Phong trào nông dân Tây Sơn và Đại Đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu (Kỳ 4)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc cuốn sách “Phong trào nông dân Tây Sơn và Đại Đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu” của PGSTS Cao Văn Liên, do NXB Thanh Niên ấn hành.

 Kỳ 4

 Trên cơ sở phát triển kinh tế, văn hoá, học thuật đời Trần phát triển có chiều sâu rộng và ra đời nhiều nhân tố mới. Chữ Hán không chỉ được dùng trong học hành thi cử, trong hành chính mà còn dùng để sáng tạo văn học. Nền sử học ra đời với bộ “Đại Việt sử ký” của Lê Văn Hưu gồm 30 quyển. Nho giáo đã chiếm ưu thế so với Phật giáo. Năm 1247 nhà nước đặt ra học vị trạng nguyên, thám hoa, bảng nhãn cho 3 người đỗ xuất sắc trong kỳ thi đình. Các nhà Nho thi đỗ đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền. Khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, y dược tiếp tục phát triển. Khoa học quân sự ra đời với tác phẩm “Binh thư yếu lược “ của danh nhân quân sự thế giới Trần Quốc Tuấn. Thiên văn học với nhà thiên văn tài năng Trần Nguyên Đán. Nguyễn Bá Tĩnh danh y tài giỏi mà tiếng tăm vượt khỏi biên giới nước nhà. Nghệ thuật điêu khắc tiêu biểu là họa tiết hoa sen vẫn đậm đà bản sắc Lý- Trần. Nghệ thuật ca múa nhạc dân gian và cung đình hoàn thiện đến tầm cao rực rỡ.

Sự phát triển cao của tinh thần dân tộc, của sức mạnh chính trị, kinh tế, văn hoá của Đại Việt dưới thời Trần thể hiện trong chiến công hiển hách thế kỷ XIII. Dưới sự lãnh đạo của các tướng soái lỗi lạc mà tiêu biểu là anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn, nhân dân ta đã đánh bại ba cuộc xâm lược của đế quốc Nguyên-Mông, một đế quốc hùng mạnh, hung ác nhất thời kỳ đó. Khúc khải hoàn ca oanh liệt chói lọi đời Trần không chỉ nói lên sức mạnh to lớn của dân tộc mà còn nói lên chế độ phong kiến Việt Nam đầu vương triều Trần đã phát triển đến thời kỳ hoàn thiện, tràn đầy sức sống khi nó biết dung hợp quyền lợi giai cấp cầm quyền với quyền lợi của toàn dân tộc, biết làm cho dân tộc có sức mạnh và biết phát huy sức mạnh đó trong công cuộc dựng nước và giữ nước.  Đó là nguyên nhân thành công của các nhà lãnh đạo đời Trần.

Vào cuối thế kỷ XIII kinh tế điền trang thái ấp bước vào cuộc khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng của hình thái kinh tế phong kiến này biểu hiện sự thoái hoá của tầng lớp cầm quyền. Quí tộc họ Trần đi theo vết xe của dòng họ Lý, đời cha ông lao tâm khổ tứ tìm mọi cách phát triển kinh tế quốc phòng,  “khoan thứ sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ”.  Đến đời con cháu hưởng hoà bình thì bước vào con đường tha hoá,  hưởng lạc, chỉ nghĩ đến mình mà không nghĩ đến nhân dân, chỉ nghĩ đến nhà mà không nghĩ đến nước. Bọn quí tộc ra sức cướp đoạt ruộng đất của nông dân để mở rộng điền trang thái ấp. Như Văn Huệ Vương Trần Quang Triều cúng cho nhà chùa 1.000 mẫu ruộng. Bên cạnh việc bị cướp đoạt ruộng đất,  nông dân còn phải nộp tô thuế nặng nề gấp bội so với trước, chịu nạn cho vay nặng lãi, nạn đục khoét của bộ máy tham ô,  hối lộ. Sang đầu thế kỷ XIV bộ máy nhà nước vua quan càng thối nát. Trong triều đình gian thần kết bè kết đảng hoành hành. Chu Văn An nhà giáo dục lớn thời kỳ đó đã dâng sớ xin chém 7 tên gian thần sâu mọt bậc nhất.  Đề nghị trên không được triều đình chấp nhận,  ông xin cáo quan về quê mở truờng dạy học. Nửa sau thế kỷ XIV nạn đói hoành hành trầm trọng. Mâu thuẫn giữa nông dân với nhà nước phong kiến vô cùng gay gắt,  đã biến thành những cuộc khởi nghĩa của nông dân chống nhà nước. Các cuộc khởi nghĩa đã làm lung lay nền thống trị của vương triều Trần.  Đối ngoại,  nhà Trần gây xung đột với Ai Lao và Chăm pa. Nửa sau thế kỷ XIV vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga liên tục mở những cuộc tấn công xâm phạm Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hoá. Có lần quân Chiêm Thành còn xâm phạm cả kinh thành Thăng Long. Nhà Trần đang đứng trước miệng hố diệt vong.

Tất cả quyền bính triều đình dần dần tập trung vào tay Hồ Quí Ly-dòng ngoại thích. Năm 1397 Hồ Quí Ly buộc vua Trần Thuận Tông về cung Bảo Thanh (huyện Hà Trung, Thanh Hoá). Tháng 3 năm 1398 vua Thiếu Đế khi đó mới 3 tuổi được đưa lên ngôi ở cung Bảo Thanh và ngay sau đó dời về thành An Tôn (Huyện Vĩnh Lộc Thanh Hoá). Sau khi giết chết 370 quí tộc họ Trần chống đối ở hội thề núi Đốn Sơn, Vĩnh Lộc[1], ngày 28 tháng 2 năm 1400 Hồ Quí Ly phế bỏ nhà Trần, lập ra một vương triều mới: Triều Hồ. Vương triều Trần do Trần Thủ Độ sáng lập trị vì được 175 năm với 12 đời vua. Vua đầu tiên là Trần Thái Tông (Trần Cảnh) 1225-1258, vua cuối cùng là Trần Thiếu Đế (1398-1400). [2]

Lên nắm chính quyền, Hồ Quí Ly đặt quốc hiệu là Đại Ngu (Niềm Vui Lớn), lấy thành An Tôn (Vĩnh Lộc Thanh Hoá) làm kinh đô, gọi là Tây Đô,  đổi Thanh Hoá thành trấn Thanh Đô, năm 1403 lại đổi thành phủ Thiên Xương. Hồ Quí Ly đã tiến hành một loạt các chính sách cải cách về kinh tế, chính trị, văn hoá, quân sự để cứu vãn chế độ đại điền trang thái ấp. Nhà nước ban hành chính sách hạn điền, hạn nô nhằm hạn chế quí tộc cướp đoạt ruộng đất của nông dân và biến nông dân thành nô tì, ban hành chính sách sử dụng tiền giấy, dùng chữ Nôm (Nam) thành chữ chính thức của quốc gia, tăng cường lực lượng quân sự nhưng chỉ chú ý số lượng, ra công xây dựng thành quách,  chiến luỹ.

Những cải cách của Hồ Quí Ly nhằm cứu vãn chế độ, cứu vãn quyền lợi của bọn quí tộc điền trang thái ấp nhưng bị chính tầng lớp này chống lại vì đụng chạm đến một phần quyền lợi của chúng. Cải cách cũng không mang lại quyền lợi cho nhân dân mà chỉ nhằm mang lại quyền lợi cho dòng họ Hồ. Vì thế cải cách thất bại. Nhân dân bất mãn với triều đại mới, lòng người ly tán.

Năm 1368 ở Trung Quốc Chu Nguyên Chương lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa nông dân lật đổ triều Nguyên, sáng lập ra triều Minh, kết thúc 90 năm thống trị Trung Hoa của người Mông cổ (1278-1368).  Đầu thế kỷ XV nhân cơ hội chế độ phong kiến Đại Việt khủng hoảng, nhà Minh tiến hành xâm lược nước ta. Nhà Minh huy động vào cuộc chiến tranh này một lực lương lớn, 20 vạn quân tinh nhụê gồm kỵ binh, bộ binh, hàng chục vạn phu phen phục vụ, tổng số người lên đến 80 vạn. Toàn bộ lực lượng viễn chinh đặt dưới quyền chỉ huy của các tướng giầu kinh nghiệm xâm lược của nhà Minh mà chủ soái là Trương Phụ.

(Còn nữa)

CVL

                         

 

[1]Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê: Đại Việt sử ký toàn thư, t2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1967-1968, tr. 197

[2] :Quỳnh Cư-Đỗ Đức Hùng:Các triều đại Việt Nam, sách đã dẫn, tr. 130.