Thái Bình: Lễn hội Đồng Xâm giới thiệu các sản phẩm của làng nghề chạm bạc

Ngày 8/5, Lễ hội Đồng Xâm năm 2024 đã khai mạc tại Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia đền Đồng Xâm (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình).

Chú thích ảnh Một góc đền Đồng Xâm. 

Trong thời gian diễn ra Lễ hội từ ngày 8 - 10/5 (tức ngày 1 - 3/4 Âm lịch) sẽ có nhiều hoạt động như: Rước kiệu Thánh Hậu, lễ dâng hương, tế lễ... cùng các trò chơi dân gian truyền thống như: bơi chải truyền thống, biểu diễn múa rối nước… Đặc biệt, tại Lễ hội còn tổ chức trưng bày, giới thiệu các sản phẩm của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (có từ 600 năm trước). Nay nghề phát triển và hình thành vùng sản xuất hàng hóa, tập trung ở 3 xã: Hồng Thái, Lê Lợi, Trà Giang (huyện Kiến Xương) tạo việc làm cho hàng nghìn lao động và cung cấp thợ kim hoàn giỏi cho nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Chú thích ảnh Những hiện vật cổ của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm. Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Văn Niết, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết, đền Ðồng Xâm là nơi thờ đức thánh Triệu Vũ Ðế và Trình Thị Hoàng Hậu gắn với những huyền thoại về một làng chèo, làng ca trù và đền thờ tổ nghề chạm bạc Nguyễn Kim Lâu - người đã có công truyền dạy cho nhân dân nghề vàng bạc.

Đền Đồng Xâm được xây dựng năm Khải Định nhất niên (1922) và am thờ cụ tổ nghề kim hoàn được xây dựng từ thế kỷ thứ XV. Đây là một quần thể di tích có quy mô hoành tráng, rộng lớn với gần 10.000 m2 được xây dựng với nhiều công trình kiến trúc đẹp như: vọng lâu, sân tế, phương đình, tòa điện thờ, hậu cung, nhà thờ tổ nghề chạm bạc. Đền Đồng Xâm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1990.

Chú thích ảnh Khách tham quan và mua sắm sản phẩm làng nghề chạm bạc Đồng Xâm. Ảnh: TTXVN

Lễ hội được tổ chức là dịp để thể hiện lòng thành kính, đạo lý uống nước nhớ nguồn tri ân các bậc tiền nhân có công tạo dựng lên quần thể di tích đền Đồng Xâm; đồng thời, là dịp để quảng bá, giới thiệu làng nghề chạm bạc Đồng Xâm.