Điện Biên quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2023 tại Hà Nội

Chiều 16/12, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Điện Biên tại Hà Nội, năm 2023.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng cho biết: Tỉnh Điện Biên hiện có 31 di tích lịch sử được xếp hạng, trong đó 1 di tích quốc gia đặc biệt, 14 di tích cấp quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh; 18 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; nghệ thuật Xòe Thái và thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái được UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điện Biên có là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, người dân thân thiện, hiếu khách, bản sắc văn hóa đa dạng. Hiện nay, Điện Biên là tỉnh duy nhất trong các tỉnh Tây Bắc có sân bay kết nối với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vừa được nâng cấp thành sân bay lớn đủ điều kiện cho máy bay A320, A321 hoạt động, hệ thống giao thông đường bộ với các tỉnh trong khu vực đang được quan tâm đầu tư, mở rộng... đó là những yếu tố quan trọng để tỉnh Điện Biên xây dựng và phát triển.

Chú thích ảnh Quang cảnh hội nghị xúc tiến du lịch tỉnh Điện Biên năm 2023 tại Hà Nội.

Về tài nguyên du lịch lịch sử, tâm linh, tỉnh Điện Biên có Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, gắn với chiến thắng “Lừng năm lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; Đền thờ liệt sỹ tại Chiến trường Điện Biên Phủ vừa được xây dựng bề thế và trang nghiêm; Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng; đền Hoàng Công Chất… các nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1, Him Lam, Độc Lập, Tông Khao…

Về tài nguyên du lịch văn hóa, tỉnh Điện Biên có 19 dân tộc, chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, riêng có, hấp dẫn về phong tục tập quán, sản xuất, sinh hoạt, tín ngưỡng, các lễ hội truyền thống đang được bảo tồn, tôn vinh, phát triển trở thành nét văn hóa đặc trưng như: Lễ hội Hoa Ban, lễ hội đền Hoàng Công Chất, lễ hội Đua thuyền Đuôi Én, các lễ hội, tết truyền thống của đồng bào dân tộc người Thái, Mông, Lào, Hà Nhì…

Về tài nguyên du lịch sinh thái, tỉnh Điện Biên đang khai thác các sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên như: Nghiên cứu hệ sinh thái hồ Pá Khoang, khám phá Đảo hoa Anh đào, rừng di tích lịch sử Mường Phăng, đèo Pha Đin huyền thoại, chinh phục A Pa Chải - điểm cực Tây của Việt Nam - Ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, cao nguyên đá và hệ thống hang động tại các huyện Tủa Chùa, Điện Biên; các điểm nước khoáng nóng, tinh khiết với trữ lượng lớn như Pe Luông, Uva …

Đây là những điều kiện rất thuận lợi cho việc thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.

Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên như: Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; 115 năm thành lập tỉnh; 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh và 270 năm ngày nghĩa quân Hoàng Công Chất giải phóng Mường Thanh. Tỉnh Điện Biên đang triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tích cực kêu gọi, xúc tiến thu hút đầu tư... với kỳ vọng đổi mới toàn diện, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Đặc biệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Đề án tổ chức Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024, với 169 chương trình, sự kiện cấp quốc gia, cấp tỉnh, với sự tham gia của 33 tỉnh, thành phố, trong đó có hoạt động, sự kiện nổi bật tại tỉnh Điện Biên, hứa hẹn sẽ đem lại nhiều trải nghiệm, khám phá mới.

Hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Điện Biên tại Hà Nội góp phần đẩy mạnh tăng cường công tác giới thiệu, xúc tiến, quảng bá các điểm đến du lịch, các sản phẩm, dịch vụ du lịch, các di sản văn hóa phi vật thể và định hướng phát triển du lịch của tỉnh Điện Biên; tăng cường kết nối, liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Điện Biên và Thành phố Hà Nội; tạo cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch đẩy mạnh trao đổi thông tin, phát triển thị trường.

Đại diện các doanh nghiệp du lịch Hà Nội đều chung đánh giá Điện Biên có lợi thế lớn thu hút khách du lịch từ thị trường Hà Nội trên vòng cùng Đông Tây Bắc. Bên cạnh sản phẩm truyền thống như Điểm di tích Điện Biên, khu vực ngã ba biên giới A Pa Chải đang là điểm điểm thu hút khách từ thị trường khách Hà Nội do đường xã dễ đi lại. Do đó, tỉnh Điện Biên cần tích cực quảng bá, truyền thông, tạo điểm nhấn tới du khách.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia cho rằng: Với điều kiện thuận lợi về hạ tầng giao thông, Điện Biên sẽ là điểm đến trong năm 2024. Điện Biên cần kết nối với các thị trường khách lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tạo sự liên kết đưa khách đến với Điện Biên. Nhất là tạo dựng sản phẩm đa đạng, du khách không chỉ tham quan di tích lịch sử mà còn trải nghiệm bản sắc văn hoá dân tộc địa phương.

Cũng nhân dịp này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên và Sở Du lịch Thành phố Hà Nội sẽ ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2024-2026.