Phong trào nông dân Tây Sơn và Đại Đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu (Kỳ 18)

PGS TS Cao Văn Liên

27/07/2023 06:03

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc cuốn sách “Phong trào nông dân Tây Sơn và Đại Đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu” của PGSTS Cao Văn Liên, do NXB Thanh Niên ấn hành.

Kỳ 18

CHƯƠNG III

  ĐẠI ĐÔ ĐỐC TÂY SƠN BÙI HỮU HIẾU- NHỮNG VẤN ĐỀ CÒN LẠI TRONG NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ TÂY SƠN

 Trong mấy thập niên trở lại đây, do cố gắng không mệt mỏi của các nhà sử học và các nhà khoa học xã hội khác,  phong trào cách mạng nông dân Tây Sơn và các nhân vật gắn bó với phong trào này đã được nghiên cứu làm sáng tỏ và đạt được những thành tựu to lớn. Các tác giả đã khôi phục lại tương đối đúng đắn diễn biến, các bước phát triển của phong trào, các trận đánh, các chiến dịch của cuộc chiến tranh nông dân vĩ đại. Lịch sử cũng đã đánh giá đúng đắn vai trò công lao của những lãnh tụ, tướng lĩnh Tây sơn, trả lại cho họ vị trí xứng đáng, đưa họ về với dòng chảy của lịch sử dân tộc.

  Sách “Tây Sơn lương tướng ngoại truyện” của Tiến sĩ Nguyễn Trọng Trì (1854-1922) biên soạn đề cập đến tư chất, sự nghiệp của 14 vị võ tướng, trong đó có 8 võ tướng quê ở Nghĩa-Bình:

-Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết

-Đô đốc Nguyễn Văn Lộc

-Tướng quân Lê Văn Hưng

-Tướng quân Phạm Cầu Chính

-Tướng quân Võ Đình Tú

-Tướng quân Đặng Xuân Phong[1]

Trong cuốn “Danh tướng Việt Nam” tập 3, tập chuyên khảo về các danh tướng nông dân thế kỷ XVIII và phong trào Tây Sơn,  ông Nguyễn Khắc Thuần đã nêu lên các danh tướng Tây Sơn:

-Thiếu phó Trần Quang Diệu

-Đại đô đốc Vũ Văn Dũng

-Đô đốc Nội hầu Phan Văn Lân

-Đô đốc Ngô Văn Sở

Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết

-Tây Sơn nữ tướng Bùi Thị Xuân

-Đô đốc Đặng Tiến Đông. [2]

Ngoài các võ tướng, các tác giả còn nghiên cứu khôi phục lại tương đối rõ ràng cuộc đời sự nghiệp những trí thức trở thành các nhà chính trị, ngoại giao lỗi lạc thời đại Tây Sơn:

-Ngô Thời Nhậm (1746-1802)

-Phan Huy Ích (1751-1822)

-Trần Bá Lãm

-Võ Huy Tấn

-Nguyễn Văn Dụng.

-Trần Thuận Ngôn. [3]

Ai cũng biết rằng, phong trào chiến tranh cách mạng nông dân Tây Sơn tồn tại 18 năm, có qui mô cả nước thì không chỉ có khoảng 20 người văn võ cao cấp như lịch sử đã biết. Các tướng lĩnh, các đô đốc, các đại đô đốc, các nhà chính trị, các nhà ngoại giao còn nhiều hơn nữa. Nhưng một thực tế là sau khi triều Tây Sơn sụp đổ, Nguyễn Phúc Ánh và vương triều Nguyễn đã tiến hành trả thù, truy lùng những tướng lĩnh, những người cộng tác với Tây Sơn một cách hết sức dã man, biểu hiện mối thù giai cấp không đội trời chung của Vương Triều Nguyễn với nhà Tây Sơn. Mộ Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ bị khai quật và xương sọ bị giam vào ngục tối. Vua Cảnh Thịnh và các con của vua Quang Trung như Quang Thuỳ, Quang Bàn, Quang Cương, Quang Tự, Quang Thất, Quang Duy đều bị bắt và bị hành hình tàn khốc. Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân và hai con bị bắt và bị thắt cổ chết. Bà Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền, mẹ Lê Ngọc Hân bí mật tìm thi hài con gái và hai cháu về chôn ở Phù Ninh (Bắc Ninh). 50 năm sau việc bại lộ, vua Thiệu Trị ra lệnh khai quật ba ngôi mộ, ném hài cốt xuống sông. Tổng đốc Bắc Ninh vì việc này mà bị giáng chức. Rùng rợn nhất là Nguyễn Phúc Ánh hành quyết vợ chồng Thiếu phó Trần Quang Diệu. Trần Quang Diệu bị lột da, Bùi Thị Xuân thì bị quân Nguyễn dùng voi xé xác, con gái thì bị thiêu sống. Các tướng lĩnh của Nguyễn Phúc Ánh cũng đua nhau trả tư thù tư oán, giết hại những người cộng tác với Tây Sơn. Tay chân của Nguyễn Phúc Ánh đã đánh chết  nhà ngoại giao, nhà chính trị tài năng Ngô Thời Nhậm bằng roi tẩm thuốc độc. Triều Tây Sơn bị các sử sách và các văn kiện của nhà Nguyễn gọi là “Nguỵ Triều”. Nhà Nguyễn cố gắng xoá đi tất cả những dấu tích của Vương Triều Tây Sơn ở các văn bia,  đền miếu...

Sự trả thù khốc liệt, tàn bạo lâu dài của Vương Triều Nguyễn đã làm cho các tướng lĩnh và những người cộng tác với Tây Sơn khi đại cục thất bại, chính quyền này sụp đổ đã phải phiêu tán, mai danh ẩn tích, thay họ đổi tên, ngay cả gia phả của dòng họ của những người đó cũng không dám ghi sự thực. Hậu quả là người đương thời, người hậu thế và cả sử sách đều không biết về họ, hoặc là biết không chính xác, hoặc là chỉ biết được giai đoạn đầu, còn giai đoạn hậu Tây Sơn của họ thì phần lớn dựa vào giả thuyết. Như số phận không rõ ràng sau khi triều đại Tây Sơn sụp đổ của Phan Văn Lân, của Nguyễn Văn Tuyết, của Vũ Văn Dũng và còn biết bao nhiêu tướng lĩnh  khác nữa. Nhưng cũng có những tướng lĩnh mai danh ẩn tích về sống trong sự đùm bọc của quê hương, của dòng họ, của gia đình và bình an cho đến trọn đời. Gia phả họ Mạc còn ghi vài dòng về họ. Con cháu đời nay còn giữ được những di vật lịch sử quí giá quan trọng của thời đại Tây Sơn.  Đó là trường hợp hi hữu cho đến nay vẫn là có một không hai của danh tướng Đại đô đốc Tây sơn Bùi Hữu Hiếu ở làng Thượng Văn, xã Thăng Thọ, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá.

(Còn nữa)

CVL

-----------------------

[1]:Dẫn theo Bùi Thiết và các tác giả: Đối thoại sử học, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2000, tr. 374.

[2] :Nguyễn Khắc Thuần: Danh tướng Việt Nam, t3, Nxb Giáo dục, Hà Nội 1999, tr. 268-333.

[3] :Nguyễn Khắc Thuần: Danh tướng Việt Nam, sách đã dẫn, tr. 268-333.

Bạn đang đọc bài viết "Phong trào nông dân Tây Sơn và Đại Đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu (Kỳ 18)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn