Phú Thọ:  Đổi mới đầu tư phát triển giáo dục ở huyện miền núi Tân Sơn

Mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) đã luôn quan tâm và có sự ưu tiên cho sự nghiệp phát triển giáo dục.Hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng và tu sửa, số lượng trường học đạt chuẩn Quốc gia ngày càng tăng, chất lượng dạy và học ngày càng khởi sắc.
dt1-22a-1628150204.jpg
Góc thư viên ngoài trời của trường THCS Tân Phú.

 

Ông Lê Anh Tuấn - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết: Tân Sơn hiện có 54 trường học, trong đó 19 trường mầm non; 17 trường tiểu học; 15 trường THCS;2 trường TH&THCS; 1 trường Phổ thông DTNT THCS. Trong năm học vừa qua, huyện tập trung đầu tư cơ sở vật chất hệ thống trường lớp, đảm bảo đủ điều kiện dạy và học cho con em nhân dân trên địa bàn. Tổng số phòng học 764 trong đó phòng học kiên cố 690, phòng học cấp 4: 72, phòng học tạm: 2. Trong năm học vừa qua, UBND huyện đã bố trí nguồn kinh phí 3.387.143.000 đồng để cải tạo sửa chữa cho các trường mầm non, tiểu học, THCS để đạt và duy trì chuẩn Quốc gia năm 2020. Đầu tư 2.402.205.000 đồngđể trang thiết bị phòng học bộ môn, các thiết bị phục vụ dạy và học cho các trường.

Phòng GD&ĐT huyện đã phối hợp với các phòng chuyên môn tham mưu cho UBND huyện Tân Sơn bố trí hợp lý các nguồn vốn đầu tư, ưu tiên tăng cường cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị cho các nhà trường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, trong năm học đã đầu tư kinh phí cho các trường mầm non, tiểu học, THCS để hoàn thành tiến độ xây dựng, duy trì trường học đạt chuẩn Quốc gia.

Việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cũng được quan tâm thực hiện, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm túc quy trình, thủ tục theo quy định. Các trường thực hiện vận động tài được tổng số tiền 4.813.037.100 đồng. Đây là nguồn kinh phí giúp cho các nhà trường xây dựng, sửa chữa các công trình nhỏ, tu bổ khuôn viên, các công trình phụ trợ các điểm trường lẻ…

Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp, huyện Tân Sơn luôn quan tâm chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ giáo viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Toàn huyện hiện có 1.737cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. 100% cán bộ quản lý các trường có trình độ lý luận chính trị và đã có chứng chỉ quản lý giáo dục. Các trường thực hiện nghiêm túc việc bồi dưỡng giáo viên, đặc biệt qua các buổi sinh hoạt chuyên môn tổ, chuyên môn liên trường. Trong năm học, 18 cán bộ quản lý, giáo viên đi học nâng cao trình độ;hiện có 24 cán bộ, giáo viên có trình độ thạc sĩ.

Với nhận thức sâu sắc đội ngũ giáo viên là yếu tố then chốt trong sự nghiệp cải cách, đổi mới GD&ĐT, công tác phát triển đội ngũ nhà giáo trên địa bàn huyện luôn được quan tâm. Các cuộc vận động và phong trào thi đua được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu, trở thành công việc tự giác, thường xuyên của mỗi đơn vị, trường học, mỗi cán bộ, nhà giáo. Nhờ đó, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, nỗ lực vươn lên, tích cực đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng chương trình GDPT mới.

dt2-7b-1628150325.jpg
Toàn cảnh trường THCS Thu Cúc.

 

Đặc biệt, công tác bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên ngoại ngữ được quan tâm chỉ đạo. Hiện nay, tổng số giáo viên tiếng Anh của huyện Tân Sơn là 66 giáo viên; giáo viên căn bản đáp ứng yêu cầu chương trình ngoại ngữ 10 năm với giáo dục phổ thông.

Tham gia thi giáo viên dạy giỏi mầm non, tiểu học cấp tỉnh có 18 giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; 4 giáo viên mầm non được khen có thành tích xuất sắc. Đặc biệt, cô giáo Hà Thị Hội (Trường THCS Đồng Sơn) đã được tuyên dương giáo viên tiêu biểu người dân tộc thiểu số tại Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 do TW Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Hương (Trường THCS Thu Cúc) được Công đoàn giáo dục Việt Nam khen đạt thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào "Giỏi việc trường- Đảm việc nhà" giai đoạn 2016 - 2020.

Ông Lê Anh Tuấn khẳng định: Cơ sở vật chất được đầu tư, chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên được nâng lên đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện. Năm học vừa qua, có 5 học sinh đoạt giải trong các cuộc thi học sinh giỏi Quốc gia; 322 học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh (trong đó có 24 giải Nhất, 72 giải Nhì).

Mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng các trường học đã có những sáng tạo trong tổ chức dạy và học, thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch trong trường học. Trong năm học, huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ III, xóa mù chữ đạt mức độ II, phổ cập THCS đạt mức độ II.

Công tác xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non được đặc biệt quan tâm. Trong năm học 2020 - 2021, tỷ lệ trẻ mẫu giáo ra lớp đạt đạt 99,9%; trẻ 5 tuổi ra lớp đạt tỷ lệ 100%. 100% trẻ em trong trường mầm non được khám sức khỏe định kỳ và theo dõi sự phát triển bằng biểu đồ tăng trưởng. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở các thể giảm so với đầu năm học. 100% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non. Trong năm học, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm tại các trường trên địa bàn.

dt3-6c-1628150455.jpg
Trao thưởng cho nhà giáo có thành tích xuất sắc.

 

Ở bậc Tiểu học, trong năm học vừa qua, 99,36% học sinh ở Tân Sơn hoàn thành chương trình lớp học; 100% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học. Giáo dục hòa nhập đã được các nhà trường quan tâm, những học sinh có khả năng tiếp cận giáo dục đã được huy động tối đa ra lớp. Việc triển khai thực hiện sách giáo khoa lớp 1 năm đầu tiên có nhiều thuận lợi và đạt được những kết quả tích cực.

Giáo dục THCS có nhiều khởi sắc, các trường đã chủ động trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch dạy học, thiết kế bài dạy và thực hiện kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Trong năm học, có 249/4.369 học sinh huyện Tân Sơn đạt học lực giỏi, chiếm 5,69%; học lực khá là 1.789/4.369 học sinh, chiếm 40,95%; học lực Trung bình là 2.131/4.369, chiếm 48,78%. Tỷ lệ học sinh yếu, kém giảm. 96% học sinh đạt hạnh kiểm tốt, khá. Công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh được quan tâm thực hiện tốt.     

Trước yêu cầu nhiệm vụ đổi mới, để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn, năm học tới, huyện Tân Sơn tiếp tục rà soát, sắp xếp các trường mầm non, phổ thông trực thuộc theo đề án của UBND tỉnh đảm bảo tin gọn, hiệu quả. Tăng cường đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền về đổi mới giáo dục, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; chú trọng thực hiện xã hội hóa giáo dục, tăng nguồn ngân sách đầu tư xây dựng, mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học cho các cơ sở giáo dục.