Phú Thọ: Hạ Hòa sáp nhập các cơ sở giáo dục hướng tới xây dựng nguồn lực phát triển giáo dục toàn diện

    Đình Thơm– Nga Nguyễn

11/06/2021 11:20

Theo dõi trên

Hạ Hòa là huyện miền núi nằm ở Bắc phía Tây tỉnh Phú Thọ, cách trung tâm tỉnh lị 70 km với 20 đơn vị hành chính cấp xã. Những ngày đầu tháng 6 năm 2021, khi Huyện ủy, UBND huyện vừa lãnh đạo thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kì 2021-2026, toàn huyện đang phấn khởi tổ chức đánh giá, tổng kết công tác bầu cử, đón những ghi nhận nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân từ Tỉnh ủy Phú Thọ.

dt-1-a1-1623384920.jpg
Đồng chí Nguyễn Trung Kiên, Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Thọ trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân huyện Hạ Hòa có thành tích xuất sắc trong công tác bầu cử Quốc hội khoá XV và Đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 huyện Hạ Hòa, đồng chí Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Trung Kiên nhấn mạnh: huyện Hạ Hòa là địa phương có số xã sáp nhập nhiều nhất trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc tích cực cùng sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, vì vậy cuộc bầu cử đã diễn ra thành công.

Như vậy, có thể nói, Hạ Hòa là địa phương được đánh giá cao trong việc tổ chức sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, lãnh đạo các đơn vị sáp nhập ổn định và đi vào hoạt động có hiệu quả. Đây là kinh nghiệm, là động lực để huyện Hạ Hòa tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc sáp nhập các đơn vị sự nghiệp giáo dục trực thuộc theo kế hoạch của UBND tỉnh Phú Thọ. Tính đến nay, Hạ Hòa có 88 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS công lập. Trong đó có 33 trường mầm non, 33 trường tiểu học, 21 trường THCS và 1 trường TH&THCS. Tổng số học sinh từ mầm non đến THCS là 22 658 học sinh được bố trí vào 797 nhóm lớp. Tỷ lệ học sinh/lớp của các cấp học như sau: Mầm non hiện nay có tỷ lệ bình quân 26,4 HS/lớp; Tiểu học 26,9 HS/lớp; THCS 34,1HS/lớp (đây là tỷ lệ khá thích hợp cho phát triển giáo dục các cấp).

Trên cơ sở thực trạng quy mô, trường, lớp, học sinh các cấp, với đặc điểm địa lí, địa giới hành chính hiện nay, tranh thủ bài học kinh nghiệm từ giai đoạn lãnh đạo thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, UBND huyện Hạ Hòa đã nghiên cứu Kế hoạch được UBND tỉnh Phú Thọ ban hành kèm theo Quyết định số 580 ngày 16/3/2018 để vận dụng sáng tạo những quan điểm định hướng, hướng dẫn thực hiện lộ trình sáp nhập các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập trên địa bàn huyện. Báo cáo phương án sắp xếp các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc UBND huyện giai đoạn 2021-2025 với những phân tích, đánh giá chính xác, phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao, đáp ứng được 3 nguyên tắc cơ bản đó là: Sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết 19 của BCH Trung ương Đảng và các quy định của Nhà nước và phù hợp với tình hình địa phương;sắp xếp, sáp nhập đảm bảo tin gọn, hiệu quả và gắn với lộ trình sắp xếp, sáp nhập các xã, thị trấn; tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập phát triển;rà soát, sắp xếp đảm bảo số học sinh/lớp hợp lý, tránh gây lãng phí cơ sở vật chất, đội ngũ nhưng cần chú ý đến các yếu tố vùng, miền, nơi đi lại khó khăn nhằm tạo điều kiện cho mọi trẻ em đều được thuận lợi đến trường.

dt-1a2-1623385131.jpgSửa chữa trung tâm GDNN – GDTX trên diện tích 2,91ha thành trường THCS Hạ Hòa sau khi sáp nhập

Theo Báo cáo, giai đoạn 2021-2025, Hạ Hòa  chỉ đạo thực hiện việc sáp nhập đồng loạt các đơn vị đủ điều kiện, tiêu chí ngay trong năm 2021 và đến năm 2025 ổn định bộ máy, cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ để hoạt động có hiệu quả góp phần thúc đẩy GD&ĐT Hạ Hòa thực hiện đổi mới GD&ĐT nói chung, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học và THCS nói riêng. Tổng số cơ sở giáo dục có liên quan đến sắp xếp là 29 trường trên phạm vi 7 đơn vị xã, thị trấn. Sau năm 2021, sáp nhập lại còn 13 trường (số trường mới chiếm 44,8% so với tổng số trường hiện nay). Tuy nhiên, các điểm trường lẻ được hình thành nhằm đảm bảo trẻ đi học không quá khó khăn, tận dụng tiếp nhưng cơ sở vật chất đã được đầu tư ở các trường được sáp nhập giảm bớt áp lực về cơ sở vật chất cho cơ sở giáo dục chính đón sáp nhập về. Chỉ có 3 điểm trường sẽ tạm thời không sử dụng do điểm trường chính đáp ứng tốt điều kiện cơ sở vật chất và trẻ đến trường thuận lợi do địa bàn tập trung, giao thông thuận lợi.

dt-1a3-1623385216.jpg
Sửa chữa trung tâm GDNN – GDTX trên diện tích 2,91ha thành trường THCS Hạ Hòa sau khi sáp nhập

Về đội ngũ, huyện Hạ Hòa cùng với một số đơn vị cấp huyện khác của giáo dục tỉnh Phú Thọ hiện nay vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên, hoặc tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng được việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới (GDPT) mới 2018. Chính vì vậy, UBND huyện Hạ Hòa đã sáng tạo, quyết tâm khi thực hiện lộ trình sáp nhập ngay trong năm 2021 của giai đoạn 2021-2025 nhằm đạt được mục tiêu kép: Vừa sắp xếp được hệ thống các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc vừa giải quyết áp lực thiếu giáo viên hiện nay, giảm đi gánh nặng tài chính, nhân sự cho việc đổi mới Chương trình GDPT năm 2018. Có thể thấy rõ qua số liệu tại báo cáo của huyện: Sau sáp nhập, số nhóm lớp của 13 trường mới vẫn giữ nguyên là 208, như vậy có thể nói nhu cầu giáo viên không thay đổi. Nhưng số CBQL được dôi dư do quá trình sắp xếp là 25 người, 12 giáo viên và 4 nhân viên. 41 người dôi dư là nguồn lực được bố trí hợp lý cho các trường thiếu giáo viên cốt cán (điểm trường lẻ thiếu giáo viên có chuyên môn tốt, giáo viên cốt cán thì được bố trí từ 25 CBQL dôi dư để nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường); số giáo viên dư ra sẽ được bố trí sang các trường có tỷ lệ giáo viên/lớp thấp và 4 nhân viên trường học cũng sẽ được bố trí phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ từng đơn vị.

Nhiệm vụ phía trước còn nhiều, khó khăn, thách thức cũng không ít khi sáp nhập các cơ sở GD công lập như: bài toán về cơ sở vật chất,  sắp xếp từng vị trí làm việc cho các nhân sự dôi dư một cách phù hợp, thiết thực. Tuy nhiên, giải quyết được bài toán đó là cơ hội tạo nên nguồn lực để GD&ĐT Hạ Hòa phát triển trong thời gian tới.