Phúc đức tại mẫu

Nguyễn Thị Kim Chi

29/03/2022 09:52

Theo dõi trên

Tiếng chuông điện thoại reo lên, nhìn vào máy: Ồ, cô cháu hàng xóm cũ nhà tôi, mặc dù tôi xa nơi đó đã gần 10 năm thỉnh thoảng cháu vẫn gọi điện hỏi thăm sức khỏe.

minh-hoa-1648522300.jpg
Hình ảnh minh họa

 

Trao đổi vài câu cháu bảo tôi:

 - Bác ơi thằng T. nhà cô L bị công an bắt hôm qua vì tội môi giới gái mãi dâm đấy! Thế là cả ba anh em cùng vào tù bác ạ.

 - Vậy à con. Khổ quá !

Tắt máy rồi mà tôi buồn lắm. Chuyện này trước sau rồi cũng sẽ đến.

Đầu những năm 1990 gia đình tôi mới chuyển từ miền núi về thành phố, chỉ đủ tiền mua nhà ở xóm ngoại thành.Một ngôi nhà cấp bốn cả nhà và đất có một cây rưỡi vàng quy ra tiền thời đó  là bảy triệu rưỡi thế mà vẫn phải vay mượn lao đao...

Những người hàng xóm mới của tôi đa số là xã viên HTX thủ công đã hết tuổi lao động và các con của họ thừa kế nghề nghiệp của cha mẹ .Sau này không làm ngói nữa họ chuyển đổi thành nung vôi làm bột nhẹ. Có một vài người chạy chợ.Trong số những người chạy chợ có một cô tên là L (xin phép được viết thế này) cô có ba người con trai các cháu đều khôi ngô tuấn tú. Cô ấy buôn mía.

  Hàng ngày họ chở đến cho cô những vác mía, cô chỉ việc mang con dao ra ngồi bán lẻ ở cổng trường Cao đẳng sư phạm. Cổng trường quay ra đường quốc lộ nên người qua lại mua rất đắt hàng. Nhưng cô ấy rất gian dối, ngày nào cô cũng mang về nhà rất nhiều những tấm mía ngon. Có người để ý: hóa ra lúc người mua đã mặc cả thành giá xong ,cô nhanh nhẹn chặt ra khi người mua móc tiền trả không để ý thì cô nhanh tay để dọc tấm mía đó vào vác mía ở bên không ai nhìn thấy. Ai cũng bị như vậy mà người mua cứ vô tư. Có ngày thằng bé út nhà cô ấy khóc không đi học mẫu giáo , cô cho nó ngồi cạnh cháu khóc đòi ăn mía cô bảo đã có ai mua đâu mà ăn. Chỉ cần một người mua thế là thằng bé có mía ăn, chuyện đó lọt vào mắt một người thanh niên,họ bảo cô ấy thế là trước mặt con, cô ấy chửi bới tục tĩu lắm. Phải nói cô ta rất đanh đá không ai muốn dây... Các con của cô đến nhà ai, cái gì có thể lấy được là lấy ngay nên cả xóm ghét. Bé thì trộm đồ chơi, lớn lên chỉ cần đi qua nhà ai là nó sẽ lấy cái gì đó rất nhanh.

   Nhà tôi hồi đó nuôi một con chó nó rất hiền, ai vào gâu gâu vài tiếng ,chỉ cần người nhà bảo thôi là nó thôi ngay. Một hôm cô ấy đi đổ rác lúc qua nhà tôi, cô vào nhà chơi để cái rổ (cũng cũ rồi) ở sân. Vào nhà ngó nghiêng xung quanh, khi chào về cô cầm cái rổ  thì con chó nhà tôi ra ngoặm vào cái rổ lôi lại, cô ấy giằng co cùng con chó,cái rổ rách tan khi tôi chưa kịp chạy lên.  Cô ấy cứ quang quác nói rất to và đánh con chó... Bác hàng xóm buột miệng:

 - Người đâu mà đến con chó nó cũng ghét  !

   Thế là cô ấy quay sang chửi bà hàng xóm. Tôi phải vào nhà lấy cái rổ mới đền cho cô ấy và xin cả hai người.

Có lần người hàng xóm xây nhà đổ vật liệu vướng lối đi cô ấy chửi bới họ thậm tệ. Tôi vừa đi đến đó cô vơ lấy tôi nói :

  -Sao chị không chửi  ?

  Tôi cười và nói nhỏ :

 - Ai rồi cũng có lúc nhờ vả xóm giềng em ạ . Cố gắng khắc phục vài ngày.

Cô ấy nhảy bổ lên và chửi tôi ngậm miệng ăn tiền híc hic  ... Người thật kỳ!

 Đúng là cả xóm ai cũng ghét .

Vào cuối năm học ấy nhà cô bán hàng cơm,các cháu sinh viên ra trường, có một cậu gia đình chắc là khó khăn, nó nợ cô  30 ngàn hẹn chở đồ đạc về mai xin tiền bố mẹ lên trả.Cô ấy dứt khoát giữ cái xe đạp của cậu sinh viên lại.

   Ký túc xá đã trả, không có chỗ ngủ cậu nói mãi không được. Tôi thấy cậu ấy vào nhà tôi ngập ngừng trình bày, tôi không biết  con nhưng con nói tên mình, nói quê quán, tôi ra hiệu cho con đừng nói nữa thì con nói:

  • Con nghĩ chỉ có cô giúp được con thôi  .

Thương quá tôi đưa cho cháu 30 ngàn và nói  :

  - Con cứ về đi, có thì trả không thì thôi con ạ !

 Cháu sinh viên rưng rưng cầm lấy chào về.

Mấy hôm sau cô ấy nghe ai nói, còn mắng tôi là "ngu, đố chị đòi được nó đấy"

Tôi bảo cô :

 - Chị cho nó đấy em ạ, con chị hai đứa đang học trên Hà Nội sẽ cũng có người giúp các con chị.

   Tôi đã bán nhà chuyển về Hà Nội ở cho gần các con tôi thì nghe tin cháu lớn nhà cô ấy buôn bán ma túy vào tù.  Rồi đến cháu út cũng vào tù vì tội ăn trộm bị bắt quả tang.

 Riêng cháu thứ hai đi lao động xuất khẩu về có một ít tiền mua ô tô góp vốn chạy tắc -xi, tưởng làm ăn chân chính. Cũng vài lần hàng xóm nghe đồn nó toàn chở "gái" nhưng không ai tin. Bây giờ thì ba đứa con vào tù, chồng cô làm thợ xây, vợ đi rửa bát thuê cho hàng phở ở cái tuổi 67.

Cuộc đời không biết đâu mà nói trước được. Ngày xưa  mùa hè các con còn nhỏ chúng rủ nhau vào trường sư phạm trèo me trèo sấu, bảo vệ đuổi bắt và khai tên bố mẹ, có cả con tôi và con cô. Khi biết tin tôi dẫn con đến tận phòng bảo vệ bắt con xin lỗi và hứa hẹn trước mặt mẹ, rồi tôi còn cảm ơn các bác ấy vì nếu không nghiêm khắc với con nó ngã gãy tay chân là chết.

 Khi tôi về thấy cô đi ra vừa đi vừa chửi bảo vệ, bênh vực con mình thật là vô lý hết sức.

Không biết các con của cô khi ở trong tù nó sẽ nghĩ gì. Người mẹ như cô chắc là xót xa lắm khi cả ba núm ruột của mình sống cực khổ những ngày tù tội... Tự nhiên tôi nghĩ tội nghiệp cô ấy quá. Kể mà cô ấy thay đổi cách dạy con cũng như thay đổi tâm tính của mình nhưng quá muộn.

Câu nói phúc đức tại mẫu ở đây là tâm hồn tính cách của người mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến những người con của mình... Mẹ như một tấm gương để con soi vào đó.

Đã 12 giờ rồi mà tôi cứ thao thức mãi vì chuyện của nhà cô ấy.

Chuyện Làng Quê

Bạn đang đọc bài viết "Phúc đức tại mẫu" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn