Hậu Lê, hai mươi năm phục vụ trong phủ Chúa lên đến ngôi Thượng công được ngồi vào “Nghị sự đường” bàn việc nước.
Ngô Phúc Vạn tướng mạo khôi ngô kỳ vỹ, là một người văn võ toàn tài không chỉ võ nghệ cao cường, thông hiểu binh thư trận pháp mà thánh kinh hiền truyện, thiên văn, địa lý, toán học đều tinh thông. Là một trọng thần, một danh tướng của triều đình Lê - Trịnh, gần 50 năm cầm quân, trải qua bốn triều vua: Lê Thế Tông, Lê Kinh Tông, Lê Thần Tông, Lê Chân Tông. Ông là một tướng tài đánh Đông dẹp Bắc lập nhiều chiến công. Phía Bắc diệt Mạc bắt được vua Càn Thống nhà Mạc là Mạc Kính Cung (1625), phía Nam chống Nguyễn giữ yên bờ cõi, bảo vệ chính đường, khẩn hoang ruộng đất, đưa lại lợi ích cho trăm họ trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động ở nước ta từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII.
Theo “Gia phả họ Ngô Trảo Nha” năm 1623 ông mời thầy địa lý chọn đất xây dinh cơ trên núi Nghèn; bao gồm bên ngoài đặt ba lần cửa, phía trong ba toà nhà lớn cao rộng, bên trái phải trước sau liên tiếp 30 toà nhà tường vôi nền đá thật nguy nga, xây dựng trong thời gian 21 năm.
Bên trái có tàu ngựa, gồm 50 con, con nào cũng bành gấm yên vàng, Phía nam có Nương Lậm là một nhà kho đất rộng 2 mẫu, phía tây bắc núi Nghèn đặt một nhà trù táo để phát chẩn cơm gạo cho người nghèo, sau này nhân dân gọi là trại Nhà cơm
Sau núi Nghèn ông cho làm bến đặt một xưởng thuyền chứa được năm chiến thuyền lớn. Khúc sông từ làng Cự Lâm (xã Vượng Lộc) đến Cổ Kênh (xã Thạch Kênh) thành gia sản, dân chài đánh cá nộp lại một phần. Ông cũng cho mở “Con đường Thiên lý” đi qua đò Nghèn xuống Ngoại Thiên Lộc (xã Thuần Thiện hiện nay) qua qua Thạch Lỗi, Cổ Kênh (Thạch Kênh) rồi đi về phía Nam; nhờ có con đường ấy người buôn bán ở thành thị đi lại rất đông, ngày càng đô hội, nhân vật phồn thịnh.
Thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, Ngô Phúc Vạn được cử làm Trấn thủ Nghệ An. Ông cùng với con trai Ngô Phúc Thiêm giữ yên bờ cõi, bảo vệ nhân dân yên vui, làm ăn, hưởng thái bình no ấm. Năm sau về triều, Chúa hỏi về tình hình biên giới phía nam, ông nói: “Xin Chúa an tâm, nay cha con tôi còn ở đó, giặc chưa dám dòm ngó châu Hoan, một mai thế sự biến thiên, tôi không thể biết trước được”. Chúa nói : “Cha con ông thực là Xã tắc chi Trảo Nha” (Nanh vuốt của nước nhà). Từ đó xã Đan Liên được đổi thành xã Trảo Nha. Những tên đất tên làng ấy còn còn mãi đến ngày nay!
Ngô Phúc Vạn làm quan đến chức Phó tướng Trung nhuệ Quân doanh, tước Thái Bảo, sắc phong là Tào Quận công. Ông từng được Chúa Trịnh Tráng uỷ thác cầm Kim sách lên điện Đan Trì chủ trì lễ thiết triều được bách quan lạy mừng (1652)
Cả cuộc đời gắn bó với binh nghiệp, lúc về già ông được cấp thực điền 2 ngàn mẫu ruộng từ vùng Thổ Sơn đến Thái Hà (Sơn Lộc ngày nay) gồm 18 trang trại như trại La, trại Am, trại Đoan …; nhà ngói 32 toà, được hưởng lộc 18 xã từ Trảo Nha đến Bích Hội, Bạng Châu, phú quý hào hoa đến là tột bực. Ông đem chia hết cho nhân dân các xã cày cấy làm ăn và giữ hương hoả nhà thờ. Ông về Thái Hà (xã Sơn Lộc - Can Lộc ngày nay) lập am Phúc Quy tu tiên luyện Đạo với Pháp hiệu là Huân Dương Chân Nhân, thông hiểu nho y lý số; nhân dân thường gọi là “Phật Thái Bảo”, khi mất ông được nhân dân địa phương lập đền thờ tại quê nhà. Đền thờ và mộ Tào quận công Ngô Phúc Vạn được xếp hạng Di tích Lịch sử cấp quốc gia năm 1992.
Ông có 7 bà vợ, 25 người con gồm 15 con gái, 10 con trai phân thành 10 chi, làm ăn sinh sống trên cả nước! Con cái, hậu duệ ông đâu cũng phát triển thịnh vượng sản sinh ra nhiều danh nhân trên các lĩnh vực văn hóa, khoa học, lịch sử, quân sự…
Nhân lên niềm tự hào
Năm 2016, UBND huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đã tổ chức lễ đón nhận bằng chứng nhận Kỷ lục Việt Nam “Tôn vinh giá trị nội dung kỷ lục họ Ngô Trảo Nha - dòng họ 18 Quận công”. Trước đó, tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục Việt Nam cho họ Ngô Trảo Nha - dòng Ngô Nước với 3 nội dung: dòng họ có nhiều Quận công nhất với 18 vị; dòng họ có nhiều đời liên tiếp được phong tước Quận công với 8 đời (từ đời thứ 5 đến đời thứ 12); dòng họ có ba anh em ruột được phong ước Quận công cùng một ngày (đồng nhật đồng phong).
Riêng ở quê hương thị trấn Nghèn, các thế hệ con cháu họ Ngô Trảo Nha qua các thời kỳ đã và đang viết tiếp những trang sử sáng ngời cho đất nước quê hương và dòng họ.
Thời cận đại họ Ngô Trảo Nha xuất hiện nhiều gương mặt tiêu biểu trong lịch sử, như Ngô Đức Kế (1878 – 1929) - đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân, năm Tân Sửu Thành Thái thứ 13 (1901), không ra làm quan mà chấp nhận hy sinh lao vào con đường cứu nước cứu dân và trở thành lãnh tụ của phong trào Duy Tân đầu thế kỷ 20.
Ngô Đức Diễn em trai Ngô Đức Kế – lãnh tụ của Tân Việt Cách mạng Đảng đầu thế kỷ 20. Ông bị bắt và giam cầm ở các nhà lao, mặc dù bị thực dân Pháp dùng mọi nhục hình tra tấn đến chết nhưng ông vẫn luôn giữ vững chí khí kiên trung với Đảng, với nhân dân. Ông được Nhà nước công nhận là liệt sĩ năm 2018.
Ngô Đức Đệ (1905 – 1992), người thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Kon Tum, Bí thư chi bộ nhà lao Kon Tum bị tra tấn dã man và mang thương tất suốt đời. Sau này, ông là đại sứ Việt Nam tại Ba Lan rồi Viện trưởng viện Huân huy chương. Ngô Đức Tốn, em trai Ngô Đức Đệ là Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Ninh Thuận.
Ngô Đức Mậu (1908 – 1987) gia nhập tổ chức Tân Việt từ 1927. Năm 1930, ông là Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Thanh Hóa, khi bị giặc bắt chúng dùng nhục hình bắt ông phải quỳ xuống trước mặt tên chánh mật thám, ông đã khẳng khái trả lời chúng: “Tao là thầy giáo, mà ở nước tao, đã là thầy giáo thì không bao giờ quỳ!”.Tháng 3/ 1945, ông là Chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa huyện Can Lộc, Chính uỷ đội Tự vệ đỏ. Sau cách mạng là Chủ tịch Uỷ hành chính kháng chiến xã Đại Lộc, huyện Can Lộc (nay là thị trấn Nghèn) Sau làm, ông Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu sách báo Việt Nam, Chủ nhiệm Báo ảnh Việt Nam, Phó Tổng thư ký Hội nhà báo Việt Nam
Xuân Diệu (1916 - 1985), là nhà thơ, nhà báo, nhà văn viết truyện ngắn và nhà phê bình văn học người Việt Nam, là một trong những nhà thơ tiêu biểu trong phong trào Thơ mới đầu thế kỷ XX. Được đánh giá là "nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới", (Hoài Thanh). Xuân Diệu từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I. Ông còn được bầu là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật nước Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1983. Xuân Diệu được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 1).
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, họ Ngô Trảo Nha trên địa bàn Hà Tĩnh đã có 83 liệt sĩ trong đó tại thị trấn Nghèn đã có 44 người con ưu tú của họ Ngô đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Có một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là bà Lê Thị Lục, (có 2 con là liệt sỹ)
Ngày nay con cháu họ Ngô Trảo Nha trên mọi miền đang tiếp bước ông cha, phát huy mạnh mẽ truyền thống quật cường của Tổ tiên, ra sức học tập công tác và lao động sản xuất đạt nhiều thành tích trên mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật và văn hoá, xã hội; đóng góp công sức của mình xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.