Phù sa

Phù Sa là bút danh của Anh Tư, nhà anh ở bên kia con rạch Bằng lăng. Anh biết đàn Vọng cổ, biết ca vài bài ca tiền chiến trữ tình. Thỉnh thoảng anh cầm tờ báo có đăng những bài thơ của anh qua nhà tôi khoe, tuy tiền nhuận bút không được bao nhiêu nhưng có thơ đăng báo là vui rồi.
269743181-2961997384062883-1109577412113015989-n-1640335540.jpg

Anh hơn tôi 5 tuổi, anh theo cách mạng trước 1975 nên ngày 30/4/1975 anh là sỹ quan Giải phóng quân ngồi trên chiếc xe Jeep treo cờ Mặt trận giải phóng chạy từ Chắc cà đao về tiếp thu Thị xã. Bản tính anh là con nhà võ nên không chịu phục tùng ai, anh từng đậu Đại học và dạy tại trường Đại học Hòa Hảo thì làm sao chịu làm lính của mấy ông Sếp trình độ văn hóa thấp hơn mình. Thế là Anh từ từ được đưa ra xa xa khỏi mấy cái ghế lãnh đạo. Năm 1985 anh Tư được giữ chức PGĐ xí nghiệp Gạch ngói huyện X.. có mặt hay ở nhà cũng chẳng sao, cứ tới tháng lãnh lương và rảnh cứ làm thơ. Anh từng nói với tôi:

- Chú em mày có thể xem anh như một người bạn, nếu đã xem như bạn thì mình nên lấy những cái tốt của bạn mình che lại cái xấu của thằng bạn mình. Nhân vô thập toàn mà... Ông Thánh cũng chưa chắc cái gì cũng tốt. Biết che cái xấu của bạn thì bạn cũng sẽ tốt với mình hơn. Miệng thì nói bạn bè, anh em mà cứ xỉa xói bươi móc cái xấu của bạn thì mình từ từ sẽ không còn người bạn để chơi.

Câu nói thâm thúy của anh đã giúp tôi nghiệm ra nhiều điều và bây giờ như là một câu nói quý giá nhất mà tôi từng biết. Vợ anh thì càng thấy cuộc sống ngày càng khó khăn hơn, chị thì xoay trở đủ thứ nghề vẫn thấy thiếu, còn anh chỉ ngồi làm thơ nhưng thơ đâu phải là cơm là gạo! Nên cuối cùng hai anh chị chia tay nhau, và anh là người chấp nhận phần thiệt khi trước tòa anh giao hết tài sản cho vợ con, anh chỉ xin mang theo chiếc xe đạp và mấy bộ đồ bỏ gọn trong cái ba lô.

Năm 1988, anh cho biết mình sẽ ra Phú Quốc lập lò gạch với một người bạn ở bên đó... vài năm sau khi cái Lò gạch hình thành thì anh lại bỏ hết trở về Ba hòn Hà Tiên làm Nghệ nhân chế tác Non bộ. Tuy không liên lạc với nhau nhưng trên các tờ báo tôi thỉnh thoảng vẫn thấy có đăng mấy bài thơ của anh, mà thơ của anh thì chỉ quanh quẩn về đất nước, người, cây và sông... Các chủ đề về quê hương, nhưng sao trong các vần thơ nó cứ buồn buồn da diết, đọc bài thơ khỏi nhìn tên tác giả cũng biết là bài thơ này của Phù sa rồi không lẫn vào đâu được.

Rồi tới năm 2000, anh trở lại xóm cũ cất một cái nhà lá nhỏ xíu bên kia con rạch nhỏ sát cái Ao nhà anh ngày xưa sau khi ngỏ lời mượn cái Ao nuôi cá và được sự đồng ý của người vợ cũ. Dẫu sao thì hai người cũng có một đứa con gái. Mỗi sáng anh đạp xe ra kho Đông lạnh mua phế phẩm về xay rồi trộn với cám cho cá ăn. Cái ấm trà lúc nào cũng có sẵn, tối tối anh hay rủ tôi qua uống trà, ngắm trăng rồi đọc thơ cho tôi nghe... Mà thú thiệt là thơ của anh nó buồn gần chết nên tôi chỉ thích anh ca nhạc, nhất là bài Đường xưa lối cũ một bài hát tuyệt vời của nhạc sỹ Hoàng thi Thơ mà tôi rất thích, anh thì thuộc nhạc cũng không nhiều lắm. Hỏi vì sao ở Phú Quốc lập được cái Lò gạch bề thế sao lại bỏ đi anh cười hề:

 - Anh dính vào chuyện tình cảm với con gái của người bạn... Thôi thì bỏ hết đi về đất liền để tránh những chuyện không hay.

Mà những chuyện không hay của anh thì nhiều lắm. Một buổi tối mùng 2 tết năm đó, cái nhà anh bị ai đó đốt lúc giữa khuya. Cũng may là anh đang ngồi tán gẫu trước sân nhà tôi nên cả đám kéo qua dập lửa kịp thời, cái rương có chứa mấy tờ báo đăng mấy bài thơ là cái đầu tiên được anh đem ra khi cả xóm cùng chữa cháy. Sau mấy tháng trời đổ hết vốn liếng vô hầm cá khi chỉ còn vài hôm tới ngày thu hoạch thì bất ngờ cá chết nổi trắng cả ao vì bị "bọn ác" thảy thuốc xuống ao... Sau này anh mới biết cái tên "ác nhân" đổ thuốc giết hết hầm cá là thằng cháu ruột của anh vì nó ghen với anh lý do tại sao con vợ nó sinh ra thằng con trai không giống ba nó mà thằng nhỏ giống hệt... Cậu Tư? Một buổi sáng, Anh pha một Bình trà quạu rồi nói với tôi:

- Uống hết bình trà này anh và chú mày chia tay nhe. Anh cũng không muốn đi. Nhưng cá chết hết tiền đâu trả nợ? Nợ cá giống, nợ thức ăn, nợ quán xá... khi nào đi anh sẽ gởi chìa khóa cho chú, thỉnh thoảng qua mở cửa đốt giùm anh cây nhang cho nhà bớt lạnh lẽo. Trong rương là mấy tờ báo có đăng những bài thơ của anh chú nhớ giữ cẩn thận.

Tôi ngậm ngùi không biết nói lời nào an ủi anh và nếu muốn giúp anh cũng không biết giúp bằng cách nào đây? Còn cái rương "Gia bảo" này chắc phải chịu khó đem về nhà giữ giùm. Bỗng lúc đó có một người phụ nữ lạ hoắc, dáng gọn gàng xinh đẹp, bước từ ngoài đường vào hỏi:

- Mấy anh cho em hỏi nhà của nhà thơ Phù sa.

Anh Tư xẵng lè:

- Phù sa là tôi nè... Mà cô kiếm tôi có chuyện gì?

- Dạ em tên Út, nhà ở Đồng Tháp. Em vẫn thường xem không sót bài thơ nào của anh, em rất ngưỡng mộ anh và có một ước nguyện sẽ tìm đến thăm và kết bạn với anh.

Anh Tư:

- Sao mà cô biết tôi ở đây?

Chị Út:

- Dạ em có người quen ở Tòa soạn nên họ cho địa chỉ của anh. Vừa có địa chỉ của anh là em đi ngay, may quá không ngờ gặp được anh.

Anh Tư:

- Vậy là cô may thiệt, chứ trể 15 phút nữa là hết gặp được vì tôi sắp đi "trốn nợ".

Anh Tư kể chuyện mình nuôi cá thất bại hết cả vốn liếng, nợ nần ngập đầu không lối thoát và đang có dự tính sẽ bỏ trốn.. Chị Út nghe anh kể chị cười ngất nên anh Tư có vẻ quạu:

- Sao nghe tôi kể chuyện buồn mà cô lại cười vui vậy?

Chị Út:

- Không... em cười vì chuyện nhỏ xíu như vậy có gì mà anh phải trốn. Nợ nần anh thiếu người ta bao nhiêu thì em giúp anh trả, Anh muốn nuôi bao nhiêu hầm cá cần bao nhiêu vốn anh qua nhà em bên Đồng Tháp em sẽ đầu tư cho anh làm.

Anh Tư ngơ ngác:

- Cô giúp tôi như vậy có điều kiện gì không?

Chị Út lại cười:

- Có chứ... Anh thích mần gì em sẽ lo tiền cho anh mần, chỉ với một điều kiện là... lúc rảnh thì phải làm thơ và đọc cho em nghe. Lúc nãy trước khi vô đây em ghé ngoài quán cà phê hỏi thăm về anh. Người ta cũng nói cho em biết là anh đang bị ai đó hại chết nguyên hầm cá, em cũng biết là anh đang sống một mình. Bây giờ nếu anh rảnh thì theo em về nhà em lấy tiền cho anh trả nợ người ta.

Anh Tư nghe vậy mừng quýnh mặc vội bộ đồ mới anh lắp bắp nói với tôi:

- Mày giữ nhà giùm anh nhe.

Đúng là trong cái rủi vẫn có cái may. Sau đó Anh Tư và Chị Út lấy nhau nhưng anh không nuôi cá vì chị Út không muốn anh cực nên chị mở một cửa hàng bán Điện thoại trên Quốc lộ 30, anh chỉ ngồi xem chừng và nhâm nhi tách trà ngon. Gặp lại tôi anh mừng lắm nhưng anh than rằng:

- Bây giờ ngồi một chỗ khỏi lo đói lo no nhưng sao anh chẳng viết được câu thơ nào? Mà bà Út bây giờ gặp là hỏi hôm nay bán được bao nhiêu tiền rồi anh? chứ bả cũng không hỏi hổm rày có làm được bài thơ nào không như ngày xưa nữa. Cái bút danh Phù Sa của anh chắc cũng từ từ trôi vào quên lãng rồi mày ơi.

Tôi cười động viên anh:

- Lo gì anh, mấy năm nay Đồng bằng sông Cửu Long không có Phù sa bà con mình vẫn sống tốt mà. Lúc đầy đủ cái ăn cái mặc thì làm sao ra thơ ra hoa gì.

Sau đó tôi mới nhớ thì ra những bài văn mình viết ra được bạn bè khen hay đều được viết lúc nhà... hết gạo. Đất khô cằn sỏi đá mới cần có Phù sa chứ đất tốt tươi màu mỡ rồi thì cần chi cái Phù sa nữa. Mà đời người thì nó thường như vậy.

    Nếu không bị mù chắc gì tiếng đàn đã hay.

    Nếu không muốn say thì ta đừng đi mua rượu.

    Nếu chẳng lụy tình con tim đâu thổn thức yêu đương.

    Nếu không ngả đau làm sao ta thấu hiểu cuộc đời. /.

                         

Theo Chuyện Làng quê