Dấu ấn của tác giả "Trăm năm cô đơn" tại Việt Nam

Nhà văn Gabriel Garcia Marquez cùng với vợ và hai người con trai đã đến thăm Việt Nam vào giữa tháng 7/1979.
marquez-2714-1650618947.jpg
Nhà văn Gabriel Garcia Marquez

 

Trong gần một tháng ở Việt Nam, ông đã đi thăm nhiều nơi, gặp gỡ nhiều giới chức và người dân ở các địa phương tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Vũng Tàu. Tại Hà Nội ông tiếp xúc với Hội Nhà văn Việt Nam, làm việc với Bộ ngoại giao và được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp và nói chuyện thân tình.

Sau chuyến đi ấy, trở về Mexico, nơi ông định cư từ đầu những năm 60 thế kỷ trước, Marquez đã viết thiên phóng sự dài "Việt Nam nhìn từ bên trong" (Vietnam por dentro) đăng trên báo Proceso.

Bài phóng sự đó của Marquez viết về tình hình Việt Nam thời kỳ sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là thời gian mà Việt Nam gặp nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội, chuyện về người ra đi bằng thuyền đang là vấn đề nổi cộm trên truyền thông quốc tế lúc đó. Nhưng Marquez, vốn là một nhà báo bậc thầy giàu kinh nghiệm, nên ông có cách tiếp cận và xử lý thông tin một cách khách quan và cân bằng đối với đề tài nhạy cảm ấy.

tr-duc-43-01-1650618947.jpg
Dịch giả Nguyễn Trung Đức - Ảnh: Nhiếp ảnh gia Nguyến Đình Toán

Sau khi thăm miền Nam, trở về Hà Nội, ông đã có buổi gặp gỡ với đại diện Hội Nhà văn Việt Nam và báo Văn Nghệ tại Nhà khách Chính phủ ở số 2, phố Lê Thạch. Nhà văn Đào Vũ, Tổng Biên tập báo Văn Nghệ và nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú có mặt trong buổi nói chuyện ấy. Tôi đến đó với tư cách phóng viên của Ban biên tập tin Đối ngoại thuộc TTXVN để đưa tin về hoạt động của ông ở Việt Nam.

Vào thời điểm đó, Marquez đã là nhà văn có tên tuổi với những tác phẩm được thế giới biết đến như "Mùa lá rụng" (La hojarasca-1955), "Ngài đại tá chờ thư" (El coronel no tiene quien le escriba-1957), "Giờ xấu" (La mala hora-1961), "Trăm năm cô đơn" (Cien años de soledad-1967), "Mùa Thu của trưởng lão" (El otoño del partriarca-1975). Tuy vậy ở Việt Nam lúc bấy giờ, hình như ngay cả các nhà văn cũng chưa ai đọc và hiểu được tầm vóc của người sẽ nhận giải Nobel văn chương ba năm sau đó (1982).

Tác giả tiểu thuyết "Trăm năm cô đơn" nổi tiếng, người đoạt giải Nobel văn chương 1982, nhà văn Colombia Gabriel Garcia Marquez đã mất ngày 17 tháng 4 năm 2014 và dịch giả chính của cuốn sách này cùng hầu hết các tác phẩm của Marquez ra tiếng Việt, nhà văn Nguyễn Trung Đức cũng đã ra đi từ đầu năm 2001.

Tưởng nhớ nhà văn lớn của Văn học Mỹ la tinh Garcia Marquez và người bạn đồng môn thân thiết Nguyễn Trung Đức, xin đăng lại bài viết này, được viết ra từ cách đây 8 năm, ngay sau khi được tin văn hào Marquez từ trần tại Mexico City.

Khi buổi gặp gỡ kết thúc, tôi muốn lưu ông lại hỏi thêm một số chi tiết để làm tin, nhưng ông cho biết theo chương trình, trong ít phút nữa ông phải đi tới một cuộc hẹn khác, rồi ông nói nhanh như dặn dò: "chuyến đi của tôi không phải là bí mật, nhưng cũng không hẳn là có thể công khai mọi chuyện và vì lý do an toàn của cả gia đình tôi, nên nếu có đưa tin thì bạn hãy chờ khi chúng tôi rời khỏi Việt Nam."

Bây giờ nhớ lại cuộc gặp gỡ hiếm hoi và có phần may mắn ấy với một văn tài vĩ đại như Marquez, tôi cảm thấy nuối tiếc vì đã không có đủ thời gian và sự nhạy bén để tranh thủ khai thác nhiều hơn ở ông những gì có thể.

Sau này, khi cùng nhau xem lại bản dịch "Trăm năm cô đơn," dịch giả Nguyễn Trung Đức có lần bảo tôi: "Tiếc quá, 'ông' đã gặp Marquez, giá mà có được một tấm ảnh chụp với tác giả thì nhất định mình sẽ đưa in vào cuối cuốn "Trăm năm cô đơn" bản tiếng Việt này như một minh chứng rằng ta đã gặp Marquez bằng xương bằng thịt chứ không phải chỉ mới thấy bậc văn hào tầm cỡ ấy qua TV!"

Thực ra, nói đến dấu ấn Garcia Marquez ở Việt Nam sẽ phải kể đến Nguyễn Trung Đức, "Người Mỹ Latinh ở Việt Nam," như nhan đề một phim chân dung ngắn mà nhà báo Thanh Bình ở VTV đã thực hiện về anh.

Nguyễn Trung Đức là người say mê Marquez đến độ bất cứ lúc nào, bất kể ở đâu anh cũng có thể bình luận, diễn giải về tác phẩm của nhà văn này. Thạc sỹ Đoàn Ánh Dương ở Viện văn học, trong một bài nghiên cứu gần đây về văn học Mỹ Latinh ở Việt Nam có nhận xét: "Chuyển dịch Garcia Marquez là một niềm đam mê và một dấu ấn đậm nét của Nguyễn Trung Đức, … ông đã có một quá trình tích lũy nhận thức và trải nghiệm đáng kể."

vietnamita-1-1650618947.jpg
Tiểu thuyết TRĂM NĂM CÔ ĐƠN, bản được lữ trữ tại Thư viện Quốc gia Colombia ở Bogota

Nhà nghiên cứu Phạm Quang Trung ở Đại học Đà Lạt đánh giá: "Tác phẩm của Marquez được dịch và đọc nhiều ở Việt Nam mà công đầu thuộc về cố dịch giả Nguyễn Trung Đức."

Trong những điều kiện hết sức khó khăn ở nước ta từ những năm cuối thập niên 70 cho đến cuối thế kỷ 20, Nguyễn Trung Đức đã cặm cụi làm việc và dịch được hầu hết các văn phẩm của Marquez ra tiếng Việt.

Cuốn 'Trăm năm cô đơn," tác phẩm có ảnh hưởng quốc tế sâu rộng nhất của Marquez, được xuất bản ở Việt Nam năm 1986 và tái bản nhiều lần sau đó, với sự tham gia dịch thuật của Phạm Đình Lợi và Nguyễn Quốc Dũng đã có tiếng vang lớn trong đời sống văn học ở Việt Nam.

Đó là ý kiến đánh giá của các nhà nghiên cứu văn học như đã dẫn ra trên đây cũng như trong những phát biểu của các nhà thơ Thanh Thảo, Nguyễn Thụy Kha, nhà văn Thái Bá Lợi, nhà phê bình điện ảnh Trần Hoàng Bách khi Nguyễn Trung Đức từ giã thế giới này vào ngày đầu tiên của thiên niên kỷ mới (1/1/2001).

Tôi nghĩ rằng văn hào Garcia Marquez đã để lại dấu ấn khá đậm của mình ở Việt Nam, dù ông chỉ có thể một lần đến thăm đất nước này. Và bạn tôi, anh Nguyễn Trung Đức là người có đóng góp lớn trong việc làm lan tỏa dấu ấn ấy bằng những dịch phẩm đầy tâm huyết của mình, mặc dù anh chưa một lần được gặp người mà mình ngưỡng mộ.

Xin vĩnh biệt Garcia Marquez vĩ đại!

Vâng đúng như ông từng nói: Viết là để được mọi người cùng sẻ chia và đó là một trong những niềm khát vọng của nhà văn.

bai-bao-cua-marquez-1650619006.jpg
Bài phóng sự “Việt Nam nhìn từ bên trong” (Vietnam por dentro) của Marquez đăng trên báo Proceso (Mexico) năm 1979

 

21-4-2014 - PĐL