Dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị lần thứ tám Đảng Cộng sản Đông Dương họp từ ngày 10 đến 19 tháng 5 năm 1941 tại Pắc Pó, Cao Bằng. Hội nghị phân tích tình hình thế giới và ở Việt Nam, đề ra nhiều chủ trương mang tính chiến lược chuẩn bị cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Hội nghị đã quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (Mặt trận Việt Minh) nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc, trong đó có chủ trương đoàn kết với bộ phận trí thức, văn nghệ sĩ. Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương đã bầu đồng chí Trường Chinh là Tổng Bí thư của Đảng. Nghị quyết Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng (2/1943) đã đặt vấn đề: "Ở những đô thị văn hóa như Hà Nội, Sài Gòn, Huế v.v... phải gây ra những tổ chức văn hóa cứu quốc và phải dùng những hình thức công khai hay bán công khai đặng đoàn kết các nhà văn hóa và trí thức" [3, tr.64].
Thực hiện nghị quyết của Hội nghị và với cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Trường Chinh đã soạn thảo bản Đề cương về văn hóa Việt Nam. Đề cương văn hóa viết ngắn gọn, súc tích nêu những vấn đề cơ bản của văn hóa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là cương lĩnh văn hóa, tuyên ngôn đổi mới văn hóa đầu tiên của Đảng.
Nội dung cốt lõi của Đề cương là chỉ ra ba nguyên tắc vận động của văn hóa Việt Nam. Tuy đề cập đến những vấn đề chung của văn hóa Việt Nam nhưng qua bản Đề cương này cùng với những bài viết, bài nói chuyện sau đó, chúng ta dễ dàng nhận ra những quan điểm của Tổng Bí thư Trường Chinh về bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Trong nhiều quan điểm về phát triển văn hóa nêu ra trong đề cương, có một luận điểm mới, được coi là cốt lõi của Đề cương là Đề ra ba nguyên tắc vận động của văn hóa Việt Nam.
“ a- Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập).
b- Đại chúng hóa (chống mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng).
c- Khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ)” [1, tr.18].
Nguyên tắc dân tộc hóa được đặt ở vị trí đầu tiên.
Nguyên tắc dân tộc hóa là sự tổng kết sự phát triển của văn hóa Việt Nam trong lịch sử giữ nước của dân tộc.
Vào thế kỷ 12, khi Lý Thường Kiệt cầm quân chống quân Tống xâm lược. Tại phòng tuyến Sông Cầu đã vang lên bài thơ thần:
Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Dịch:
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định rõ ở sách trời
Cớ sao quân giặc sang xâm lược
Chúng bay sẽ bị đánh tan tành.
Bài thơ thể hiện khí thế của toàn dân tộc quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược nhà Tống.
Vào thế kỷ 15, sau khi đánh tan quân Minh xâm lược, Nguyễn Trãi, danh nhân văn hóa đã viết bản Cáo Bình Ngô chỉ rõ:
Như nước Đại Việt ta thuở trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông, bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hàn, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương.
Bản thiên cổ hùng văn ấy thể hiện quyền độc lập dân tộc và quyền bảo vệ văn hóa dân tộc của nhân dân ta.
Vào thế kỷ 18, khi Lê Chiêu Thống cầu viện nhà Thanh đem quân sang xâm lược nước ta, người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ từ kinh đô Huế đã làm lễ tế cáo trời đất ở đàn Nam Giao. Trước lúc xuất quân dẹp loạn. trước ba quân Nguyễn Huệ truyền lịch:
Đánh cho để tóc dài
Đánh cho để răng đen
Đánh cho chúng chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ
Bảo vệ độc lập dân tộc và bảo vệ văn hóa dân tộc phát triển độc lập là quyền thiêng liêng của mỗi người dân Việt. Do vậy, nguyên tắc dân tộc hóa là xu hướng vận động của văn hóa Việt Nam đã hình thành từ trong lịch sử, là khát vọng của toàn thể nhân dân, toàn thể các dân tộc Việt Nam, đặt cơ sở lý luận để xây dựng đường lối văn hóa của Đảng trong mỗi giai đoạn lịch sử.
Nguyên tắc Dân tộc hoá ( chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, khiến văn hoá Việt Nam phát triển độc lập). Đây là một luận điểm lớn vừa có tính thời sự, đáp ứng khát vọng của các tầng lớp nhân dân, của các dân tộc trên đất nước Việt Nam quyết tâm đấu tranh giành cho được độc lập dân tộc, thoát khỏi sự thống trị, áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Nguyên tắc trên còn thể hiện tầm nhìn chiến lược trong xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam phải nhanh chóng thoát ra khỏi mọi ảnh hưởng của thứ văn hoá nô dịch, lệ thuộc, là cơ sở để văn hoá Việt Nam phát triển độc lập. Phát triển độc lập nghĩa là phát triển những thứ văn hoá của đất nước Việt Nam, không bị lai căng, áp đặt. Đó là thứ văn hoá thể hiện được tâm hồn, cốt cách của dân tộc, do nhân dân ta sáng tạo ra trong diễn trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, kết tinh thành bản sắc văn hoá của dân tộc.
Ở phần V của bản Đề cương với tiêu đề: Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa mác xít Đông Dương và nhất là những nhà văn hóa mác xít ở Việt Nam, Tổng Bí thư nêu nhiệm vụ:
“c. Tranh đấu về tiếng nói và chữ viết
- Thống nhất và làm giàu thêm tiếng nói;
- Ấn định mẹo văn ta;
- Cải cách chữ quốc ngữ…v.v…” [1,tr.19-20].
Tiếng nói và chữ viết là di sản quý báu của dân tộc do cha ông ta truyền lại. Các nhà nghiên cứu dân tộc học cho rằng tiếng nói, chữ viết là một tiêu chí để nhận diện tộc người/dân tộc. Suốt thời kỳ phong kiến tự chủ, triều đình phong kiến nước ta đã lệ thuộc vào chữ Hán của đế chế phương Bắc, sang thời Pháp thuộc, thực dân Pháp ép buộc dân ta phải học tiếng Pháp, sử dụng tiếng Pháp và chữ Pháp trong quan hệ xã hội, đồng thời là phương tiện giao dịch trong các văn bản hành chính trong quản lý xã hội. Vì vậy, nhiệm vụ cần kíp bản Đề cương nêu ra phải đấu tranh giữ gìn tiếng nói, chữ viết đã chứng tỏ tầm nhìn chiến lược của Đảng về vấn đề bảo vệ văn hóa dân tộc, chống lại sự nô dịch văn hóa của ngoại bang.
Tổng Bí thư Trường Chinh quan niệm di sản văn hóa là một bộ phận của văn hóa dân tộc, nền văn hóa dân chủ mới Việt Nam “Tiêu biểu cho tinh hoa của dân tộc”, “gồm những đặc điểm và đức tính cổ truyền của dân tộc” [2, tr.157],“tất cả những giá trị văn nghệ do các thời đại trước tạo ra và truyền laị” [2, tr.213] và vận động theo 3 nguyên tắc Dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa.
“Văn hóa dân chủ mới Việt Nam bao gồm những đặc điểm và đức tính cổ truyền của dân tộc, phải tiến lên bằng cách phát triển những cái hay, cái đẹp, bài trừ những cái dở, cái xấu” [2, tr.157-158]
Dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa là ba tính chất của nền văn hóa dân chủ mới Việt Nam, do vậy Tổng Bí thư yêu cầu: “Các văn sĩ trên mặt trận văn hóa phải hiểu rõ phương châm của công tác vận động văn hóa mới là “Cái gì phản dân tộc, khoa học và đại chúng thì kiên quyết bác bỏ; cái gì hợp với dân tộc, khoa học và đại chúng thì ra sức giữ gìn và phát triển thêm” [2, tr.162-163].
Thông qua các bài viết, bài nói chuyện của Tổng Bia thư Trương Chinh đối với trí thức, văn nghệ sĩ sau ngày đất nước ta giành được độc lập, có thể nhận thấy, Tổng Bí thư thể hiện rất rõ quan điểm của mình về việc khai thác vốn văn hóa cổ của dân tộc.
Trong bài: “Mấy vấn đề văn nghệ hiện nay”, Tổng Bí thư Trường Chinh đã phân tích sâu sắc: Về khai thác vốn cổ của dân tộc, vấn đề là phải biết khai thác cái gì và khai thác như thế nào để có ích cho sự nghiệp cách mạng của chúng ta ngày nay. Tổng Bí thư phê phán thái độ sai lầm, đánh giá thấp và coi thường giá trị văn nghệ do xã hội cũ để lại. Tổng Bí thư nêu rõ quan điểm: “Đối với vốn văn nghệ cũ của dân tộc, chúng ta phản đối thái độ tự ti cho dân tộc ta lạc hậu, mất gốc, không có sự nghiệp văn hóa gì đáng kể; song chúng ta cũng phản đối thái độ thần thánh hóa những thành tựu văn hóa nước nhà không dám phê bình để đánh giá đúng mức. Cả hai thái độ đó đều lệch” [2, tr.214]. Đối với thực hành khai thác vốn cổ, Tổng Bí thư đòi hỏi: “Phát huy vốn văn hóa cũ không có nghĩa là nhắm mắt tòng cổ, phục hồi hủ tục, khuyến khích mê tín” [2, tr.117]. Tổng Bí thư phê phán thái độ thành kiến với tất cả những tác phẩm văn nghệ do các nhà Nho sáng tác, cho ta ngày nayđều là của phong kiến. Còn trong sử dụng văn nghệ dân gian đã có khuynh hướng bóp méo đi cho hợp với đường lối, chính sách hiện thời, tô một nước sơn chính trị mới lên trên cái cốt truyện cũ, vì cho nội dung cũ là lạc hậu. Tổng Bí thư yêu cầu: “Cần đặt mỗi tác phẩm cũ vào điều kiện lịch sử của nó, nhận rõ quan hệ giữa tác phẩm với thời đại, như thế chúng ta mới có thể hiểu được những giá trị cũ và tìm thấy trong đó những bài họ cho chúng ta ngày nay” [2, tr.214].
Tồng Bí thư nêu rõ quan điểm giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc phải có tính phê phán, phải biết gạn đục khơi trong: “Mấy năm nay ta có chú ý khai thác vốn cũ, nhưng còn nhiều thiếu sót, cần cố gắng hơn nữa về mặt này. Nhưng cần tránh những lệch lạc. Phát huy vốn văn hóa cũ không có nghĩa là nhắm mắt tòng cổ, phục hồi hủ tục hoặc khuyến khích mê tín….Học tập vốn cũ để sáng tạo cái mới, chứ không phải quay đầu về dĩ vãng mà quên xây dựng hiện tại và tương lai” [ 2 ,tr.217]
Trong bài Tính chất và nhiệm vụ văn hóa dân chủ mới Việt nam, Tổng Bí thư nói rõ quan điểm tiếp thu, học hỏi di sản văn hóa dân tộc: “Chúng ta tìm tòi, học hỏi những tác phẩm văn học nghệ thuật của cha ông ta để lại, nhưng chúng ta phê bình, bổ khuyết những tác phẩm đó và phát huy những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc” [2, tr.158].
Chống tính chất lạc hậu, hủ bại, phong kiến còn rớt lại rất nhiều trong văn hóa Việt Nam cũ, văn hóa dân chủ mới phải có tính chất khoa học. Nó tôn trọng tự do tín ngưỡng, nhưng phản đối mê tín quàng xiên, chống tư tưởng duy tâm, thần bí, chống tất cả lề thói lôi thôi, luộm thuộn, không hợp lý hoặc phản tiến bộ, đẩy mạnh cuộc vận động “đời sống mới”, chống tác phong tự do chủ nghĩa, tản mạn, chống hủ tục…” [2, tr.158-159].
Với việc khai thác, phát huy di sản văn hóa dân tộc, Tổng Bí thư Trường Chinh khẳng định: “Cần nhận rõ rằng nền văn nghệ cách mạng của chúng ta thừa kế tất cả những giá trị văn nghệ do các thời đại trước tạo ra và truyền laị. Chúng ta có nhiệm vụ giữ gìn và phát triển tất cả di sản văn nghệ của dân tộc và ở nước ta ngày nay, cũng chỉ có chúng ta mới có thể làm nổi công việc này” [ 2, tr.213].
“Chúng ta cần hiểu biết những giá trị của văn hóa thế giới, nhưng điều quan trọng hơn là chúng ta phải ra công tìm tòi, học hỏi trong kho tàng văn hóa cũ của dân tộc. Có khai thác được vốn cũ của hàng nghìn năm lao động sáng tạo của nhân dân ta mới tạo nên được một nền văn nghệ mới phong phú hơn nền văn nghệ của tất cả các thời đại từ trước tới nay trong lịch sử dân tộc” [ 2, tr.217].
Tóm lại, trong bối cảnh nước ta vừa giành được độc lập, bắt tay vào xây dựng nền văn hóa mới thì những quan điểm của Tổng Bia thư Trường Chinh về bảo vệ, khai thác di sản văn hóa dân tộc là những chỉ đạo rất kịp thời, có ý nghĩa thực tiễn uốn nắn những thái độ, cách làm lệch lạc khi ứng xử với văn hóa cổ của dân tộc. Cho tới nay những quan điểm của Tổng Bí thư về vấn đề nêu trên vẫn tươi nguyên tính thời sự và ý nghĩa xã hội, góp phần nâng cao nhận thức, thống nhất trong động của cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thao đường lối văn hóa của Đảng.
_______________________
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Văn hóa Thông tin (2003), Đề cương căn hóa Việt Nam 1943 những giá trị tư tưởng-văn hóa, Viện Văn hóa Thông tin và Văn phòng Bộ xuất bản, 2003.
- Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh (1976), Về Văn hóa, Văn nghệ, Nxb Văn hóa,1976.
- Lê Thị Thu Hiền (chủ biên), (2019), Giáo trình Đường lối văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam (Dùng cho các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật), Nxb. Văn học, Hà Nội.