Trong bài phát biểu khai mạc, Ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ khẳng định: Chuyển đổi số là chiến lược lâu dài, tạo ra động lực tăng trưởng mới góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh. Trong những năm qua, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Phú Thọ đã có nhiều nỗ lực triển khai chuyển đổi số trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số với phương châm chính quyền số đi đầu dẫn dắt, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Trong lĩnh vực kinh tế số và xã hội số, tỉnh Phú Thọ đã sớm ban hành kế hoạch phát triển năm 2025, định hướng đến năm 2030 và quyết định ban hành chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch đã xác định hạ tầng số phải đi trước một bước bởi đây là cơ sở, là tiền đề để thực hiện chuyển đổi số.
Tính đến tháng 9/2024, tỉnh Phú Thọ đã tập trung đầu tư nâng cấp trên 3.800 trạm BTS; phủ sóng 4G với trên 1.600 trạm. Cáp quang băng rộng được cung cấp đến 100% cơ quan nhà nước và gần 80% hộ gia đình. 100% thôn bản thuộc khu vực đặc biệt khó khăn được phủ sóng thông tin di động; trên 80% dân số trong độ tuổi trưởng thành có điện thoại thông minh. Toàn tỉnh Phú Thọ đã cấp trên 1,3 triệu thẻ căn cước công dân, 979 nghìn tài khoản định danh điện tử; hoàn thành việc nhập dữ liệu hộ tịch trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 1.183.176 dữ liệu, góp phần đẩy mạnh khai thác các tiện ích từ Đề án 06 và đăng nhập giải quyết thủ tục hành chính thông qua dịch vụ công trực tuyến.
Thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ hệ thống thông tin, tuyên truyền các cấp; 100% các cơ quan báo chí của tỉnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất, phân phối nội dung; 100% các cơ quan Nhà nước của tỉnh và UBND các huyện, thành, thị, 75% UBND cấp xã có hệ thống cổng, trang thông tin điện tử, 85% xã, phường, thị trấn sử dụng đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông được quản lý qua Hệ thống thông tin nguồn của tỉnh.
Đặc biệt, 100% cơ sở y tế triển khai khám chữa bệnh bằng căn cước công dân, VneID; 70% bệnh nhân sử dụng căn cước công dân, VneID thay thế Thẻ Bảo hiểm y tế; triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong việc thu học phí tại các cơ sở giáo dục, chi trả lương hưu, chế độ chính sách đối với người có công.
Năm 2023, theo xếp hạng 63 tỉnh, thành phố thì Phú Thọ có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh xếp thứ 10, chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 9, chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính xếp thứ 10, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh xếp thứ 24, chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương xếp thứ 20. Phú Thọ là một trong các địa phương trên cả nước sớm triển khai gửi, nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số thay thế hoàn toàn văn bản giấy (trừ văn bản mật). Các cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành tạo nền tảng phát triển chính quyền số được xây dựng.
Định hướng đến năm 2025, tỉnh Phú Thọ sẽ phát triển kinh tế số chiếm hơn 20% GRDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt tối thiểu 80%...
Cũng tại hội thảo, Ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị các doanh nghiệp công nghệ thông tin tiếp tục đồng hành với tỉnh trong việc triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số; chủ động tiếp cận các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh để tư vấn các giải pháp số phù hợp nhằm đổi mới mô hình quản trị, tổ chức sản xuất kinh doanh để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Nhân dịp này, các doanh nghiệp chuyên về các nền tảng, công nghệ số đã trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, nền tảng chuyển đổi số, giải pháp công nghệ số; tham luận đề xuất giải pháp phát triển kinh tế số, xã hội số đồng thời trao đổi, giải đáp thắc mắc liên quan đến nội dung này. Qua đó, tạo ra một không gian trao đổi, chia sẻ và trải nghiệm thực tế cho các doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ.
Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về “3 tăng cường”, “5 đẩy mạnh” trong chuyển đổi số, trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh Phú Thọ tiếp tục tập trung phát triển hạ tầng số; hoàn thiện, kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu; đảm bảo an toàn an ninh thông tin; phát triển nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, từ đó tạo động lực cho cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng và phát triển tỉnh Phú Thọ xứng tầm với vị thế của vùng đất linh thiêng - cội nguồn của dân tộc Việt.