Sáu lăm tuổi. Lính phục viên, có một gia đình đầm ấm. Lão thấy cũng mãn nguyện. Ít giao du, lão có tiếng là hiền lành. Mới năm ngoái thằng con mở mang đầu óc cho bố bằng cách gia nhập làng phê búc. Lão chọn cái ảnh đại diện là chân dung mặc quân phục , chụp hôm họp CCB. Đứng đắn lắm. Chỉ để vào nhóm hội CCB cho có anh có em thôi mà.
Sinh ra thời loạn. Đất nước cần. Thế là có một lớp người mà nửa đời là quên thân, nửa đời sau, nếu còn sống, cũng chỉ nhớ về nửa đời trước thôi. Mà nhớ lạ lắm, thương vô cùng. Thời ấy sống , vượt qua gian khổ bằng tình thương. Bộ binh thì thương lính pháo, lính xe tăng thì thương công binh, trong rừng sâu thương người trong ngục tù... cứ thế .
Còn đội ngũ mà lấy đi hết tình thương của lính hồi ấy là các nữ Thanh niên Xung phong. Nói đến các cô, không lính nào thấy mình khổ nữa. Lão cũng chuyên nhắc đến các cô TNXP ấy với niềm xót thương vô bờ, nhưng chẳng ai biết là nỗi niềm ấy có một cái đích, một cái tên: Phương.
Lão không nhắc tới Phương không phải có gì muốn giấu , mà nỗi nhớ ấy nó xát muối trong lòng, không mở lời ra được.
Ấy thế mà hôm nọ lão kể, kể cho người không quen biết. Bạn phê búc. Chắc bạn này cũng sắp lên bà rồi, nhưng với cái văn vở rất ... nhóc. Lão gọi là bạn Nhóc. Kể cho người lạ nó có cái hay của nó, như nói cho mình nghe vậy.
Chưa tròn mười sáu tuổi, văn hoá lớp Sáu, là hành trang đi Bộ đội. Hai tháng hành quân từ Thanh Hoá đến Tây Nguyên, nói thì chỉ một câu ngắn thôi, mà gian khổ làm ai cũng thành sắt thép cả. Mấy tháng trong rừng mặt tái môi thâm hệt nhau vì sốt rét. Và dòng sông Poko là nơi gặp Phương.
Hai anh lính trẻ đi hái măng rừng, nghe hay thế chứ không hay đâu. Ăn măng nhạt nhẽo và hái măng thì ngứa ngáy lắm. Còn nguy hiểm nữa. Xong định xuống sông tắm thì có tiếng động, rồi ôi một cái lưng trắng nõn, từ bé chưa thấy bao giờ. Hai cô gái đang tắm không sợ mà còn cười khúc khích: nhìn là mù mắt đấy... Hai thằng chạy một mạch.
Tò mò chết được, lát sau, chừng các cô tắm xong. Quay lại và thế là quen Phương, là TNXP, em mới vào được hai tháng nên dung nhan chưa có màu sốt rét, đẹp rạng rỡ.
Từ đó những buổi đi hái măng có ý nghĩa khác. Và từ đó trong lòng anh bộ đội của chúng ta mang một tình thương đi suốt đời. Tình yêu bắt đầu từ nụ hôn trộm thật nhanh Phương dành cho anh (chứ anh đâu dám nói), còn anh thương cháy lòng những ngày "con gái" giữa rừng mà chỉ dành cho cô được nửa bánh xà phòng "Bảy hai", cùng bông băng xin được.
Có trận đánh vào đồn, anh đem về cho cô chiếc "áo con", chắc của vợ lính nguỵ và được thưởng mấy cái đấm.
Họ chỉ giận nhau lần duy nhất, Phương thủ thỉ muốn có với anh một đứa con. Trời, vừa nghe, anh đẩy phắt Phương ra rồi chạy, như hôm nhìn thấy tấm lưng nõn nà bên dòng sông Poko. Anh không bất ngờ, anh mơ ước đến "nó" từ lâu rồi. Nhưng trên tất cả khát khao là cuộc sống của cô khi anh không về. Cứ sau mỗi trận đánh, quân số lại hao hụt đáng kể. Người anh thân thiết ngủ chung hầm cùng anh đã ra đi như thế, hình hài không còn nguyên vẹn trong chiếc võng tải thương để lại trong anh nỗi đau vô hạn. Không, anh không thể tàn nhẫn với cô được.
Rồi chuẩn bị cho Chiến dich mùa xuân năm Bảy nhăm. Họ chia tay. Nỗi nhớ Phương còn lại trong anh là nước mắt như mưa, cái ôm không rời khi anh trở về sau mỗi trận đánh.
Hoà Bình. Chiến trường Tây Nam gọi tên , anh lại đi. Rồi có một tấm lòng yêu thương dành cho anh khi đơn vị đóng quân ở miền Trung du. Quý lắm, thuận lợi lắm. Một hạnh phúc nhỏ bé đang chờ, cô là con gái cán bộ huyện, ông rất hài lòng vun vén. Nhưng anh , chỉ nhớ cặp mắt đầy nước của Phương: sau này em cũng xanh tái xấu xí như các chị ở đây anh có lấy em không? Anh thề.
Nhớ nhá, và cái cắn thật đau vào vai.
Anh giống như người lang thang tìm chỗ trú mà từ chối một ngôi nhà. Nhận sự căm giận của cô gái miền Trung du, ra quân anh đi tìm Phương.
Chia tay địa chỉ cả hai ghi rõ ràng mà anh không thể tìm được. Hai lần về quê Phương những năm bao cấp gian khổ, vào các huyện đội tỉnh đội mà không bóng chim tăm cá. Anh còn đến cả khu chị em TNXP cô đơn với nỗi tuyệt vọng.
Anh đâm nghi ngờ: tên Phương thì đúng rồi vì anh đã từng đến đơn vị cô, nhưng quê thì hay Phương nói sai để nếu bị thương tật cô không là gánh nặng cho anh? Không đi tìm anh hay cô hi sinh rồi? Đau xót ước nguyện làm vợ của cô anh đã nhẫn tâm từ chối.
Năm năm sau, ngoài tuổi ba mươi. Anh lấy vợ.
Cả tấm chân tình anh dành cho vợ nhưng câu hỏi trong đầu thì không sao trả lời được.
Chuyện kể lại, lại như xát muối vào lòng. Vậy mà bạn Nhóc kia hớn hở: chuyện tình đẹp quá, anh viết lên thành truyện, biết đâu chị Phương còn sống đọc được... mà nói ra lòng sẽ nhẹ nhõm.
Anh, bây giờ là ông lão sáu lăm tuổi rồi, tự nhiên giật mình. Ờ nhỉ, bao nhiêu năm mà trong kí ức anh, Phương vẫn tấm lưng trần nõn nà trong dòng nước, còn anh... phải xứng đáng với cô. Anh đứng lên, ra ngoài hiên , thấy mình nhẹ nhõm, phong độ. Một làn gió mát đầu hè thổi tới, nước mắt đã khô, lòng anh ấm áp... Phương ơi.