Mùa thu năm 1995, cô giáo Hoàng Thị Nguyệt Nga tốt nghiệp Đại học Sư phạm I Hà Nội, bước chân đến Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ để tham gia thi tuyển và trở thành giảng viên lý luận chính trị. Những ngày đầu tiên, cô đã đối diện với nhiều khó khăn khi làm quen với môi trường hoàn toàn mới, xa lạ và khác biệt so với kiến thức lý luận mà cô đã tiếp thu ở trường sư phạm.
Cô chia sẻ, nhiệm vụ của Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ lúc bấy giờ là đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân ở cấp cơ sở; bồi dưỡng các đối tượng về lý luận chính trị, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiến thức và nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng; về quản lý hành chính Nhà nước và công tác vận động quần chúng. Tham gia nghiên cứu khoa học và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn ở địa phương. Thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng khác được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao.
Khởi đầu đầy khó khăn và tình yêu nghề, cô giáo Nga được giao nhiệm vụ nhận bài và soạn bài ở khoa Dân vận - Tôn giáo của trường. Cô cho biết, việc đầu tiên cũng như các giảng viên trẻ khác là nghiên cứu các văn bản, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Cô thường xuyên đến thư viện để mượn giáo trình nghiên cứu và tập soạn bài, lên giảng đường tập giảng…Được sự giúp đỡ tận tình của Ban Giám hiệu, lãnh đạo các khoa, phòng, và đặc biệt là lãnh đạo khoa Dân vận - Tôn giáo cùng với các đồng chí giảng viên có kinh nghiệm. cô đã hoàn thành tốt phần thi giảng của mình và sớm được đứng trong đội ngũ giảng viên lý luận chính trị trẻ của Nhà trường.
Tâm huyết và đam mê trong sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng bắt đầu chặng đường mới của người giảng viên lý luận chính trị, hàng ngày, cô đã đi nghe giảng tại các lớp Trung cấp LLCT của Nhà trường. Tối về, cô soạn bài trên những trang giấy A4. Có những hôm cô thức trắng đêm để soạn bài, mong muốn truyền đạt kiến thức tốt nhất cho học viên. Để nâng cao trình độ và củng cố kiến thức lý luận chính trị, cô được nhà trường cử đi học văn bằng 2 cử nhân khoa học hành chính của Học viện hành chính quốc gia. Vừa đi học, vừa nghiên cứu, soạn bài, đứng lớp, cô đã luôn nỗ lực cố gắng học tập tốt và có những bài giảng chất lượng cho các lớp bồi dưỡng cán bộ đoàn thể mở tại trường như: Cựu chiến binh, Thanh niên, Hội Nông dân, phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc…rồi đi về các huyện tham gia giảng dạy tại các lớp trung cấp lý luận chính trị.
Cô đã trải qua những tháng, năm khó khăn khi bắt đầu cuộc hành trình giảng dạy tại các huyện xa xôi trong tỉnh. Với những hạn chế về phương tiện di chuyển, những chuyến đi đến những huyện vùng núi trở thành thử thách thường trực. Dù đi huyện bằng ô tô với việc khởi hành từ chiều tối hôm trước hoặc bằng xe máy với việc phải khởi hành từ rất sớm, thậm chí khi trời còn đêm tối… cô luôn đảm bảo đến lớp đúng giờ, cho dù điều kiện thời tiết có hôm không mấy thuận tiện…Tuy nhiên, bằng niềm đam mê, tâm huyết nghề nghiệp, cô vượt qua tất cả. Cô luôn khắc sâu trong mình sứ mệnh đặc biệt của người thầy giáo lý luận chính trị truyền đạt những kiến thức cơn bản về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với học viên, góp phần giúp học viên nâng cao nhận thức biến những kiến thức trừu tượng thành kiến thức cụ thể, vận dụng linh hoạt vào thực tiễn.
Cô luôn đặt mình vào vị trí của học viên, để hiểu, đồng cảm và chia sẻ với họ những khó khăn, vất vả trong cuộc sống và công việc, luôn tạo điều kiện thuận lợi để học viên có thể học tập, rèn luyện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Mỗi lần đứng trên bục giảng, cô không chỉ là một người thầy, mà còn là một người bạn đồng hành đáng tin cậy cho học viên. Cô luôn luôn lắng nghe, thấu hiểu và khuyến khích học viên tự tin thể hiện ý kiến, trao đổi và thảo luận về các vấn đề xã hội. Đặc biệt, là về công tác xây dựng Đảng, quản lý hành chính Nhà nước và công tác vận động quần chúng… Qua đó, cô giúp học viên củng cố thêm kiến thức, hiểu rõ hơn về vai trò của họ và cung cấp cơ hội trau dồi kinh nghiệm trong quá trình học tập và rèn luyện kỹ năng thực hiện các nhiệm vụ công tác.
Với tài liệu, giáo trình bài giảng, Cô giáo Hoàng Thị Nguyệt Nga soạn giảng, lên lớp phù hợp với các đối tượng học viên khác nhau vẫn luôn dễ dàng bám sát chương trình và định hình được những kiến thức cơ bản của môn học.
Không những vây, cô giáo Nga còn là một cây viết chính luận Xuất sắc, tham gia các Cuộc thi “Tìm hiểu lý luận chính trị và lịch sử đảng trong đoàn viên thanh niên tỉnh Phú Thọ” đạt giải Nhì cấp tỉnh (năm 2001) ; Đạt danh hiệu “Giảng viên giảng dạy lý luận chính trị xuất sắc” tại Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi toàn quốc lần thứ II, do Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức (năm 2007); Giải khuyến khích toàn quốc cuộc thi tìm hiểu mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (lần thứ nhất - năm 2012); Giải Khuyến khích toàn quốc cuộc thi tìm hiểu mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (lần thứ 2- năm 2017)…Cô tích cực tham gia viết bài cho báo địa phương và Trung ương. Đặc biệt, năm 2022, cô đã tham gia dự thi và đoạt giải A cuộc thi viết chính luận: "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ hai, năm 2022" do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp cùng với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng lý luận Trung ương, Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Hội nhà báo Việt Nam tổ chức với tác phẩm thuộc thể loại Tạp chí, tác phẩm: "Phản bác luận điệu sai trái, thù địch về những luận điểm trong bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng";
Từ một giảng viên trẻ khát vọng vươn lên và tình yêu nghề, trên chặng đường gần 30 năm công tác, gần 20 năm tham gia công tác công đoàn của nhà trường, cô giáo Nga đã trưởng thành, phát triển đóng góp không ngừng cho sự phát triển giảng dạy lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ. Cô đã được nhận nhiều bằng khen các cấp của Công đoàn Viên chức Việt Nam, Bằng khen của UBND tỉnh, nhiều loại hình khen thưởng khác nhau như Huy chương vì sự nghiệp công đoàn, huy chương vì sự nghiệp giáo dục, huy chương vì sự nghiệp giáo dục lý luận chính trị...
Cô giáo Hoàng Thị Nguyệt Nga đang đảm nhiệm Phó Trưởng Khoa, Phó Bí thư chi bộ Khoa Lý luận cơ sở, luôn nghiêm chỉnh thực hiện đúng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đề cao vai trò, trách nhiệm của người giảng viên trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Từ đó, tạo sự đồng thuận thống nhất cao trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của Khoa, của Nhà trường. Những đóng góp của cô giáo Nga đã góp phần trong việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận cán bộ, công chức chất lượng cao, góp phần xây dựng và phát triển tỉnh Phú Thọ ngày càng giàu đẹp, văn minh.