Phú Thọ:  Nỗ lực nâng cao chất lượng Y tế huyện vùng cao Tân Sơn

Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Tân Sơn, luôn được sự quan tâm đặc biệt của Sở Y tế  và các cấp, các ngành, vì đây là một huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Phú Thọ, TTYT đã được tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị y tế đồng bộ, hiện đại từ tuyến huyện đến trạm y tế xã; đồng thời chú trọng thu hút bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, quan tâm đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế.

Nhờ đó, chất lượng khám, điều trị bệnh ngày càng được nâng lên, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn.

dt1-20a-1628079697.jpg
Bác sĩ thăm khám bệnh cho bệnh nhân

Là đơn vị y tế hạng II với quy mô 300 giường bệnh, bình quân mỗi ngày, TTYT huyện Tân Sơn đón tiếp khoảng trên 200 lượt người đến khám, điều trị bệnh. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Trung tâm khám, chữa bệnh cho gần 27.100 lượt người. Tổng số lượt bệnh nhân điều trị nội trú là 5.655 người. Đặc biệt, số ca phẫu thuật được thực hiện tại Trung tâm trong 6 tháng đầu năm là 601 ca, tăng 113 ca so với cùng kỳ, trong đó có 2 ca phẫu thuật loại đặc biệt; 247 ca phẫu thuật loại 1…

Bệnh nhân Trần Thị. T (xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn) vào viện với tình trạng đau lưng nhiều, nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Kết quả chụp phim cho thấy bệnh nhân có nhiều sỏi rải rác trong thận và sỏi niệu quản. Dưới sự hỗ trợ của chuyên gia Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ TTYT huyện Tân Sơn đã quyết định thực hiện tán sỏi qua da cho người bệnh. Ưu điểm của phương pháp tán sỏi qua da giúp người bệnh giảm đau đớn, xử lý sạch 100% sỏi thận, ít gây tổn hại đến thận, hạn chế tối đa biến chứng trong và sau mổ; đồng thời giúp người bệnh tiết kiệm thời gian và tiền bạc.Đây là phương pháp điều trị sỏi thận ít xâm lấn được lựa chọn hàng đầu và dần dần thay thế cho mổ mở truyền thống. Thành công của ca bệnh trên là bước tiến quan trọng, đánh dấu sự phát triển mới trong việc triển khai và chuyển giao kỹ thuật mới tại TTYT Tân Sơn.

dt-2-11b-1628079821.jpg
Phẫu thuật tại TTYT Tân Sơn

Theo Bác sĩ chuyên khoa II,Nguyễn Thị Hạnh - Giám đốc TTYT huyện Tân Sơn cho biết:  TTYT huyện chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, cử các bác sỹ đi học nâng cao trình độ chuyên môn. Trong 6 tháng năm 2021, Trung tâm cử 518 lượt cán bộ tham gia các lớp đào tạo, tập huấn ngắn hạn. Bên cạnh đó, chúng tôi tăng cường tu bổ, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị máy móc hiện đại; đồng thời cải tiến quy trình, thủ tục khám, chữa bệnh, tạo thuận lợi cho người dân từ khâu đăng kí, khám, điều trị cho đến làm thủ tục ra viện. Trung tâm cũng đã triển khai được 16 kỹ thuật mới phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh. Chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng lên, tạo được sự tin tưởng đối với nhân dân trên địa bàn.

dt3-5c-1628079938.jpg
Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc TTYT khám bệnh cho bệnh nhân.

Song song với đó, TTYT huyện Tân Sơn tập trung chỉ đạo trạm y tế các xã thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. 100% trạm y tế trên địa bàn huyện đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Hiện nay 14 trạm y tế có bác sĩ thường xuyên; 100% trạm y tế có máy siêu câm 2D, 3/17 trạm có máy điện tim. Các trạm y tế cơ bản duy trì tốt khám điều trị các bệnh thông thường, không để xảy ra sai xót về chuyên môn, không có bệnh nhân tử vong tại trạm, đảm bảo cung ứng đủ thuốc thiết yếu. Trong 6 tháng đầu năm, có tổng số 12.934 lượt người khám và điều trị tại các trạm y tế.

Theo TS. Nguyễn Huy Ngọc, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ khẳng định, có thể nói những nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ y tế, TTYT huyện Tân Sơn đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật mới, nhiều ca bệnh khó đã được xử lý, can thiệp kịp thời bằng các kỹ thuật y học hiện đại. Người dân được sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tuyến dưới mà không cần phải lên bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương,góp phần tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc; đồng thời giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

dt-4-4d-1628080036.jpg
Trạm Y tế xã Minh Đài và Phòng khám đa khoa khu vực

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thêm các trang thiết bị chuyên môn hiện đại, đồng bộ. Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý, trong tổ chức tiếp nhận, khám bệnh, chữa bệnh. Chú trọng công tác cải tiến chất lượng theo Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng Việt Nam, từng bước tiếp cận với những chuẩn mực chất lượng tốt. Đặc biệt, thực hiện cử cán bộ đi đào tạo các chuyên khoa sâu tại tuyến tỉnh và Trung ương, từng bước nâng cao năng lực, nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và các dịch vụ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Đồng thời chú trọng công tác thu hút và tuyển dụng cán bộ phù hợp với đề án vị trí việc làm của đơn vị; huy động tối đa các nguồn lực xây dựng Trung tâm Y tế phát triển toàn diện, đảm bảo đủ năng lực khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn huyện” Bác sĩ,Nguyễn Thị Hạnh cho biết thêm.