Quán thơ Xứ Đoài: Thay lời giới thiệu

Không rõ qua nhà văn hay người quen nào mà Thạc sĩ, Thượng tá Nguyễn Mạnh Hùng có điện thoại liên lạc với tôi. Anh nhờ tôi đọc và góp ý cho tập “Quán thơ xứ Đoài” của mình và nếu được thì viết đôi dòng giới thiệu.
thay-loi-gioi-thieu-cho-bom519-1709739054.png

Tiến sĩ sử học, nhà thơ Đinh Công Vỹ đại diện nhóm tặng các tác phẩm của mình cho chủ quán Nguyễn Mạnh Hùng để ủng hộ dự án xây dựng bảo tàng thơ văn xứ Đoài.

Tôi đã nhận lời và thật ngạc nhiên. Không phải là một thanh niên mới vào đời, mà là một cựu quân nhân có ý tưởng rất tốt đẹp, lập Xứ Đoài thi quán,  một thư viện để bảo tồn các tác phẩm của văn nghệ sĩ xứ Đoài và văn nghệ sĩ cả nước.

Tác giả tự nhận mình là người “gàn dở”, là “đầu đất” là “Bờm xứ Đoài”. Dù sao thì vấn đề quan trọng là  những việc làm chứ không phải là danh xưng. Đúng như  thực đơn tác giả đã lên trong “ Quán thơ” do  anh làm chủ quán kiêm đầu bếp:

Ca dao tục ngữ hàng đầu

Lục bát là món đứng sau thứ nhì

Bút tre món gọi bất kì

Tự do đặc sản dùng đi cả làng.

                     (Menu ẩm thực quán thơ xứ Đoài)

Tập sách này của anh có  lục bát của ca dao, có thơ giọng Bút Tre, có thơ tự do, có đúc kết như tục ngữ.

Tác giả giới thiệu anh là người khác thường, khác đời. Cũng từa tựa như nhà thơ kiêm PGS.TS. luật Phạm Công Trứ từng bộc bạch “ Người đi kiếm cái giàu sang/ Ta về gảy khúc trăng vàng ngõ quê (Độc huyền tự khúc). Nguyễn Mạnh Hùng giãi bày:

Người ta xây cái Vĩnh Hằng

Tôi đi đào bới lằng nhằng văn chương

Người ta bán những mét vuông

Còn tôi mua cái ẩm ương ở đời.

                      (Đầu Đất)

thay-loi-gioi-thieu-cho-bom1593-1709739054.png

Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương ký tặng sách của mình ủng hộ chương trình xây dựng bảo tàng thơ văn xứ Đoài

Cứ để cho người ta khôn, người ta sáng suốt, người ta Vĩnh Hằng, Vĩnh Cửu đi. Nhưng họ có biết đâu rằng “ Dại chốn văn chương ấy dại khôn” như cụ Tú Xương đã viết và  cụ trạng Trình Nguyên Bỉnh Khiêm cũng bảo “ Dại ấy hiền lành, ấy dại khôn (Khôn Dại)!

Anh Bờm hiện đại xứ Đoài ứng xử giống thằng Bờm xưa  có cái quạt mo. Khác ở chỗ Bờm xứ Đoài chẳng màng tiền bạc đo la, ơ rô, nhà lầu, xe hơi, mà chỉ ưng iphone, cái phương tiện hiện đại thời 4.0 thôi! Ai dám bào Bờm dại?

Hãy xem anh ta phân tích Sổ đỏ và Sổ thơ:

Sống thì chúng nó bỏ bê

Chết thì chúng nó gọi về chia nhau

Tiền âm chúng nó đốt mau

Sổ đỏ cãi cọ, đưa nhau ra tòa

Hãy mang sổ đỏ bán chơi

Tránh cho con cháu máu rơi vì tiền

Lo xa trừ bỏ mối phiền

In thơ con cháu hết tiền không hư.

(Sổ đỏ và sổ thơ)

Hài đấy mà sâu đấy. Ai dám bảo đây không phải là những điều minh triết?

Thời buổi kinh tế thị trường, hàng hóa, của cải rất quý. Người ta đại đa số  làm thế này, anh Bờm xứ Đoài lại làm thế khác. Đây là một cách làm khác:

Người ta gom đất gom vàng

Còn tôi gom sách về mang dùng dần

Mong sao con cháu chuyên cần

Ngày ngày đọc sách tu thân nên người.

                                    (Tôn vinh văn hóa đọc 123)

Những bài thơ hai câu, những cặp lục bát trong “ Ngáo thơ”, bài “Buôn thơ”, “Mơ” hay  nụ cười thầm trong bài thơ “Nhuộm tóc” đều gợi nhưng nét thú vị.

Tôi cùng quan niệm với tác giả trong những câu  này:

…Đuổi theo vật chất muôn trùng

Chi bằng đồng ruộng vui cùng thiên nhiên

Làm thơ, sáng tác tự biên

Bàn văn xét nghĩa thêm niềm vui tươi.

                                          (Du lịch Đan Phượng)

Chúc các thi hữu của Quán thơ, chúc các bạn đọc cầm tập thơ này vui cùng thơ, vui cùng tác giả,  vui cùng thiên nhiên Đan Phượng một niềm vui bất tận, niềm vui làm tươi mởn tâm hồn, giúp người ta trẻ mãi!