Phóng cuồng ca, kiệt tác văn chương của Tuệ Trung Thượng Sĩ

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

26/03/2023 18:54

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu bài của Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục "Phóng cuồng ca, kiệt tác văn chương của Tuệ Trung Thượng Sĩ"

b1vbl1a-1679831462.jpg

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục.

 

BÀI NGÂM PHÓNG CUỒNG

“Trời đất xa trông chừ, sao thấy mênh mang,

Ngoài vòng cương tỏa chừ, chống gậy chơi rong.

Lên cao cao chừ, núi có mây ẩn,

Xuống sâu sâu chừ, nước thẳm đại dương.

Đói thời ăn chừ, có cơm Hòa La,

Mệt thời ngủ chừ, ở làng Hư Không.

Khi hứng khởi chừ, thổi sáo không lỗ,

Lúc lặng thắp chừ, giải thoát hương.

Mệt nghỉ chút chừ, tìm nơi hoan hỉ,

Khát uống no chừ, dùng tiêu dao thang.

Thôn Vạn Niên chừ, ngâm thơ Khảo Bàn,

Dòng Cửu Khúc chừ, hát khúc Thương Lang.

Tìm thăm Tào Khê chừ, vái chào Lô Thị,

Yết kiến Thạch Đầu chừ, sánh ngang Lão Bàng.

Vui cái vui của ta chừ, cùng dòng túi vải,

Ngông cái ngông của ta chừ, khuyên giáo thập phương.

Chà chà ! Giàu sang chừ, như đám mây nổi,

Than ôi ngày tháng chừ, như ngựa qua song.

Làm gì chừ, thói đời viêm lương,

Sâu thời dấn áo chừ, cạn thời xắn gọn,

Dùng hay bỏ chừ, theo lẽ hành tàng.

Phóng thân tứ đại chừ, ta yên chốn ở,

Sống chết bức ép chừ, ta chẳng tổn thương”.

Bài PHÓNG CUỒNG NGÂM (Bài ngâm phóng cuồng) được Trần Tung thể hiện dưới hình thức Sở Từ, một kiểu từ khúc của nước Sở thời Chiến Quốc bên Tàu. Khuất Nguyên (còn có tên là Khuất Bình), nhà thơ yêu nước vĩ đại, đồng thời là quan Đại phu của nước Sở từng viết tác phẩm Ly Tao theo điệu Sở Từ. Đấy là một kiệt tác văn chương, còn truyền mãi đến ngày nay.

Trương Hán Siêu (?-1354), một vị đại quan ở triều Trần cũng đã dùng hình thức Sở Từ này để viết đoạn mở đầu bài BẠCH ĐẰNG GIANG PHÚ bất hủ. Ở đây, chữ “hề” cũng như chữ “chừ”, chức năng cũng tương tự như nhau. “Sớm gõ thuyền chừ Nguyên Tương / Chiều lần thăm chừ Vũ Huyệt…” (Bài phú về sông Bạch Đằng). Chữ “chừ”, hay chữ “hề” được dùng như một hư từ đấy thôi. Nó tựa như một tiếng đệm trong dân ca, một nhịp phách trong âm nhạc, góp phần tạo nên tiết tấu, tạo nên giai điệu nhịp nhàng, đưa đẩy thanh thoát của khúc ngâm dài…

Bài PHÓNG CUỒNG CA, tức bài ca phóng cuồng. Hoặc là PHÓNG CUỒNG NGÂM, tức khúc ngâm phóng cuồng này, có lẽ được Trần Tung “phóng tác” khi ngài đã lui về DƯỠNG CHÂN TRANG ở Tĩnh Bang, ấp phong của ngài, để an nhiên tu Thiền tại gia, sống cuộc đời phóng túng cùng với thiên nhiên sông nước mây trời nơi góc biển. Bên kia sông Hóa, chính là ấp được phong của cha ngài là Trần Liễu, khi Trần Liễu còn là Phò Mã của triều Hậu Lý. Đất A Sào (nay thuộc huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), là căn cứ hải quân chiến lược cực kỳ quan trọng của nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Một cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nước Đại Việt ta thời ấy.

Cũng từ căn cứ thủy quân A Sào, Quốc Công Tiết Chế, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, em trai Trần Tung, đã chủ động tung đội quân chủ lực chiến lược của mình, vượt qua sông Hóa, lặng lẽ tiến lên Vạn Kiếp, để dàn trận phục kích, bất ngờ đánh chặn và tiêu diệt đội quân Nguyên Mông thiện chiến đang tháo chạy ra biển, trên sông Bạch Đằng lịch sử. Chúng ta cũng có thể tin rằng, A Sào là nơi mà Trần Quốc Tuấn đã được sinh ra. Mà chính Hưng Ninh Vương Trần Tung cũng đã có một thời là Tiết Độ Sứ ở vùng đất ven biển, xưa từng gọi là phủ Thái Bình.

Mở đầu khúc ngâm phóng cuồng, đã thấy cái quang cảnh sông biển mây khói bát ngát mênh mang, đồng thời là hình ảnh “người phóng cuồng” như tạc như in vào khoảng trời nước mịt mờ, xa thẳm…

Trời đất xa trông chừ, sao thấy mênh mang,

Ngoài vòng cương tỏa chừ, chống gậy chơi rong.

Đấy là một sự khái quát hình ảnh một lão trượng đang chống gậy ung dung dạo bước ngắm cảnh trời mây non nước quê nhà, cảm thấy như mình đã trút bỏ được gánh nặng nhiêu khê của thế tục, đang sống tự do tự tại ngoài vòng cương tỏa của thói đời bụi bặm mà rong chơi ngoài cõi gió mây… Cũng đã thấy gợn lên mang mang một nỗi cảm hoài của người từng trải quá nhiều tháng năm bầm dập với việc đời dâu bể…

Rồi ngước nhìn lên, thấy cao cao là núi, lại thấy có mây vờn ẩn hiện trong núi. Cửa biển sông Hóa, một bên là các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng của thành phố Hải Phòng ngày nay, xưa các cụ thường gọi là cửa Đại Bàng. Từ đây, nhìn ra Hòn Dáu xanh thẫm ở Đồ Sơn, gần lắm. Rồi thi nhân cúi nhìn xuống đáy đại dương, thấy nước thẳm sâu sâu…

Người phóng cuồng dạo chơi dường như không cần những thứ ẩm thực cao sang, không cốt ở việc ăn việc uống. Nhưng nếu bỗng dưng mà có cơn đói hoa mắt sầm sập kéo đến, thì đã có “cơm Hòa La” đây rồi. Không phải cơm hạt cơm nắm cơm gói gì đâu, mà chỉ là thứ cơm được nấu bằng “hương Hòa La”, một thứ hương cực quý, cực hiếm, chỉ thấy được ghi trong bài “Hòa hương phượng tự” của Phạm Úy Tông đời cổ đại bên Tàu mà thôi. Đấy là một thứ cơm rất lạ, chả phải như thứ cơm để cho người trần mắt thịt ăn đâu.

Chơi chán chơi mệt rồi thì nghỉ, thì ngủ. Mà ngủ ở một cái làng có cái tên cũng rất ngộ là LÀNG HƯ KHÔNG, tức một cái làng không có, cái làng hư huyễn. Đố ai tìm thấy nó trong các sách từ điển bách khoa của nhân loại. Thế mới là khác người đời chứ! Thế mới thật là “phóng cuồng” chứ!

Người phóng cuồng một khi có hứng đến, hoặc gọi hứng về, thì ung dung thổi sáo chơi. Nhưng đó cũng là một cây sáo chưa hề có trên cõi đời này. Sáo gì vậy? Ấy là cái “sáo không lỗ”. Và những khi tĩnh lặng, tấm lòng thành bỗng nhiên muốn chiêm bái một đấng siêu nhân nào đó, lão trượng kia lại nhẩn nha thắp một nén hương. Nhưng cũng không phải là một thứ hương thông thường, mà là “hương giải thoát”. Gọi cho nó có vẻ huyền bí sang trọng hơn một tý thì đấy là “giải thoát hương”. Một thứ hương vô hình vô ảnh, cũng chỉ có ở nơi thoát tục mà thôi!

Nhưng mà dạo chơi mãi rồi thì cũng mệt. Mệt thì phải tìm nơi tìm chốn mà nghỉ ngơi, nhưng nơi ấy phải là cái “nơi hoan hỉ” kia! Cái nơi có địa danh “hoan hỉ” ấy nó mông lung mờ ảo, hỏi tìm đâu cho thấy trên bất cứ thứ bản đồ hành chính nào ở cõi tục? Khi khát thì uống thật no, thật đã. Nhưng người “phóng cuồng” chỉ uống rặt một thứ nước gọi là “Tiêu dao thang”, để giải khát, để giải thoát mà thôi. Thế là cái sự chơi, sự ăn, sự uống, sự nghỉ của trượng phu phóng cuồng, chẳng phải là khác người lắm hay sao ! Chẳng phải là độc nhất vô nhị hay sao! Bây giờ thì ta:

“Vui cái vui của ta chừ, cùng dòng túi vải,

Ngông cái ngông của ta chừ, khuyên giáo thập phương”!

Thế thì ngài đã quyết lòng dứt bỏ tất cả để quy Phật rồi. Quy Phật rồi, lại còn muốn làm cả “bố đại hòa thượng”, tức là quẩy cái túi vải ở đầu cây gậy mà đi khuyến giáo khắp chân trời góc bể. Sách TRUYỀN ĐĂNG LỤC có ghi lại chi tiết này của hành giả đời xưa. Tác giả cũng muốn học theo cái ngông của người xưa, Rồi thì tự vui với cái vui của những người “cùng dòng túi vải”, vậy đấy!

Rồi vừa đi vừa ca rằng:

“Chà chà! Giàu sang chừ, như đám mây nổi,

Than ôi ngày tháng chừ, như ngựa qua song.

Làm gì chừ, hoạn đồ hiểm trở,

Biết sao chừ, thói đời viêm lương?”

Đấy là tư tưởng, tạm gọi là những triết thuyết thường thấy trong văn chương của người xưa, về sự biến hóa của vạn vật, về thời gian như bóng ngựa vút qua song cửa sổ, qua đó mà luận về cái giới hạn của đời người trong cõi tạm.

Như thế là ngài vẫn còn đó ngổn ngang cái sự trở trăn tươi héo về nhân tình thế thái. Hoạn lộ thì chông gai hiểm hóc khó lường. Thói đời thì “viêm lương”, đen bạc, nóng lạnh thất thường. Đó là những nghiệm suy không mới. Chỉ là những đúc kết từ muôn đời, được nhắc lại, được nhấn mạnh, để tỏ cái ý chua chát mà thôi!

Kể cả như những sự “sâu thời dấn áo”, “cạn thời xắn gọn”, hay như sự “dùng hay bỏ” ư? Thì ta cũng đành phải theo cái “ lẽ hành tàng”… chung quy, cũng là những điều trông thấy, mà cũng có thể bản thân tác giả cũng đã từng nếm trải. Thế nên, bây giờ mới “phóng thân tứ đại”, chẳng có gì bó buộc được tấm thân tự do này? Theo “Viện Giác Kinh” thì bốn cái lớn là “Đất”, “nước”, “lửa” và “gió” hợp lại thành cái thân hình con người. Đó là chữ của nhà Phật. Giải phóng cái thân người làm kẻ tự do, mà “chơi cho trọn đời”, chẳng phải “lo lường” chi nữa… Thế chẳng phải cũng là thỏa ước mong rồi đó hay sao? Đã yên chốn ở rồi, thì “sống chết bức ép chừ, ta cũng chẳng tổn thương” đâu!

“Bài ca phóng cuồng” của Trần Tung thể hiện quan niệm hành tàng của người quân tử chính danh, đồng thời là ý chí quyết giũ bỏ những ràng buộc xác thân để tự giải thoát, để “phóng cuồng” cùng với gió mây bay sang một thế giới khác ở ngoài cõi tục.

Tuy nhiên, đoạn cuối của bài ca, cho thấy rằng tác giả vẫn còn đó những day dứt khôn nguôi những suy tư trần thế, chưa gột rửa được bụi trần ai. Do đó, PHÓNG CUỒNG NGÂM cũng chỉ là một cách, một phương tiện nghệ thuật để thể hiện những ẩn ức sâu kín và tế nhị của tác giả đấy thôi!

Nói đến lịch sử Phật giáo Việt Nam, không thể không nói đến Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung. Ngài chính là “Ngọn đèn Tổ của Phật Hoàng”, người khai sáng cho dòng Thiền nhập thế đầy quyến rũ, góp phần làm nên vẻ đẹp cao diệu trường tồn của Phật giáo đời Trần và văn hóa Phật giáo Việt Nam!

V.B.L

Bạn đang đọc bài viết "Phóng cuồng ca, kiệt tác văn chương của Tuệ Trung Thượng Sĩ" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn