Phú Thọ: Hội thi giáo viên giỏi cấp học mầm non ở Phù Ninh tạo điều kiện cho giáo viên nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT

Hội thi giáo viên giỏi cấp học mầm non năm học 2022 - 2023 huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ đã khép lại thành công với sự tham gia của 54 giáo viên tiêu biểu. Đây là hoạt động chuyên môn có ý nghĩa quan trọng nhằm tạo động lực cho đội ngũ giáo viên phấn đấu hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).
dt1-2023-04-04t151356679-1680597228.jpgThầy giáo Bùi Tuấn Long - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Ninh trao Giấy khen cho 16 giáo viên có thành tích xuất sắc tại Hội thi

Thầy giáo Bùi Tuấn Long - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phù Ninh cho biết: Ngành Giáo dục huyện nói chung và bậc mầm non nói riêng đã vượt lên mọi khó khăn, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để phát triển cả về quy mô, chất lượng. Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp mầm non tạo điều kiện để giáo viên thể hiện năng lực của bản thân, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong công việc. Đây cũng là căn cứ để đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.

Hội thi xuất hiện những biện pháp hay, phân tích minh chứng rõ ràng, có tính mới, sáng tạo, phù hợp với yêu cầu của đổi mới. Trong tổ chức các hoạt động thực hành, đa số giáo viên đã sử dụng hình thức và phương pháp theo hướng lấy trẻ làm trung tâm, đã bám sát với phương pháp đặc trưng của từng hoạt động, sử dụng các phương pháp phối hợp nhẹ nhàng, linh hoạt, phù hợp. Nhiều giáo viên đã biết kết hợp các phương pháp cùng với sự sáng tạo, giọng nói, cử chỉ gần gũi, tác phong nhẹ nhàng để thu hút học sinh hoạt động một cách tích cực, giúp cho trẻ hứng thú hơn, tự tin.

dt2-2023-04-04t151410761-1680597375.JPGCô giáo Nguyễn Thị Thương - giáo viên Trường Mầm non Thanh Lâm là 1 trong 16 giáo viên có thành tích xuất sắc được Trưởng Phòng GD&ĐT khen thưởng

Tham gia Hội thi giáo viên giỏi mầm non năm học 2022 - 2023, Trường Mầm non Thanh Lâm có 2 giáo viên tham gia và cả 2 đều nằm trong số 16 giáo viên có thành tích xuất sắc được Trưởng Phòng GD&ĐT khen thưởng. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Lâm chia sẻ: Xác định Hội thi là sân chơi” bổ ích giúp giáo viên có cơ hội khẳng định năng lực sư phạm, trau dồi thêm kiến thức chuyên môn và phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới, Ban giám hiệu trường đã quan tâm, tạo điều kiện tối đa để giáo viên tham gia; đồng thời chỉ đạo các tổ chuyên môn tư hỗ trợ trong quá trình chuẩn bị nội dung, biết bị đồ dùng… phục vụ bài thi.

Cô giáo Nguyễn Thị Thương - giáo viên Trường Mầm non Thanh Lâm đã từng tham gia và được công nhân giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh chia sẻ: Với kinh nghiệm thực tế tích lũy trong 11 năm giảng dạy, tôi thấy đặc điểm tư duy của trẻ mầm non là tư duy trực quan. Trẻ học không chỉ để ghi nhớ và trả bài, mà trẻ học nhanh nhất khi điều đó được ứng dụng vào chính cuộc sống hàng ngày. Qua sự tìm hiểu, nghiên cứu các thông tin và ứng dụng thực hiện thường xuyên tại lớp của mình tôi nhận thấy, hoạt động sáng tạo đồ dùng đồ chơi từ các nguyên vật liệu tái chế là hoạt động gây được sự tập trung, hứng thú cho trẻ, góp phần hình thành ý thức bảo vệ môi trường sống xung quanh thông qua việc tái các nguyên vật liệu, đồ dùng đã qua sử dụng tạo thành đồ dùng, đồ chơi phục vụ  nhu cầu vui chơi và học tập của chính trẻ. Do đó tôi đã chọn đề tài “Steam tái chế có ứng dụng công nghệ trong hoạt động dạy học theo dự án tại lớp mẫu giáo 5 tuổi A1 - Trường Mầm non Thanh Lâm” để tham gia dự thi.

Được biết, Trường Mầm non Thanh Lâm là đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng giáo dục Steam và dạy học theo dự án vào trong các hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ. Trong những năm học vừa qua, trường đã tổ chức một số cuộc thi và các hoạt động liên quan đến trang trí môi trường, sáng tạo đồ dùng đồ chơi từ các nguyên vật liệu tái chế thu hút sự tham gia của 100% giáo viên và đông đảo các bậc phụ huynh. Qua đó tạo môi trường cho trẻ tiếp cận với Steam và các dự án nhỏ từ sớm và phù hợp với lứa tuổi; khơi gợi khả năng sáng tạo và niềm đam mê ham học hỏi, khám phá điều mới ở trẻ.

dt3-89-1680597414.jpgCô giáo Trần Anh Đào - giáo viên Trường Mầm non Phú Lộc dành nhiều thời gian nghiên cứu để đưa ra những giải pháp hữu ích trong phát triển khả năng tiền đọc - viết cho trẻ mẫu giáo

Với việc thể hiện xuất sắc ở cả 2 nội dung thi trình bày biện pháp chăm sóc giáo dục trẻ và tổ chức các hoạt động thực hành, 3 cô giáo của Trường Mầm non Phú Lộc là: Trần Anh Đào, Đỗ Thị Thúy Trang và Đào Thị Thùy đều được Ban giám khảo đánh giá cao và được Trưởng Phòng GD&ĐT khen thưởng.

Cô giáo Đàm Thị Thanh Huyền - Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Lộc cho biết: Đây là kỳ thi có ý nghĩa quan trọng, không chỉ là cơ hội rèn luyện cho giáo viên mà còn là cơ hội giúp giáo viên có cơ hội giao lưu học hỏi kinh nghiệm. Qua cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, chúng tôi đã lựa chọn 3 cô giáo có thành tích cao nhất tham gia Hội thi cấp huyện. Cùng với đó, Ban giám hiệu luôn đồng hành cùng giáo viên dự thi để có sự đầu tư, chuẩn bị chu đáo cả về nội dung và các hình thức trình bày nội dung dự thi.

Tham gia thi trình bày biện pháp chăm sóc giáo dục trẻ với đề tài “Nâng cao khả năng sẵn sàng học đọc cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi theo hướng liên thông với chương trình lớp 1 tiểu học tại lớp mẫu giáo 5 tuổi A4 trường mầm non Phú Lộc, Phù Ninh, Phú Thọ”, cô giáo Trần Anh Đào đã giành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu cùng với kinh nghiệm giảng dạy thực tế của bản thân để đưa ra những giải pháp hữu ích.

Cô Trần Anh Đào chia sẻ: Trường mầm non không có nhiệm vụ dạy trẻ đọc - viết thành thạo nhưng cần chuẩn bị và phát triển khả năng tiền đọc - viết cho trẻ, nhất là giai đoạn mẫu giáo 5 - 6 tuổi, để trẻ có tâm thế sẵn sàng vào học lớp 1 ở trường Tiểu học. Vì vậy giáo viên, người lớn cần có những phương pháp, kỹ năng chuẩn mực giúp trẻ lĩnh hội việc làm quen với cách đọc - viết tiếng Việt một cách tốt nhất. Sau quá trình nghiên cứu, khảo sát tôi đã đưa ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng học đọc cho trẻ như: Tạo môi trường ngôn ngữ phong phú, tạo nhiều cơ hội cho trẻ làm quen với việc đọc; làm quen với sách về cấu trúc và cách lật giở trang sách; hình thành kỹ năng làm quen với đọc trong các hoạt động... nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng học đọc cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi, tạo tiền vững chắc đề trẻ sẵn sàng bước vào cấp học tiếp theo.

Tham gia Hội thi bằng lòng nhiệt tình, tâm huyết, các giáo viên đã luôn nỗ lực, sắp xếp thời gian phù hợp để vừa đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy trên lớp và chuẩn bị bị chu đáo cả về nội dung và các hình thức trình bày. Qua đó thấy được tinh thần nhiệt huyết, vượt khó của đội ngũ giáo viên mầm non.

dt4-35-1680597468.JPGCô giáo Hạ Thị Trang luôn nỗ lực, đem hết khả năng của mình để có được những giờ học hiệu quả, tạo sự hứng thú cho trẻ

Cô giáo Hạ Thị Trang - Trường Mầm non Tử Đà chia sẻ: Chúng tôi rất vinh dự khi được chọn cử là đại diện cho trường để tham gia Hội thi giáo viên giỏi, chính bởi vậy nên mọi khó khăn đều được khắc phục để tập trung tốt nhất cho bài dự thi. Ngoài việc lựa chọn biện pháp phù hợp với tình hình thực tế, được triển khai thực tế hiệu quả tại trường thì chúng tôi còn phải nghiên cứu để thể hiện rõ tính mới, tính sáng tạo trong đó. Bản thân tôi luôn tự nhủ phải luôn nỗ lực, đem hết khả năng của mình để có được những giờ học hiệu quả, tạo sự hứng thú cho trẻ.

“Chúng tôi động viên và động hành với giáo viên dự thi, không tạo áp lực về giải thưởng mà coi đây là cuộc sinh hoạt chuyên môn lớn, là dịp để các giáo viên học hỏi, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Với tình yêu nghề, tinh thần trách nhiệm và ý chí nỗ lực, các cô giáo đã khắc phục khó khăn để tham gia Hội thi và đạt được kết quả tốt. Tập thể trường cũng được ghi nhận và được phòng GD&ĐT khen thưởng” - Cô giáo Hoàng Thị Hồng Nhung - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tử Đà cho biết.