Quan hệ hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ, dấu ấn và hy vọng mới

Hôm nay, 24/8, Phó Tổng thống Hoa Kỳ, bag Kamala Harris đến Việt Nam bắt đầu chuyến thăm theo lời mời của của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân. Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ thăm Việt Nam từ ngày 24 - 26/8, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một Phó Tổng thống Mỹ đương nhiệm.
viet-nam-hoa-ky-1631384960.jpg
Các diễn giả tham dự tọa đàm kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ tại Trung tâm Hoa Kỳ, TP.HCM, ngày 23/7/2020 - Ảnh: TRẦN PHƯƠNG

Dấu ấn của chặng đường 25 năm

2020 đánh dấu 45 năm kết thúc chiến tranh, cũng là năm mà quan hệ Việt Nam - Mỹ bước sang tuổi 25. Cách đây tròn 25 năm, đêm 11/7/1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đọc tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Sáng 12/7, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đọc tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ.

Tháng 8/1995, Mỹ và Việt Nam nâng cấp Phòng liên lạc được thiết lập vào tháng 1/1995 của hai nước thành Đại sứ quán. Cùng với sự phát triển của quan hệ ngoại giao, Mỹ mở Tổng lãnh sự quán tại TP.HCM và Việt Nam mở Tổng lãnh sự quán tại San Francisco. Năm 2009, Mỹ được cấp phép mở Tổng Lãnh sự quán tại Đà Nẵng. Năm 2010, Việt Nam chính thức khai trương Tổng lãnh sự quán tại Houston.

25 năm không phải là quãng đường dài trong lịch sử quan hệ hai nước, song những gì Việt Nam và Mỹ đạt được thực sự ấn tượng. Từ cựu thù, hai nước trở thành Đối tác toàn diện từ năm 2013 với sự phát triển mạnh mẽ ở các lĩnh vực hợp tác trọng tâm.

Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc, với các cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Các khuôn khổ đối thoại chính sách tiếp tục được mở rộng, góp phần xây lòng tin giữa hai quốc gia. Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư có những bước phát triển vượt bậc, vừa là lĩnh vực trọng tâm, vừa là động lực phát triển quan hệ tổng thể.

Hợp tác quốc phòng - an ninh đặc biệt là hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, nâng cao năng lực chấp pháp trên biển; hợp tác giáo dục, văn hóa, khoa học - công nghệ và giao lưu nhân dân ngày càng mở rộng, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và các bang Mỹ cũng tăng nhanh. Ở bình diện đa phương, hai nước chia sẻ lợi ích chiến lược trong việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và trật tự dựa trên luật lệ tại khu vực châu Á - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có các vấn đề Biển Đông, Mekong, Triều Tiên, hay phối hợp tại các diễn đàn ASEAN, APEC, Liên hợp quốc, WTO…

Về vấn đề biển Đông, tháng 7/2020, tại tọa đàm kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ tại Trung tâm Hoa Kỳ, TP.HCM Tổng lãnh sự Damour cho biết khía cạnh hợp tác quan trọng nhất giữa Mỹ và Việt Nam trong vấn đề Biển Đông hiện nay là cả hai nước đều bám sát con đường giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và các nước nhỏ phải được đối xử công bằng với các nước lớn, đồng thời tất cả quốc gia trong khu vực và trên thế giới hợp tác cùng nhau trên cơ sở luật pháp quốc tế.

"Như các bạn cũng đã biết, Việt Nam từ lâu là một quốc gia ủng hộ giải quyết các tranh chấp như vậy một cách hòa bình. Và tôi nghĩ đây là lý do Việt Nam là một đối tác phù hợp đối với Mỹ, đặc biệt về vấn đề này" - Tổng lãnh sự Damour cho biết.

Trong vài năm qua, Việt Nam và Mỹ đã có sự hợp tác to lớn, xét về nhận thức các vấn đề hàng hải (MDA), về việc hỗ trợ cho cảnh sát biển Việt Nam, chẳng hạn chuyển giao tàu tuần tra cho phía Việt Nam... và đây là một "điểm khởi đầu tốt đẹp" để hợp tác hơn nữa giữa hai nước và để duy trì sự ổn định trong khu vực.

25 năm trôi qua, bỏ qua đằng sau nhiều nghi kỵ và hận thù, quan hệ Việt - Mỹ đã bước sang một trang hoàn toàn mới với sự hợp tác vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên cùng tìm tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, thậm chí cả những vấn đề nhạy cảm, vốn luôn bị coi là rào cản trong quan hệ, cùng vì một lợi ích là phát triển.

Hy vọng mới tương lai mới

Quan hệ Việt - Mỹ đang trên đà phát triển tích cực trong những năm qua. Năm 2020, xuất khẩu sang nhiều thị trường chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19, nhưng kim ngạch thương mại Việt - Mỹ vẫn đạt 90,8 tỷ USD, tăng 19,8% so với năm 2019. Trong đó, Việt Nam xuất sang Mỹ 77,1 tỷ USD, nhập khẩu từ Mỹ khoảng 13,7 tỷ USD.

pho-tthk-1631385015.jpg
Phó Tổng thống Harris phát biểu trên chiến hạm USS Tulsa neo tại Singapore hôm 23/8. Ảnh: AFP

Thương mại song phương được duy trì trong 7 tháng của năm 2021, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,7 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước. 7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập từ Mỹ 8,97 tỷ USD, tăng 10,6%.

Mỹ gần đây tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực an ninh hàng hải. Với mong muốn hỗ trợ Việt Nam tăng cường khả năng tuần tra trên biển, bảo vệ chủ quyền, an ninh hàng hải, Mỹ đã cung cấp nhiều phương tiện, tàu bè cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Ngoài hai tàu tuần tra lớp Hamilton, Mỹ đã bàn giao cho Việt Nam nhiều xuồng tuần tra Metal Shark.

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Phó Tổng thống Mỹ, cuộc gặp mong đợi nhất là giữa Phó Tổng thống Kamala Harris và Thủ tướng Phạm Minh Chính để thảo luận trực tiếp về ba vấn đề chính mà cả hai nước quan tâm hiện nay bao gồm cùng hợp tác chống dịch COVID-19, thúc đẩy hợp tác kinh tế và an ninh trong khu vực.

Cho đến nay, Mỹ được coi là quốc gia giúp đỡ Việt Nam hào phóng nhất trong các nỗ lực hợp tác nhằm chấm dứt những ảnh hưởng kinh tế và sức khỏe cộng đồng của đại dịch COVID-19. Chính phủ Mỹ đã cam kết hỗ trợ Việt Nam 5 triệu liều vắc xin Moderna và 20,9 triệu USD để chống dịch, trong đó có 12,5 triệu USD từ Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), 7,2 triệu USD từ Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC).

Trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin vào cuối tháng 7 vừa qua, Mỹ đã cam kết tặng Việt Nam 77 tủ đông âm sâu để bảo quản vắc xin COVID-19. Dự kiến các tủ này sẽ tới Việt Nam vào cuối tháng 8, nhanh hơn so với kế hoạch trước đây. Mặc dù chưa có tuyên bố chính thức nhưng có nhiều đồn đoán rằng bà Harris sẽ có tuyên bố về viện trợ thêm vắc xin cho Việt Nam, phù hợp với các tủ đông âm sâu.

Bà Harris cũng sẽ dự lễ khai trương văn phòng CDC Mỹ tại Hà Nội trở thành văn phòng chính cho khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là một điểm son cho những thành quả hợp tác y tế công cộng dự phòng giữa Mỹ và Việt Nam trong những năm qua khi Mỹ tín nhiệm Việt Nam trở thành đầu mối chính cho những hoạt động của văn phòng CDC của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á.

viet-nam-hoa-ky2-1631385015.jpg
Đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ làm việc với ngành Y tế Việt Nam  (Ảnh: Trần Minh)

CDC Mỹ đã bắt đầu giúp Việt Nam từ năm 1998 để cải thiện năng lực ngăn chặn, phát hiện và đối phó các căn bệnh truyền nhiễm. Chính cơ quan này cũng đã giúp đào tạo huấn luyện các nhân viên y tế Việt Nam công tác xét nghiệm chẩn đoán đối với các tác nhân gây bệnh COVID-19.

Thương mại cũng là một chủ đề chính trong chuyến thăm Việt Nam của bà Harris. Việt Nam đang trở thành một đối tác quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là đối tác thương mại lớn thứ 13 của Mỹ.

Hiện nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và đang chiếm tỉ trọng ngày càng lớn đối với các nhà xuất khẩu của Việt Nam. Tính tới đầu năm 2021, Mỹ chiếm khoảng 30% trong tổng số xuất khẩu của Việt Nam, bỏ xa quốc gia thứ hai là Trung Quốc. Trong 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 53,7 tỉ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam cũng là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu khi các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam để sản xuất hàng đi Mỹ. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã làm chuỗi cung ứng bị tổn thương và đứt gãy, đặc biệt là các ngành máy móc, công nghệ. Do đó, chuyến thăm của bà Harris cũng nhằm tìm giải pháp bảo đảm các hoạt động của giới kinh doanh Mỹ không bị gián đoạn trong bối cảnh chuỗi giá trị toàn cầu được chuyên môn hóa và tập trung hóa cao độ./.